Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
Nhìn nhận lại công tác CCHC giai đoạn 10 năm qua, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho rằng công tác CCHC nhà nước nói chung cũng như công tác CCHC của Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực trên cả 06 lĩnh vực, bao gồm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hành chính là những lĩnh vực có chuyển biến mạnh mẽ nhất, góp phần thay đổi mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hướng tới một nền hành chính phục vụ, hiện đại, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.
Mặc dù các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã có nhiều cố gắng trong công tác CCHC, tuy nhiên, kết quả CCHC của Bộ Thông tin và Truyền thông 10 năm qua trên cả 06 lĩnh vực chưa thực sự nổi bật, kết quả chỉ số và xếp hạng CCHC không có sự ổn định (có những năm xếp hạng rất cao, có những năm xếp hạng rất thấp). Lĩnh vực được coi là thế mạnh của Bộ Thông tin và Truyền thông là hiện đại hóa hành chính cũng không có sự ổn định, những năm gần đây kết quả đạt được không cao.
Để giải quyết các tồn tại, Thứ trưởng cho rằng các hoạt động CCHC của Bộ phải đi vào thực chất để nâng cao thứ hạng. “Công tác CCHC của Bộ năm 2020 phải được thay đổi căn bản cả về thứ hạng và chất lượng, khắc phục những hạn chế của các năm trước đồng thời cải tiến tốt hơn những lĩnh vực, quy trình đã thực hiện. Cuối năm những đơn vị nào không làm tốt công tác CCHC, làm ảnh hưởng đến công tác CCHC của Bộ thì sẽ quy trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị.” Thứ trưởng nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị
Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Bộ TT&TT xác định cải cách thể chế vẫn là trụ cột của công tác CCHC, là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của Bộ. Thể chế, chính sách phải được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông, kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC ngay từ khi ban hành; rà soát, đánh giá, đơn giản hóa các TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính;…
Bộ cũng đặt mục tiêu xây dựng thành công Bộ Thông tin và Truyền thông điện tử với các tiêu chí: 100% cuộc họp của Bộ được sử dụng phương pháp họp không giấy tờ; hoàn thành nền tảng chia sẻ, tích hợp hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ; hoàn thành các cơ sở dữ liệu dùng chung (như cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức, tài chính, tài sản, hồ sơ điện tử); tạo lập môi trường làm việc tích hợp điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức Bộ Thông tin và Truyền thông. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng, duy trì và liên tục cải tiến hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông./.