Cảng cá Cửa Tùng (tỉnh Quảng Trị) được nâng cấp thành cảng lớn phục vụ 600 lượt tàu mỗi ngày.
Xác định kinh tế biển là hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương, song nhìn chung, cơ sở hạ tầng nghề cá các tỉnh miền trung còn lạc hậu, xuống cấp nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu của đội tàu xa bờ được đầu tư hiện đại.
Khi cảng cá quá tải
Theo Chi cục trưởng Thủy sản Đà Nẵng Lưu Quang Khánh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá của Đà Nẵng được đầu tư khép kín tại Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang với diện tích khoảng 130 ha, bao gồm cảng cá và âu thuyền neo đậu, chợ đầu mối, các nhà máy chế biến thủy sản... Tuy nhiên hiện nay, Cảng cá Thọ Quang đang quá tải do lượng tàu cá cập bến lớn. Với khả năng hiện tại, mỗi ngày Cảng cá Thọ Quang tiếp nhận 55-60 tàu, cao điểm lên đến 142 tàu/ngày đêm, nên không đáp ứng được việc giải phóng nhanh hải sản cập cảng. Ở đây còn thiếu các hạng mục như nơi đậu, đỗ xe tải bốc dỡ hải sản, diện tích kho lạnh hạn chế. Bên cạnh đó, năng lực thu gom, xử lý nước và rác thải còn yếu, dẫn đến mặt nước trong cảng thường xuyên bị ô nhiễm. Âu thuyền neo đậu tránh trú bão tại đây có 60 trụ neo đáp ứng cho khoảng 500 tàu thuyền song mỗi khi có bão, lượng tàu thuyền vào neo đậu gần 1.000 chiếc. Do quá tải khiến một số tàu cá bị va đập hư hỏng, gây thiệt hại lớn cho ngư dân.
Là tỉnh miền trung có bờ biển dài hơn 116 km và sáu địa phương ven biển có hoạt động nghề cá, Quảng Bình có 6.792 tàu cá, với 24.500 lao động trực tiếp khai thác trên biển. Ngoài ra, còn khoảng 500 tàu cá ngoại tỉnh thường xuyên cập cảng bốc dỡ hàng hóa và dịch vụ. Tỉnh có hai cảng cá đang hoạt động, nhưng chỉ mới đáp ứng khoảng 30% số lượng tàu cá cập cảng, còn 70% tàu thuyền phải cập ở các bến cá truyền thống để bốc dỡ nên làm tăng chi phí chuyến biển. Ngay tại các cảng cá, cầu cảng ngắn và hẹp, thiếu các trang, thiết bị cơ giới phục vụ bốc dỡ hàng hóa. Mặt nước trong cảng cá thường xuyên bị bồi lắng cũng gây nhiều khó khăn cho các tàu xa bờ vỏ sắt mỗi khi cập vào. Quảng Bình có ba khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với quy mô neo đậu khoảng 1.200 tàu thuyền. Mỗi khi bão lũ xảy ra, các khu neo đậu đặc kín tàu thuyền tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do bị va đập.
Tương tự, tỉnh Quảng Trị hiện có hai cảng cá là Cửa Việt và Cửa Tùng, ngoài ra còn có cảng cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Cồn Cỏ. Nhìn chung, các cảng cá chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, cập bến của các loại tàu thuyền ngày càng có công suất lớn. Đối chiếu với quy định, các cảng cá ở Quảng Trị chưa đáp ứng được yêu cầu về diện tích đất và vùng nước cảng, tiêu chí sản lượng hàng thủy sản qua cảng. Các trang, thiết bị bốc dỡ hàng hóa, hệ thống xử lý nước thải, điện, nước, phòng chống cháy nổ... chưa bảo đảm khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm, nhiều tàu có nhu cầu cập cảng để bốc dỡ hải sản và tiếp nhiên liệu, trong khi chỗ neo đậu hạn chế nên xảy ra tình trạng tranh chấp vị trí cập bến. Đặc biệt, luồng vào và chỗ neo đậu tránh trú bão ở Cảng cá Cửa Tùng bị bồi lấp khiến tàu thuyền không thể ra, vào.
Huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng
Thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Đà Nẵng được xác định là một trong năm trung tâm nghề cá lớn của cả nước, gắn với ngư trường Hoàng Sa. Thời gian qua, UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều cơ sở hạ tầng nghề cá tại đây. Cụ thể, dự án nâng cấp Cảng cá Thọ Quang giai đoạn 1 sắp đưa vào sử dụng, bao gồm mở rộng cầu cảng số 2 lên 150 m, xây mới bến cập tàu 600 CV dài 150 m; san lấp mở rộng mặt bằng cảng thêm 3.700 m2 nhằm tăng diện tích cập tàu, bốc dỡ hàng hóa. Luồng tàu và vùng neo đậu được nạo vét để thuận lợi cho việc neo tàu và bảo đảm an toàn khi tàu cập bến. Hệ thống cơ giới hóa bốc xếp thủy sản được đầu tư để tăng khả năng bốc dỡ hàng hóa, giảm thời gian chờ đợi của tàu.
Để phát triển hạ tầng nghề cá, tỉnh Quảng Bình cũng đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để xây dựng thêm các cảng, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão kết hợp dịch vụ hậu cần thủy sản. Hiện, cảng cá nằm trong khu neo đậu tránh trú bão Nhật Lệ đã hoàn thành đưa vào sử dụng; khu neo đậu tránh trú bão chợ Gộ ở huyện Quảng Ninh và bắc sông Gianh đang xây dựng. Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các bến dịch vụ hậu cần nghề cá để phục vụ bốc dỡ, chế biến hải sản.
Nổi bật trong thời gian gần đây là hệ thống bến cá tại các xã biển bãi ngang trong tỉnh được xây dựng. Từ trước đến nay, do bờ biển không có cửa lạch nên ngư dân ở bãi ngang chỉ dùng các thuyền nan nhỏ đánh bắt ở vùng biển gần bờ. Sau khi hải sản cập bờ, phụ nữ các làng biển phải gồng gánh băng qua vùng cát bỏng rát đến nơi tập kết để đưa đi tiêu thụ. Nhằm giúp cho ngư dân thuận lợi hơn trong việc mua bán, vận chuyển hải sản cũng như cất giữ thuyền tránh trú bão an toàn, vừa qua, tỉnh Quảng Bình đầu tư gần 100 tỷ đồng để xây dựng các bến cá kết hợp với dịch vụ hậu cần nghề cá ở các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Tại huyện Lệ Thủy, cuối năm vừa qua, 15 bến cá và 23 tuyến đường, với tổng chiều dài gần 10 km nối từ các trục đường thôn ra tới bến cá ở hai xã Ngư Thủy và Ngư Thủy Bắc được đưa vào sử dụng. Mỗi bến cá dài khoảng 120 m, rộng 20 m, có tường chắn cát bằng bê-tông cốt thép, mặt sàn đổ bê-tông, lại có đường xuống tận bãi biển nên rất thuận lợi cho xe ô-tô lên, xuống để chở hải sản.
Ngư dân Trần Đức, ở thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy Bắc chia sẻ: “Lâu nay, mỗi khi đưa cá vào bờ, chúng tôi phải gánh trên vai quãng đường 300 m mới đến đường ô-tô. Khi có gió bão thì phải nhờ hàng chục người khiêng thuyền lên bờ tránh gió. Bây giờ có bến cá, ngư dân cập thuyền vào bãi là bốc cá, mực lên xe chở đi tiêu thụ luôn. Mưa bão cũng chỉ cần ba người dùng xe đẩy theo đường xuống bến rồi kéo thuyền lên, rất nhẹ nhàng”.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, hiện tỉnh đang thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng hai cảng cá Cửa Việt và Cửa Tùng, khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt ở huyện Triệu Phong; đồng thời triển khai xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Bắc Cửa Việt, huyện Gio Linh diện tích hơn 20 ha, có quy mô năng lực đáp ứng sức chứa cho 300 tàu, lượng hàng hóa qua cảng đạt 70.000 tấn/năm. Các dự án này hoàn thành sẽ hình thành các khu dịch vụ hậu cần đáp ứng nhu cầu khai thác và neo đậu tránh trú bão của ngư dân, góp phần phát triển kinh tế biển tỉnh Quảng Trị.
Khai thác hiệu quả hạ tầng nghề cá
Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình vào tháng 12/2021, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lưu ý, việc đầu tư xây dựng hạ tầng nghề cá để phát triển thủy sản là hết sức cần thiết nhưng phải chú ý đến công năng của công trình, tránh lãng phí. Bộ trưởng nêu thí dụ, khi xây dựng khu neo đậu tàu cá phải tính đến công năng dịch vụ hậu cần thủy sản, nếu chỉ sử dụng tránh trú trong thời gian ngắn của mùa bão lũ là chưa được. Các địa phương phải hết sức chú ý đến việc khai thác hợp lý và sử dụng hiệu quả hạ tầng nghề cá.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng Nguyễn Phú Ban, dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Thọ Quang hoàn thành sẽ tạo ra cơ sở hậu cần thủy sản đồng bộ, nâng cao công suất neo đậu cho tàu cá và tránh trú bão; đồng thời giải quyết ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển kinh tế, du lịch cho thành phố. “Sở sẽ chỉ đạo điều tiết, sắp xếp lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành hàng theo đúng quy hoạch, khai thác tốt các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu phát triển nghề cá và hiệu quả đầu tư của cảng cá lớn nhất miền trung này”-ông Ban nhấn mạnh.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình Lê Văn Lợi, khác với trước đây, bây giờ việc đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão tại địa phương đều bao hàm cả chức năng khu dịch vụ hậu cần thủy sản. Trước hết là vị trí địa lý bảo đảm an toàn cho tàu cá neo đậu nhưng thuận lợi về đường giao thông để phục vụ hậu cần. Cùng với diện tích mặt nước để tàu thuyền neo đậu thì mặt bằng cũng đủ rộng để xây dựng các cơ sở dịch vụ như khô lạnh, sản xuất nước đá, nhiên liệu. Với các bến cá ở vùng bãi ngang, đây không chỉ là nơi tập kết, mua bán hải sản mà còn là không gian thoáng rộng, sạch sẽ để cộng đồng sử dụng trong mùa hè và phục vụ khách du lịch khi đến các bãi biển đẹp.
Dù còn nhiều khó khăn về nguồn lực, song những năm gần đây, các tỉnh miền trung đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá theo hướng hiện đại và mang tính bền vững. Điều này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả nghề khai thác thủy sản mà còn bảo đảm sự an toàn cho ngư dân và tàu thuyền hoạt động trên biển, giảm thấp nhất những rủi ro mỗi khi thiên tai, bão tố. Mặt khác, việc các cảng cá được đầu tư đồng bộ sẽ giúp cho các địa phương kiểm soát tốt thông tin về thời gian xuất nhập cảng, sản lượng hải sản và hành trình của các tàu cá, góp phần chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, vốn còn nhiều khó khăn và bất cập như hiện nay ■