Tất cả vì con
Nguyễn Hồng Duy (27 tuổi, nhân viên kinh doanh của một công ty Bất động sản tại Hà Nội), lấy vợ được hơn 3 năm và hiện có con gần 3 tuổi. Do đặc thù công việc, Duy hút thuốc từ thời sinh viên và nghiện thuốc lá nặng khi đi làm nhân viên môi giới bất động sản.
Ngày lấy Hồng (vợ Duy bây giờ), dù được Hồng hết mực khuyên ngăn, nhưng Duy chỉ cai thuốc được vài tháng rồi lại hút trở lại. Đến khi sinh bé Nguyễn Minh Nguyệt, Duy dù đã cố gắng hạn chế hút hơn, khi hút thì phải trốn ra ban công hoặc xuống đầu ngõ chỗ các quán nước trà để hút. Tuy nhiên, mùi khói thuốc ám vào quần áo, đồ dùng của vợ con khiến anh cũng thấy vô cùng áy náy nhưng không sao bỏ thuốc được.
“Nhưng rồi bé Nguyệt lớn dần, nhất là khi con tập đi tập nói. Mỗi khi ôm con, thấy bé nhăn mặt do mùi thuốc lá từ bố khiến tôi càng có động lực bỏ thuốc. Đặc biệt từ khi tập nói, được mẹ cháu “bơm” cho những câu như: Bố ơi bỏ thuốc, Tắt thuốc đi, Khó chịu quá… khiến tôi càng quyết tâm và đang dần bỏ được vài tháng nay”, Duy tâm sự. Theo các chuyên gia tâm lý học, tình cảnh của Duy cũng là tình trạng chung của nhiều thanh niên trẻ không thể bỏ thuốc dù cả khi lấy vợ, nhưng có con thì lại khác hẳn vì hai tiếng trách nhiệm đã đánh thức được họ.
Gia đình phải tạo được “áp lực”
Bình luận câu chuyện của Duy, BS Nguyễn Hồng Tiến (BV Bạch Mai, Hà Nội) cho rằng, vợ con là những người thân cận nhất với người hút thuốc lá và cũng chính là những nạn nhân đầu tiên. Do đó, để ngăn chặn được khói thuốc từ các gia đình thì vợ con những người hút thuốc lá phải là những người lên tiếng mạnh mẽ và kiên quyết nhất. Dĩ nhiên, sự mạnh mẽ ấy phải đi đôi với sự mềm mỏng, khéo léo thuyết phục và đặc biệt là kiên trì khuyên nhủ cộng với có các biện pháp hỗ trợ người nghiện thuốc lá sử dụng các sản phẩm bổ sung hỗ trợ cai thuốc.
Cũng theo BS Tiến, về bản chất trong thuốc lá có chứa thành phần chính chất nicotine một loại chất gây nghiện và khó từ bỏ. Khi bắt đầu hút thuốc lá chất nicotine tác dụng lên hệ thần kinh tạo ra cảm giác sáng khoái, hưng phấn cho người hút thuốc. Chính vì vậy, người hút thuốc lá có xu hướng sử dụng thuốc lá nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của bản thân dù họ cũng biết đây là thói quen xấu, hại người tốn tiền và bị chính cả người thân… xa lánh.
Mặt khác, về tâm lý hành vi hút thuốc lá được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong khoảng thời gian rất dài và hình thành thói quen trong sinh hoạt hàng ngày. Đáng chú ý, có những người biết hút thuốc từ khá sớm và nghiện nặng khi làm những công việc vốn thường xuyên phải tiếp xúc với bia rượu hay những cuộc gặp gỡ đa phần là đàn ông nên điếu thuốc, chén trà đưa đẩy cho công việc cũng khiến họ bị tác động.
Do đó, từ ngoại cảnh tới việc hút thuốc khiến các chất gây nghiện có trong thuốc lá, đặc biệt là nicotine khiến người hút thuốc bị lệ thuộc hoàn toàn vào thuốc lá. Và câu chuyện rất nhiều người bỏ thuốc lá đột ngột được vài ngày, thậm chí vài tháng nhưng khi đi nhậu nhẹt hay làm việc đêm thì lại bắt đầu quay lại hút thuốc và hút nhiều hơn trước khi chưa bỏ thuốc lá giống như Duy cũng không phải là trường hợp hiếm.
Quay lại câu chuyện cai thuốc, hiện có khá nhiều giải pháp từ Đông y tới Tây y hỗ trợ người hút thuốc như châm cứu, dùng kẹo, nước xúc miệng… để cai thuốc lá. Đơn cử, khi nhai một số loại kẹo hỗ trợ cai thuốc lá, người nghiện thuốc sẽ có cảm giác mất dần ham muốn, dần dần xóa bỏ được cảm giác thèm hút thuốc hoặc tạo ra mùi khét, đắng miệng mỗi khi họ hút thuốc lá. “Từ những tác động kích thích hay trợ giúp ấy, người hút thuốc lá cùng với quyết tâm của bản thân và sự hỗ trợ tâm lý từ các thành viên trong gia đình thì có khả năng bỏ được thuốc lá, dù họ có nghiện nặng tới đâu đi chăng nữa. Trong “cuộc chiến” này, gia đình chính là thành trì vững chắc, vừa là điểm tựa để người nghiện thuốc lá có động lực từ bỏ thói quen xấu này”, BS Tiến kết luận.