Bưu tá, nghề nối liền niềm vui

Thứ hai, 17/11/2014 09:25

Xã hội phát triển, công nghệ thông tin hiện đại phổ biến đã dần thay thế các lá thư tay bằng thư điện tử, nhưng hiện nay, các loại hợp đồng, hóa đơn chứng từ hay hàng hóa vẫn được nhiều người tín nhiệm, gửi cho đối tác hoặc người thân thông qua hệ thống bưu chính, mà bưu tá là những người trực tiếp giao, nhận bưu phẩm, bưu kiện. Để trở thành một bưu tá giỏi, đòi hỏi lòng yêu nghề, chịu khó vì nghề này cực nhọc, vất vả, rong ruổi khắp các nẻo đường từ chốn thành thị nhộn nhịp đến vùng thôn quê hẻo lánh...

img

Ông Út chuẩn bị đi giao bưu phẩm cho khách hàng. Ảnh: Nhật Hồng

Một lá thư cũng là tài sản

Hơn 11 giờ 30 phút, sau khi cơ bản hoàn thành công việc buổi sáng, anh Lê Minh Đạt và Ngô Hoài Nhi, 2 bưu tá Bưu cục Tây Đô, thuộc Tổng Công ty Bưu chính Viettel chi nhánh Cần Thơ mới có chút thời gian gặp gỡ chúng tôi. Ngoài chiếc giỏ thật to đựng bưu phẩm, trên yên xe của anh Đạt còn chở bưu kiện là mấy lon sữa chuẩn bị giao cho khách hàng. Anh Minh Đạt cho biết: "Do lượng bưu phẩm, bưu kiện hôm nay không quá nhiều nên mới tranh thủ thời gian nghỉ ngơi buổi trưa trò chuyện, chứ có hôm làm tới giờ họp ở bưu cục, rồi nhận tiếp bưu phẩm đợt 2 mà đợt 1 còn chưa phát hết, không dám nghỉ dù chỉ một phút". Trở thành nhân viên bưu tá hơn 1 năm rưỡi, trông mặt Hoài Nhi còn non choẹt, nhưng hễ hỏi đến những con đường, tên hẻm trên địa bàn Nhi phụ trách, hầu như chỗ nào Nhi cũng biết. Theo Nhi, nghề bưu tá là vậy, không rành rẽ đường, khó mà hoàn thành nhiệm vụ. Đúng 5 giờ 30 sáng, các bưu tá Bưu chính Viettel đều có mặt ở bưu cục nhận bưu phẩm, bưu kiện đem giao đợt 1, đến 12 giờ 30 nhận tiếp đợt 2. Mỗi đợt như thế, ít nhất phải vài chục địa chỉ, có khi đến hàng trăm. Bưu tá phải thuộc đường để lên sơ đồ địa chỉ thuận tiện để giao bưu phẩm, bưu kiện, tránh mất thời gian. Vì giao trễ cho khách sẽ làm mất uy tín của công ty, mà người bưu tá cũng khiến khách hàng phiền lòng.

Tuy nhiên, với những bưu tá mới, việc đi lạc hay tìm không được địa chỉ là điều khó tránh khỏi, thư giao trễ một chút, được sự đồng ý của khách hàng thì có thể chấp nhận nhưng nhất định không để xảy ra việc mất hay lạc thư, là điều tối kỵ đối với nghề này. Anh Đạt cho biết: "Với bưu tá, một lá thư cũng là tài sản quý, phải giữ gìn cẩn trọng, giao đến tay khách hàng. Trong những tình huống bắt buộc phải trực tiếp gặp khách hàng trong hẻm, không chạy xe vào được thì bưu tá thà bỏ xe chứ không bỏ thư". Những bưu phẩm, bưu kiện dù lớn hay nhỏ, có giá trị tinh thần hay vật chất, bưu tá cũng trân trọng như nhau. Tất cả phải được sắp xếp, bảo quản ngăn nắp, an toàn, đảm bảo khi đến tay khách hàng không bị rách, nhăn nheo hay trầy xước. Đó là cách tốt nhất để thể hiện sự tôn trọng, phục vụ khách hàng tận tình của bưu tá nói riêng và công ty nói chung.
 
Cực nhọc nhưng vui

Thâm niên nghề 14 năm, ông Lê Văn Út (52 tuổi), bưu tá Bưu cục xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai xem giao thư như nghề vừa kiếm thêm thu nhập, vừa là niềm vui. Điều kiện đi lại vùng nông thôn không thuận lợi, dễ dàng như thành thị, thu nhập lại khiêm tốn nên rất ít người chịu gắn bó nghề bưu tá, nhất là các bạn trẻ. Vì vậy, ông Út được xem là bưu tá hiếm hoi trung thành với nghề của huyện. Ông Út cho biết: "Trước đây, đường giao thông nông thôn của huyện còn khó khăn, nhân sự nghề này khan hiếm nhưng ngày ngày, tôi chạy xe vào trung tâm huyện Thới Lai nhận bưu phẩm, bưu kiện về giao các gia đình. Có nhiều địa chỉ phải băng qua đường ruộng đầy bùn lầy, gập ghềnh hoặc ngập nước lênh láng, mưa tuôn xối xả vẫn phải tìm cách đưa từng lá thư, gói hàng hóa tận tay khách hàng".

Với anh Đạt và Nhi, đường sá tuy thuận lợi nhưng vào những dịp lễ, Tết, số lượng bưu phẩm thường tăng vọt, bưu tá phải tăng ca, làm việc đến 1, 2 giờ sáng là chuyện bình thường. Thêm nữa, nhìn bề ngoài, nhiều người nhầm tưởng nghề bưu tá chỉ mỗi việc nhận rồi giao thư, giao hàng nhưng thực tế phức tạp hơn nhiều. Ngoài việc lên kế hoạch giao thư đúng hẹn, địa chỉ, bưu tá còn phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ, tránh sai sót khi làm các thủ tục xác nhận giao hoặc nhận bưu phẩm, bưu kiện, nếu không sẽ rất dễ gặp sơ suất, ảnh hưởng công việc và bị kỷ luật. Nhi chỉ vết thương còn mới tinh ở cổ tay phải sau chấn thương do tai nạn giao thông khiến anh bị nứt xương tay, tạm thời không xách được vật nặng, phải nhờ đồng nghiệp hỗ trợ thường xuyên. Lần đó, trong lúc đi giao thư, xe anh vừa chạy lên dốc cầu Cái Răng, bất ngờ, vài cục đá xây dựng từ chiếc xe tải đang lưu thông phía trước mặt văng xuống mặt đường, khiến anh lúng túng không tránh kịp, bị té xe dẫn đến vết thương trên.

Vất vả, cực nhọc, áp lực công việc lớn, nhưng với chú Hồng hay anh Đạt, anh Nhi, công việc này ghi dấu nhiều kỷ niệm vui khó quên, càng thêm gắn bó với nghề. Anh Đạt cho biết: "Nhiều lúc đem thư giao cho chủ nhà xong, chủ nhà rất vui, rối rít cảm ơn còn hỉ hả mời ở lại dùng bữa cơm cùng gia đình, tôi thấy rất ấm áp và yêu nghề biết bao". Còn với ông Út, những ánh mắt hân hoan của chủ nhà khi nhận lá thư, gói hàng hóa của người thân gửi sau bao ngày trông ngóng, luôn là động lực giúp ông tiếp tục gắn bó với nghề, quên hết bao cực nhọc. Anh Đạt, anh Nhi còn phấn khởi cho biết, trong số nhiều bạn bè, anh chị thân hữu, có không ít người từng là khách hàng của các anh. Từ chỗ quen biết qua công việc, cảm mến nhau rồi trở nên thân thiết hồi nào không hay và gắn bó thân tình đến tận bây giờ. Thêm nữa, với các bưu tá, công việc này mang đến nguồn thu nhập khá, điều mà nhiều sinh viên mới ra trường hằng mong muốn.

Rất nhiều người có thói quen thường xuyên sử dụng dịch vụ bưu chính nhưng có mấy khi để ý những chặng đường lá thư phải đi qua để đến đúng địa chỉ. Bưu tá, một nghề thầm lặng, lắm cực nhọc, đầy áp lực, góp phần nối liền niềm vui, hạnh phúc cho mọi nhà, mọi người, thật đáng trân trọng./.
Mỹ Tú - Nhật Hồng (báo Cần Thơ)
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top