Chia sẻ tại buổi lễ ra mắt trang thương mại điện tử (cahoisapa.farmmart.vn) bán cá hồi, cá tầm và các sản phẩm chế biến từ cá của Hợp tác Xã, bà Phạm Thị Mai Giám đốc HTX cho biết, đây là nỗ lực tiếp theo trong việc đưa sản phẩm đặc sản của Sa Pa đến trực tiếp với người tiêu dùng trên cả nước.
Tại địa chỉ cahoisapa.farmmart.vn, người tiêu dùng trên cả nước cả thể tìm hiểu chi tiết về sản phẩm cá hồi, cá tầm chẳng hạn như thế nào là cá hồi phi lê, cá hồi hun khói nóng, cá hồi hun khói lạnh,.. cũng như giá cả và các chính sách bán hàng rõ ràng của Hợp tác xã Thức Mai.
Các hoạt động nuôi trồng, chăm sóc, chế biến cũng được Hợp tác xã cung cấp thông tin chi tiết trên trang web, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm, đồng thời phân biệt được cá hồi cá tầm, nuôi tại Sa Pa với cá có nguồn gốc, xuất xứ khác đang bán trên thị trường.
Đặc biệt việc mua trực tiếp từ nhà sản xuất, với đầy đủ các chứng nhận về chất lượng hàng hóa với giá cả phải chăng, bà Mai hy vọng “đưa cá hồi từ nhà hàng đến với các bữa cơm gia đình”, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của mọi nhà.
Người tiêu dùng cả nước có thể mua cá hồi, cá tầm Sapa trực tiếp từ nhà sản xuất
Chia sẻ tại buổi lễ ra mắt trang thương mại điện tử cahoisapa.farmmart.vn của Hợp tác xã Thức Mai, ông Đinh Huy Cường Chủ tịch UBND xa Ngũ Chỉ Sơn bao quát hơn khi nói thế mạnh của chúng tôi là hầu hết các cơ sở chăn nuôi cá hồi lớn nhất đều nằm ở thị xã Sapa.
Hợp tác xã Thức Mai lại là đơn vị đầu tiên với hơn 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và giờ cũng là đơn vị dẫn đầu khi đưa cá hồi, cá tầm lên sàn thương mại điện tử của mình.
Hợp tác xã không chỉ là điểm sáng của nông nghiệp địa phương, mà việc ứng dụng thương mại điện tử còn phù hợp với chủ trương chuyển đổi số của xã Ngũ Chỉ Sơn, nơi có những ngọn núi cao chập chùng ở phía Bắc tổ quốc này.
Vị Chủ tịch nhìn khá năng động này còn cho biết tuy là xã có thể nói là vùng sâu vùng xa này hóa ra lại rất quan tâm đến chuyển đổi số. Ông cho biết Ngũ Chỉ Sơn là một trong số ít địa phương ở Lào Cai thành lập được bốn tổ công nghệ cộng đồng giúp bà con tiếp cận với công nghệ 4.0.
“Chúng ta làm ra sản phẩm chất lượng cao rồi thì phải đưa sản phẩm đó đến với thị trường cả nước. Việc HTX Thức Mai xây dựng trang thương mại điện tử riêng chính là tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số ở địa phương. Giúp giảm bớt chi phí và thời gian của nhà sản xuất đến người tiêu dùng”, ông Cường nói và chia sẻ tiếp:
“Tôi có chia sẻ với một số doanh nghiệp về tư duy thương mại điện tử, thực ra chúng ra đi lên từ 1.0 rồi 2.0 rồi đến 3.0 nó vẫn thế, nhưng 4.0 thì đi thẳng lên, nó không chờ chúng ta thích nghi nữa. Đó là cái thách thức. Tôi cũng trao đổi với một số lãnh đạo ở địa phương, 4.0 nó thay đổi hoàn toàn, thay đổi hết, nó không chờ chúng ta để thích nghi dần dần nữa mà nó phát triển một cách kinh khủng và đặc biệt liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp và bà con nông dân. Nó giúp phát triển kinh tế – xã hội, phát huy được thế mạnh của địa phương”
Hợp tác xã Thức Mai bằng việc ứng dụng thương mại điện tử đã hội tụ các yếu tố công nghệ 4.0, ngoài việc cung cấp cho người tiêu dùng trên cả nước sản phẩm được sản xuất từ địa phương chúng tôi, còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của Ngũ Chỉ Sơn nói riêng.
Thạc sĩ Trần Hồng Quyên, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ thuộc Viện Khoa học Công nghệ người tham dự buổi ra mắt trang thương mại điện tử bán cá hồi, cá tầm đầu tiên của Sa Pa cũng chia sẻ, Sa Pa nói chung có điều kiện thuận lợi nuôi cá nước lạnh, riêng Hợp tác xã Thức Mai với sự hỗ trợ công nghệ của Trung tâm còn đưa ra các sản phẩm chế biến cá hồi cá tầm chất lượng cao như xúc xích cá hồi, chả cá hồi cá, ruôc cá hồi,…nhưng thị trường tiêu thụ còn khó khăn.
Việc hợp tác xã đẩy nhanh kênh thương mại điện tử là bước đi tiên phong, nhất là với các sản phẩm như đã nói với sự hỗ trợ của các nhà khoa học không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn nâng cao giá trị dinh dưỡng. “Viện tiếp tục hợp tác đảm bảo sự phát triển để Hợp tác xã luôn có nguồn hàng tốt. Nếu thêm kênh thương mại điện tử hy vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng quảng bá được sản phẩm”, Thạc sĩ Quyên nói.