Thông tin nêu trên vừa được Văn phòng Chính phủ cho biết trong báo cáo tình hình thực hiện và kết quả triển khai xây dựng Chính phủ điện tử quý II/2018.
Trình Đề án về Cổng dịch vụ công quốc gia trong tháng 8
Số liệu thống kê từ báo cáo này cũng cho hay, trong tổng số gần 50.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện đang được các bộ, ngành, địa phương cung cấp cho người dân, doanh nghiệp, số dịch vụ do địa phương cung cấp chiếm đa số với 47.774, chiếm tới 96,8%; tổng số dịch vụ công do bộ, ngành cung cấp là 1.578, chiếm 3,2%.
Cụ thể, tại bộ, ngành, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến là 36,95% (583/1.578), tăng hơn 10% so với quý I/2018; tại địa phương, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ là 10,18% (4.864/47.774), trong đó số lượng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 giảm hơn 50% so với quý trước.
Các bộ, ngành, địa phương hiện đang tiếp tục triển khai, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chủ động của các bộ, ngành, địa phương.
Đối với việc thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia, hiện Văn phòng Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định tại Nghị định 61 ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm việc xác thực người dùng, kết nối, trao đổi dữ liệu với Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương, Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Dự kiến, dự thảo Đề án này sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2018.
Để hỗ trợ cho việc thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia, thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã rà soát, xây dựng và gửi ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương tích hợp, đăng tải trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2018 theo hướng chọn lọc các dịch vụ công trực tuyến thiết thực đối với người dân, doanh nghiệp. Hiện Văn phòng Chính phủ đang tổng hợp, hoàn thiện dự thảo, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 7 này.
50 bộ, ngành, địa phương đã ban hành kiến trúc Chính phủ/chính quyền điện tử
Cũng tại báo cáo kết quả triển khai xây dựng Chính phủ điện tử quý II/2018, Văn phòng Chính phủ đã thông tin về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử.
Theo đó, về xây dựng kiến trúc Chính phủ/chính quyền điện tử, trong quý II/2018, một số bộ, địa phương đã ban hành Kiến trúc Chính phủ/chính quyền điện tử như An Giang, Hải Dương… nhằm xác định lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử của cơ quan, địa phương mình và là cơ sở cho việc quyết định đầu tư, triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Văn phòng Chính phủ cho biết, trong quý II/2018, tại các địa phương, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ là 10,18% (4.864/47.774), trong đó số lượng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 giảm hơn 50% so với quý I (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
“Đến nay, đã có khoảng 50 bộ, ngành, địa phương ban hành kiến trúc Chính phủ/chính quyền điện tử. Các bộ, ngành, địa phương còn lại đang tích cực triển khai xây dựng và ban hành trước tháng 9/2018 theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ”, báo cáo của Văn phòng Chính phủ nêu.
Thời gian qua, việc gửi, nhận văn bản điện tử thông qua hệ thống kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương (28/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) với Văn phòng Chính phủ theo 2 cấp hành chính đã tiếp tục thử nghiệm. Hiện nay, còn Bộ Quốc phòng đang triển khai giải pháp thử nghiệm kết nối với hệ thống này.
Văn phòng Chính phủ cũng đang phối hợp với Bộ TT&TT và các đơn vị liên quan đánh giá, kiểm thử tính năng, hiệu năng và bảo mật của hệ thống phục vụ kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản và điều hành.
Đối với các nhiệm vụ cụ thể Văn phòng Chính phủ được giao, báo cáo nêu rõ, trong quý II/2018, hệ thống tiếp nhận 868 phản ánh, kiến nghị với 194 phản ánh thuộc phạm vi xem xét, xử lý. Văn phòng Chính phủ đã phân loại và chuyển các bộ, ngành, địa phương xử lý, trả lời và đăng tải công khai 189 phản ánh, kiến nghị.
Theo thống kê, các hệ thống từ khi hoạt động đến nay đã tiếp nhận 7.586 phản ánh, kiến nghị, với 1.829 phản ánh, kiến nghị thuộc phạm xem xét và đã chuyển các bộ, ngành, địa phương xử lý, trong đó đã trả lời 1.517 phản ánh, kiến nghị, đạt tỷ lệ 82,9%.
Bên cạnh đó, Đề án thiết lập Hệ thống thông tin Chính phủ phi giấy tờ để rút ngắn thời gian họp, giảm giấy tờ hành chính và Hệ thống tham vấn chính sách, văn bản quy phạm pháp luật cũng đang được Văn phòng Chính phủ xây dựng theo hướng điện tử hóa nhằm rút ngắn thời gian xử lý, giảm họp, giảm giấy tờ hành chính, công khai quá trình tiếp thu ý kiến, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản và trách nhiệm giải trình của cơ quan soạn thảo.