Các nước phản đối mọi hành động làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông

Thứ tư, 29/09/2021 15:44

Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 01/9 vừa qua. Theo đó, Trung Quốc đặt ra một loạt yêu cầu kiểm soát các tàu nước ngoài đi vào “vùng lãnh hải” của nước này. Nhiều nước đã phản đối quyết định này, xem đó là hành vi đi ngược lại luật tự do hàng hải và là bước đi nhằm độc chiếm Biển Đông.

d8a-xfwp.jpg

Tàu hải quân Australia và Pháp phối hợp tuần tra trên Biển Đông tháng 4/2021.

Đe dọa tự do hàng hải ở Biển Đông

Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng về việc Trung Quốc yêu cầu các tàu nước ngoài đi vào Biển Đông phải đăng ký với giới chức hàng hải nước này, khẳng định đây là mối “đe dọa nghiêm trọng” đối với tự do hàng hải và thương mại. Ông John Supple, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, nhấn mạnh Mỹ kiên quyết rằng bất cứ đạo luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển cũng không được vi phạm các quyền hàng hải và hàng không mà tất cả quốc gia đều được hưởng theo luật pháp quốc tế. Các yêu sách biển bất hợp pháp, trong đó có những yêu sách ở Biển Đông, đều gây ra mối đe dọa nghiêm trọng tới tự do của vùng biển này, trong đó có tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại hợp pháp không bị cản trở cũng như những quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ở Biển Đông và ven biển khác. Ông John Supple khẳng định: “Mỹ vẫn cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật định và một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Ngoài ra, theo Phó Đô đốc Mỹ Michael F. McAllister, các yêu cầu mới của Trung Quốc trên vùng biển này là trái với luật pháp - nguyên tắc quốc tế và cảnh báo: “Sẽ có bất ổn và xung đột nếu các yêu cầu này được thực thi. Theo ông, Biển Đông được ví như “siêu xa lộ hàng hải” với các hoạt động giao thương hàng hóa tấp nập. Do đó, hợp tác giữa các lực lượng tuần duyên trong khu vực là rất quan trọng để xây dựng sự quản trị hàng hải tốt. 

Quan ngại sâu sắc   

Giới chức Australia và Pháp bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và ủng hộ giải quyết hòa bình các vấn đề tại vùng biển này phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Đó là nội dung tuyên bố chung được các ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Australia và Pháp đưa ra sau cuộc gặp 2+2 theo hình thức trực tuyến.

Tuyên bố chung ngày 02/9 được đăng tải trên website của Ngoại trưởng Australia Marise Payne nêu rõ các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Australia “kiên quyết phản đối mọi hành động cưỡng ép hoặc gây bất ổn có thể làm gia tăng căng thẳng” tại Biển Đông. Các bộ trưởng nhấn mạnh: “Mọi bất đồng cần được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với UNCLOS 1982”. Ngoài ra, các bộ trưởng còn “tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế”, đồng thời nhất trí hợp tác hàng hải chặt chẽ hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tuyên bố chung nhấn mạnh Pháp và Australia sẽ tăng cường hợp tác chung để triển khai chiến lược của mỗi bên tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời giữ vững cam kết với các đối tác trong khu vực, trong đó có Mỹ, để bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Các bộ trưởng hai nước cũng tái khẳng định rằng: “ASEAN và các cơ chế của hiệp hội cần đóng một vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, vì hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng”.

Ngoài hợp tác song phương, tuyên bố chung hội nghị 2+2 giữa Pháp và Australia cũng nhấn mạnh tăng cường hợp tác ba bên với Ấn Độ trong các lĩnh vực an ninh và an toàn hàng hải cũng như môi trường biển, đồng thời nhất trí tăng cường đối thoại với các đảo quốc ở Thái Bình Dương./.

 

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top