Các dự án thúc đẩy xuất bản điện tử

Thứ sáu, 25/02/2022 16:34

Nhiều đơn vị có kế hoạch đẩy mạnh xuất bản điện tử như Nhà xuất bản Kim Đồng tăng cường nội dung số, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam có dự án xây dựng trung tâm tri thức số.

Phát triển xuất bản điện tử đã được thể hiện trong các văn bản chỉ đạo. Trong “Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” Thủ tướng đã phê duyệt, tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử đạt 20 - 30% tổng số xuất bản phẩm được xuất bản. Chiến lược thúc đẩy phát triển lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành xuất bản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt, trong đó có nêu trọng tâm từng bước chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.

 Ngành xuất bản cần có những giải pháp cụ thể nhằm tăng cường năng lực của các đơn vị xuất bản và phát hành; chuyển đổi số theo hướng đồng bộ; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành, đồng thời phối hợp doanh nghiệp ngoài ngành để phát triển phần mềm nền tảng hỗ trợ cho từng công tác trong hoạt động xuất bản, từng bước tiến tới thí điểm xây dựng mô hình nhà xuất bản số. Nắm bắt xu hướng, nhiều nhà xuất bản đã có kế hoạch thúc đẩy xuất bản, phát hành điện tử trong thời gian tới.

2-19-.jpg

Một em nhỏ trải nghiệm sách nói tại đường sách TP.HCM hôm mùng 3 Tết. Ảnh: Quỳnh Huỳnh

Tập trung xuất bản nội dung số

 Nhà xuất bản Kim Đồng là đơn vị làm sách điện tử từ 10 năm trước, xây dựng thư viện điện tử đọc miễn phí như một bước thăm dò và từng bước tạo thói quen mới cho người đọc. Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 xảy ra khiến việc học tại trường của học sinh bị gián đoạn, Nhà xuất bản Kim Đồng đã thực hiện kho học liệu số, cung cấp miễn phí cho học sinh.

Hiện tại, Nhà xuất bản Kim Đồng được cấp phép thử nghiệm phát hành xuất bản phẩm điện tử. Trong kế hoạch hoạt động năm 2022 và những năm tới, Nhà xuất bản Kim Đồng xác định việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số hoạt động xuất bản là vấn đề quan trọng, phải được ưu tiên thực hiện. Cụ thể, Nhà xuất bản Kim Đồng có kế hoạch xem xét, đẩy mạnh chuyển đổi số hơn nữa; tập trung cho sản xuất nội dung số, xuất bản số, truyền thông số. Đơn vị kết hợp hai hình thức: Tự đầu tư và hợp tác với các đối tác để thực hiện. Xây dựng các chương trình tương tác, hoạt cảnh, các hoạt động STEM dưới dạng clip phát trên các nền tảng số. Lựa chọn đơn vị cung cấp phần mềm quản lý hoạt động xuất bản phù hợp yêu cầu mới.

Sách nói đang là định dạng phát triển mạnh. Nhà xuất bản Kim Đồng đã phối hợp với các công ty sách nói như Voiz FM và Fonos. Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng cho rằng, còn quá sớm để nói về kết quả, song sách nói là thị trường sôi nổi, hy vọng Nhà xuất bản Kim Đồng sẽ mang tới nhiều tác phẩm hay ở mảnh đất chưa nhiều người khai phá là sách nói cho thiếu nhi.

“Chúng tôi kỳ vọng việc hợp tác này giúp bạn đọc nhỏ tuổi ở nhiều vùng miền xa xôi của Tổ quốc và độc giả Việt Nam ở nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận với sách Kim Đồng, đặc biệt là các tác phẩm văn học thiếu nhi của các tác giả nổi tiếng Việt Nam”, bà Liên chia sẻ.

3-11-.jpg

Nắm bắt xu thế, một số nhà xuất bản đã có kế hoạch xuất bản nội dung, xây dựng trung tâm tri thức số. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Xây dựng tủ sách, trung tâm tri thức số

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là đơn vị chú trọng công tác số hóa, xuất bản điện tử. Đơn vị đã tổ chức số hóa để lưu trữ hơn 2.000 cuốn sách trong tổng số 8.304 đầu sách được xuất bản từ năm 1945 đến năm 2005.

Từ sau năm 2005, tất cả sách của Nhà xuất bản đã được lưu trữ file, dữ liệu. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cũng tổ chức xuất bản sách nói audiobook thuộc đề án sách trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn dùng làm tài liệu tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh ở cơ sở.

Từ năm 2019, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xây dựng phần mềm xuất bản và phát hành sách điện tử trực tuyến. Hiện nay, lượng sách điện tử phát hành trên trang stbook.vn là hơn 320 cuốn sách (có nhiều bản sách phục vụ miễn phí); trang thuviencoso.vn phát hành miễn phí gần 700 cuốn sách, phục vụ miễn phí.

PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật từng chia sẻ, trên nền tảng xuất bản và chuyển đổi số sách điện tử, nhà xuất bản sẽ trình đề án dữ liệu quốc gia về sách lý luận chính trị, xây dựng các tủ sách chi bộ, đảng viên để đưa những cuốn sách thường thức, sách lý luận chính trị cơ bản đến chi bộ, đảng viên sớm. Đặc biệt, trên nền tảng số này, việc đa dạng hóa thể loại, phương thức có ý nghĩa quan trọng để nâng cao nhận thức trình độ lý luận chính trị của đảng viên.

Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam là một trong các đơn vị được đầu tư phát triển lĩnh vực xuất bản điện tử. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (cơ quan chủ quản của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam) đã phê duyệt đầu tư dự án “Trung tâm Tri thức số và Giáo dục giới dành cho phụ nữ, gia đình và trẻ em”, giao Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam là chủ đầu tư. Dự án đã được phê duyệt với mức đầu tư trên 35 tỷ đồng. Đây là dự án thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2023. Trung tâm tri thức số dành cho phụ nữ, gia đình và trẻ em là một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung được số hóa nhằm cung cấp tri thức đến các đối tượng bạn đọc khác nhau thông qua việc tận dụng các tiến bộ khoa học của cách mạng công nghệ 4.0, trong đó xuất bản điện tử là nội dung chính của dự án.

 

Theo Zing.vn
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top