Các nền tảng công nghệ phòng, chống Covid-19 được triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước

Thứ tư, 04/08/2021 11:28

Với việc triển khai nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm tại CDC, thành phố Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu, từ 23/7/2021 đến nay, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã xét nghiệm tổng cộng 1.860 mẫu gộp cho hơn 20 nghìn người. Trong thời gian tới, sẽ trả kết quả xét nghiệm qua ứng dụng Bluezone và các kênh thông tin trực tuyến. Đồng thời sẽ sớm áp dụng tại tất cả các quận huyện trong thời gian tới. Đai diện Sở TT&TT Bà Ria Vũng Tàu chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc tổ chức chiều ngày 3/8/2021.

Giảm 50% thời gian lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi dữ liệu theo thời gian thực

Thời gian lấy mẫu xét nghiệm cho một người chỉ mất 10 giây nhưng một cán bộ xét nghiệm sẽ mất 1 phút/người (gấp 6 lần thời gian lấy mẫu) để viết tay thông tin lấy mẫu. Sau khi hoàn thành đợt lấy mẫu, còn phải nhập dữ liệu từ danh sách viết tay vào bảng excel rồi mới gửi thông tin cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), ông Lê Văn Tuấn, Giám đốc Sở TT&TT Bà Rịa Vũng Tàu cho hay.

Không những vậy, việc tổng hợp số liệu báo cáo khi lấy mẫu tại các địa bàn lệch nhau, có thể dẫn đến tình trạng không trùng khớp số liệu trong báo cáo. Việc theo dõi tình trạng lấy mẫu tại các địa bàn theo hình thức thủ công như gọi điện, nhắn tin, khi tổng hợp số liệu báo cáo lên CDC sẽ phải mất thời gian tổng hợp.

20210804-m04.jpg

Ảnh minh họa

Với nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, tiết kiệm được 50% thời gian lấy mẫu xét nghiệm, tăng tốc xét nghiệm và trả kết quả, truy vết và khoanh vùng nhanh hơn. Chỉ nhập liệu một lần thông qua quét mã QR code, hoặc nhập trực tiếp, thực hiện được trên nền tảng, trên ứng dụng và giao diện Web. Một ưu điểm của việc sử dụng nền tảng là: Có thể theo dõi, tổng hợp dữ liệu theo thời gian thực; tiết kiệm nhân lực, chỉ cần 1 người thay vì 02 người như trước. Có thể sử dụng cán bộ tình nguyện để quét thông tin người dùng, nhập thông tin thay vì phải là cán bộ xét nghiệm như trước đây.

Đại diện Sở TT&TT Bà Rịa Vũng Tàu chia sẻ, để triển khai hiệu quả thành công Nền tảng  hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, cần có sự thống nhất từ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Lãnh đạo UBND tỉnh, UBND quận/huyện, Trung tâm y tế, Đoàn thanh niên, doanh nghiệp viễn thông trong quá trình triển khai.

Một yếu tố quan trọng khác là vai trò của Sở TT&TT. Đó là sự quyết liệt, sát sao với việc triển khai, tham mưu tích cực, chủ động hỗ trợ ngành y tế tại địa phương; hỗ trợ tích cực Trung tâm y tế quận/huyện và CDC của tỉnh áp dụng nền tảng.

Với nền tảng công nghệ đơn giản, thuận tiện dễ sử dụng trên thiết bị di động, máy tính, công tác đào tạo tưởng chừng như một việc khó trước đây nay trở nên dễ dàng với “chiến thuật dầu loang”: Bộ TT&TT đào tạo xuống đầu mối Sở TT&TT, CDC, Trung tâm y tế, Đoàn thanh niên địa phương, sau đó các đơn vị này tự đào tạo cho nhau và đào tạo trực tiếp tại nơi lấy mẫu.

Tại Bà Rịa Vũng Tàu, công tác truyền thông về việc cài đặt ứng dụng Bluezone, sử dụng ứng dụng này khi lấy mẫu được triển khai qua hệ thống truyền thanh cơ sở cũng như tờ rơi tại nơi lấy mẫu. 

Nền tảng quản lý tiêm chủng có khả năng đáp ứng 5 triệu mũi tiêm/ngày

Ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT nhận định, với năng lực đáp ứng 5 triệu mũi tiêm/ngày, Nền tảng quản lý tiêm chủng - một trong sáu nền tảng do Trung tâm công nghệ phòng chống covid-19 quốc gia xây dựng, triển khai, vận hành- đã góp phần hỗ trợ tích cực cho cơ quan y tế cũng như người dân trong công tác đăng ký tiêm, lập kế hoạch, triển khai tiêm, đảm bảo sự đồng bộ, minh bạch về dữ liệu tiêm chủng ở mọi cấp quản lý. 

Kể từ đợt tiêm chủng thứ 5 bắt đầu từ ngày 3/7/2021, TP HCM đã triển khai lấy danh sách người tiêm chủng thông qua đăng ký trên nền tảng tiêm chủng. Đã có 1.843.000 trường hợp đăng ký qua nền tảng. Những dữ liệu này sẽ được đưa vào cơ sở dữ liệu của hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia. Trên cơ sở này sẽ triển khai phần mềm quản lý tiêm chủng trên toàn thành phố, bà Võ Thị Trung Trình, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP HCM cho hay. 

Chiến dịch tiêm chủng lần thứ 5 của TP HCM bắt đầu từ 20/7 và kết thúc hôm 2/8 đã hoàn thành tiêm cho hơn 920.000 người, đưa vào hệ thống được hơn 630.000 người đã tiêm chủng,  trong đó số người trên 65 tuổi và có bệnh nền là hơn 114 nghìn người. 

Đối với các đơn vị đã sẵn sàng sử dụng công nghệ, Sở TT&TT cho áp dụng toàn bộ quy trình. Với các đơn vị chưa sẵn sàng, Sở có phương án hỗ trợ để đưa dữ liệu lên hệ thống sau một ngày tiêm. Việc này nhằm thực hiện cuốn chiếu việc đưa cơ sở dữ liệu của thành phố vào hệ thống quốc gia.

Một phần nhờ áp dụng CNTT trong công tác tiêm chủng, những ngày cuối của đợt thứ 5 thành phố đã nâng cao năng lực tiêm lên nhiều lần, có ngày lên hơn 120 ngàn người được tiêm, so với những ngày đầu chỉ vài ngàn.

Trên cơ sở nền tảng quản lý tiêm chủng với những dữ liệu tiêm chủng đã thu thập được, Sở TT&TT TP HCM tham mưu cho lãnh đạo thành phố trong việc xác định các điểm nóng, các đối tượng ưu tiên cần được tiêm chủng nhanh. Đồng thời, Sở TT&TT cũng kiến nghị Bộ TT&TT phối hợp Bộ Y tế hoàn thiện, đơn giản hóa các chức năng, quy trình ứng dụng hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia để phù hợp cho Chiến dịch tiêm chủng, đại diện Sở TT&TT cho biết. 

Nền tảng truy vết - lập bản đồ di chuyển, phát hiện những ca nghi nhiễm có lịch sử di chuyển phức tạp

Mục đích của truy vết người tiếp xúc với ca bệnh là nhằm xác định các “mốc dịch tễ” và truy vết người tiếp xúc với ca bệnh, từ đó  tổ chức xét nghiệm, cách ly, xử lý kịp thời, ngăn chặn không để dịch lây lan ra cộng đồng. 

Truy vết được ưu tiên hàng đầu tại các các địa bàn chưa xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 vì có thể truy vết nhanh, từ đó khẩn trương khoanh vùng dập dịch. 

Đại diện Cục Tin học hóa đưa ra một ví dụ cụ thể về một trường hợp xác định các “mốc dịch tễ” thông qua việc khai thác dữ liệu quét mã QR khi ra vào các địa điểm của ca nhiễm. Sau khi xác định được thời điểm ca nhiễm xuất hiện tại một ”mốc dịch tễ”, tiếp tục khai thác dữ liệu những người xuất hiện cùng lúc với ca nhiễm. Tiếp đó sẽ thực hiện truy vết tiếp xúc gần bằng cách khai thác lịch sử tiếp xúc trên điện thoại có cài Bluezone của ca nhiễm. Sau khi thực hiện truy vết bằng Bluezone, lập danh sách những người tiếp xúc với ca nhiễm để liên hệ, xác minh bằng các nghiệp vụ y tế.

Trong đợt dịch 4, tính đến ngày 02/8/2021, Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia đã phối hợp cùng các địa phương thực hiện truy vết 4.423 ca nhiễm/ca nghi nhiễm, từ đó phát hiện ra 50.959 ca có liên quan. 

Đặc biệt,  Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia có thể hỗ trợ sử dụng liên hoàn các giải pháp công nghệ để lập bản đồ di chuyển của ca nhiễm, nhất là những ca nhiễm/ca nghi nhiễm có lịch sử di chuyển phức tạp. Bản thân người bị nhiễm không nhớ hết các địa điểm đã đến hoặc khai báo không trung thực, thậm chí bỏ trốn. Đã lập 597 bản đồ di chuyển, có 22 trường hợp là F0 bỏ trốn đã bị phát hiện nhờ kết quả truy vết, Cục Tin học hóa cho hay.

Trong trường hợp của tỉnh Cần Thơ, ngay những ngày đầu bùng phát dịch tại Chợ Tân An, khi nhận thấy một số F0 có biểu hiện khai báo không đầy đủ, trong khi đặc điểm công việc của các hộ này là giao hàng, chạy xe tải, buôn bán. Sở TT&TT tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia lập các bản đồ di chuyển. Bản đồ được chuyển cho lực lượng công an khai thác trong quá trình điều tra F0. Đến thời điểm này Cần Thơ có khoảng 1600 F0, khai thác hệ thống công nghệ để truy vết khoảng 700 ca nhiễm, Cục Tin học hoá cho hay./.

Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top