Trong giai đoạn đầu triển khai VNPT E-Learning từ 1/2/2020 - 11/3/2020, dịch vụ VNPT E-Learning đã được gần 10 nghìn trường triển khai với hơn 300 nghìn tài khoản giáo viên và hơn 4 triệu tài khoản học sinh. Ảnh: Internet
Theo đại diện VNPT, VNPT E-Learning là giải pháp học tập trực tuyến nằm trong hệ sinh thái Giáo dục thông minh VnEdu do đơn vị này xây dựng và triển khai. Đây là giải pháp có tính sáng tạo, với nhiều module học và thi trực tuyến hấp dẫn, giúp nhà trường, các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp thực hiện đào tạo trực tuyến mọi lúc, mọi nơi và trên mọi thiết bị.
Trong giai đoạn đầu triển khai VNPT E-Learning từ 1/2/2020 - 11/3/2020, dịch vụ VNPT E-Learning đã được gần 10 nghìn trường triển khai với hơn 300 nghìn tài khoản giáo viên và hơn 4 triệu tài khoản học sinh. Thời gian học trung bình của học sinh đạt 12 phút/phiên và đang tiếp tục tăng trưởng mỗi ngày, dự kiến sẽ đạt 30 phút/phiên trong vòng 2 tuần tới.
Dịch vụ cũng đã có hơn 5 triệu lượt truy cập, thậm chí cao điểm đạt tới hơn 100 nghìn lượt truy cập trong vòng một giờ. "Qua 1 tháng, VNPT E-Learning có lượt người dùng tăng xấp xỉ 4 lần, lượt truy nhập cũng tăng hơn 5 lần", đại diện VNPT chia sẻ thêm.
Cũng theo đại diện VNPT, về mặt sản phẩm, đơn vị này sẽ liên tục cập nhật và hoàn thiện các tính năng để nâng cao hiệu quả trong công tác dạy và học. Tiêu biểu như tính năng “lớp học trực tuyến” được tinh chỉnh từ dịch vụ Hội nghị truyền hình VNPT Meeting, cho phép giáo viên lên lớp và tương tác trực tuyến các học sinh như một lớp học thực sự. "VNPT sẽ tiếp tục duy trì chính sách miễn phí đến hết năm học 2020, đồng thời miễn phí Data 3G/4G khi sử dụng VNPT E-Learning", đại diện VNPT nhấn mạnh.
Bên cạnh nền tảng học trực tuyến từ xa VNPT E-Learning, đại diện VNPT cho biết, để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, VNPT còn đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu làm việc từ xa cho các tổ chức, doanh nghiệp trên nền tảng kết nối Internet và data di động 3G/4G. Ngoài ra, để chung tay và đồng hành với các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, VNPT đưa ra nhiều ưu đãi về giá, thông qua các chương trình giảm giá cho đến dùng miễn phí.
Còn theo đại diện Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội), Viettel đã miễn phí cước data cho các thầy cô giáo và học sinh khi truy cập vào mạng xã hội học tập ViettelStudy thông qua SIM 3G/4G Viettel để dạy và học trực tuyến. Các thầy cô cũng có thể tạo những bài giảng miễn phí trên hệ thống, tổ chức các lớp học tương tác trực tuyến thông qua tính năng tích hợp cùng phần mềm Zoom - ứng dụng hỗ trợ học trực tuyến hàng đầu thế giới để truyền đạt kiến thức cho học sinh.
Ngoài ra, trước diễn biến nhanh của dịch Covid-19, Viettel cùng các nhà cung cấp nội dung trên nền tảng này, miễn phí các nội dung học trực tuyến trên ViettelStudy và bao gồm các bài giảng, khóa học và bộ đề ôn tập, giúp các em học sinh bổ sung kiến thức và tự học tại nhà.
Trên cơ sở đó, lượt truy cập vào dịch vụ đã có sự tăng trưởng nhanh chóng.
Chỉ trong hơn 1 tháng kể từ khi triển khai các chính sách ưu đãi trong đợt dịch, lượng truy cập hệ thống đạt 41 triệu. Đến nay, ViettelStudy đã triển khai tại gần 26 nghìn trường học với gần 29 nghìn bài học được tạo mới trong đó có bài học lên đến gần 10.000 người học với hơn 120.000 lượt học
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Giám đốc Công nghệ Công ty FPT, Giám đốc dự án VioEdu, trong thời gian qua, ứng dụng này đã có sự tăng trưởng tốt cả về người dùng và lượng truy cập cũng như số lượng trường học tham gia, bài giảng trên hệ thống. "Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, gây ra rất nhiều hệ luỵ, tổn thất cho cả xã hội. Hy vọng Hệ thống đào tạo trực tuyến VioEdu nói riêng và giáo dục trực tuyến nói chung có thể tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho việc dạy và học của thầy cô, học sinh trên cả nước", ông Minh chia sẻ.
Đánh giá về tiềm năng thị trường giáo dục trực tuyến ở Việt Nam, ông Minh cho biết, với dân số gần 100 triệu người, trong đó có khoảng 18 triệu học sinh phổ thông và khả năng thích nghi, học hỏi công nghệ nhạy bén cùng với chất lượng Internet và hạ tầng CNTT khá tốt, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng phát triển các mô hình giáo dục trực tuyến. Bên cạnh đó, quan trọng hơn là chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong việc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy và học tập.