Góp phần thúc đẩy giáo dục số tại Việt Nam
Giải thưởng ASEAN số - ASEAN Digital Awards (trước đây là ASEAN ICT Awards) được tổ chức thường niên từ năm 2012, với mục tiêu tìm kiếm và vinh danh các sáng kiến về CNTT có tính ứng dụng thực tiễn cao giúp mang lại giá trị cho cộng đồng, có khả năng phát triển bền vững và đóng góp vào phát triển kinh tế tại các nước trong khu vực ASEAN.
Trong lần đầu được Bộ TT&TT chọn tham gia giải ASEAN Digital Awards (ADA), hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu của FPT IS, đơn vị thành viên Tập đoàn công nghệ FPT, đã xuất sắc giành giải Bạc hạng mục Nội dung số, góp phần đưa đoàn Việt Nam dẫn đầu tại giải thưởng ADA 2024.
Chia sẻ với phóng viên VietNamNet về bài toán của ngành giáo dục được VioEdu hướng tới giải quyết, đại diện nhóm phát triển cho hay, hệ thống giáo dục VioEdu giúp học sinh phổ thông tại Việt Nam học đúng trọng tâm, linh hoạt và cá nhân hóa.
Các sân chơi, lộ trình học tập được VioEdu đưa ra tương thích và sinh động như game giúp học sinh hứng thú, chủ động, tự giác, tự học, đặc biệt là trong thời đại số khi Internet và cách học qua mobile app đang phát triển bùng nổ.
VioEdu cũng cung cấp công cụ giúp giáo viên và nhà trường tiết kiệm tới 95% thời gian giao bài tập, kiểm tra, chấm điểm; tổ chức lớp học online, kiểm tra đánh giá online; cung cấp các báo cáo chi tiết giúp nhà trường quản lý, theo dõi chất lượng dạy và học của giáo viên và học sinh toàn trường.
Song song đó, tính năng dành cho phụ huynh cung cấp chi tiết, trực quan các báo cáo và gợi ý, giúp phụ huynh theo sát quá trình rèn luyện của học sinh, giúp tối ưu thời gian và chi phí.
“Khi kiến tạo một nền tảng đồng bộ như trên, chúng tôi đã góp phần giúp hàng nghìn trường học tại Việt Nam nhanh chóng thích nghi và ổn định khi chuyển sang học trực tuyến giai đoạn Covid-19 năm 2020, 2021 và tiếp tục chuyển đổi số đồng bộ từ sau đại dịch đến nay” , đại diện nhóm phát triển VioEdu chia sẻ thêm.
Ứng dụng AI giúp cá nhân hóa lộ trình học tập
Việc có tên trong 4 giải pháp của Việt Nam lọt vào vòng cuối cuộc thi ASEAN số 2024 đã phần nào minh chứng về sự xuất sắc của hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu. Tham gia chấm ở vòng chung khảo, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng Cục CNTT và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho hay, có thời điểm VioEdu còn được dự đoán có khả năng giành giải Vàng.
So với các giải pháp cùng loại, một điểm khác biệt của VioEdu là sự đa dạng và đồng bộ các tính năng cho cả 4 đối tượng gồm học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhà trường, từ đó mang đến sự thuận tiện cho người dùng.
Về nội dung, nhờ việc xây dựng khung chủ điểm nội dung theo chuẩn kiến thức và kỹ năng của Bộ GD&ĐT một cách thông minh, học liệu trên VioEdu có thể dễ dàng được “tháo dỡ” và tùy chỉnh nhanh chóng theo các yêu cầu khác nhau, phù hợp cho nhiều thị trường. Năm 2023, VioEdu đã đưa tới người dùng quyền lựa chọn nội dung học theo các bộ sách giáo khoa hiện hành.
Bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT, VioEdu cung cấp kho học liệu có trên 10.000 video bài giảng bằng hoạt hình, hơn 1 triệu nội dung bài tập, bài kiểm tra môn Toán, Tiếng Việt và Toán tiếng Anh với nhiều cấp độ từ dễ đến khó.
Đặc biệt, các công nghệ mới như AI, Big Data đã được VioEdu ứng dụng để phân tích điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh chính xác tới hơn 95%, qua đó gợi ý lộ trình học tập cá nhân hóa, giúp tiết kiệm từ 30 - 50% thời gian và tăng hiệu quả học tập.
Hệ thống cũng xây dựng một chương trình học tập sinh động và hấp dẫn như game với hàng loạt sân chơi trí tuệ hấp dẫn, bạn đồng hành, tích điểm đổi quà... giúp học sinh tăng hứng thú, tự giác học tập. Thời gian tương tác trung bình của người dùng VioEdu lên đến 49 phút/người dùng.
Kỳ vọng vươn ra thị trường khu vực ASEAN
Theo thống kê, qua 4 năm hoạt động, VioEdu đã có 18,5 triệu người dùng, với khoảng 1,8 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên hàng tháng. Ước tính trung bình cứ 3 học sinh Việt Nam thì có 1 học sinh biết đến và sử dụng VioEdu để tự học.
Cùng với đó, hàng chục nghìn trường học từ hơn 40 tỉnh thành tại Việt Nam tham gia sân chơi, sử dụng các học liệu và nền tảng của VioEdu để nâng cao chất lượng dạy, học. VioEdu còn được nêu tên trong chiến lược xây dựng nền tảng giáo dục toàn diện của Bình Định, Cà Mau và Hà Tĩnh.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet về hành trình đua tài của các sản phẩm công nghệ số Việt Nam tại ADA 2024, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên cũng nhấn mạnh, ở hạng mục Nội dung số, ICANKid và VioEdu của Việt Nam nổi trội hơn giải pháp của nước bạn về hiệu quả thực tế, số lượng người dùng.
Ngoài sản phẩm tốt, theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, còn có những điểm cộng khác để hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu giành giải Bạc của ADA 2024, đó là nhóm phát triển đã có sự chuẩn bị tốt cả bài trình bày và video ngắn giới thiệu sản phẩm, người đại diện thuyết trình trước Hội đồng giám khảo trình bày tiếng Anh tốt, khống chế thời gian hợp lý.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc, Giám đốc hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu, việc được vinh danh tại đấu trường ASEAN có ý nghĩa lớn với VioEdu, là minh chứng cho năng lực và những giá trị mà nhóm đang nỗ lực đem lại cho người dùng, đồng thời là ‘cú hích’ để sản phẩm sớm đạt được các mục tiêu cao hơn tại thị trường Việt Nam cũng như ASEAN.
“Giành giải ADA 2024 còn giúp chúng tôi quảng bá, hoàn thiện hơn nữa sản phẩm, hướng tới mục tiêu thúc đẩy nền giáo dục số tại Việt Nam và vươn ra thị trường khu vực” , bà Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ.
Đại diện nhóm phát triển còn cho hay, năm 2024, VioEdu sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng AI vào sản phẩm, cho ra mắt những nội dung học tập mới, forum hỏi đáp mở và tính năng gia sư trực tuyến; đồng thời kết nối với các đơn vị giáo dục trong khu vực để “xuất khẩu” các sân chơi của VioEdu sang các nước bạn và đưa những mô hình học tập tiên tiến về Việt Nam.