Bưu điện đưa na, bưởi da xanh, chanh không hạt lên sàn TMĐT Postmart

Thứ tư, 04/08/2021 16:44

Bưu điện các tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ bà con nông dân tại nhiều tỉnh tiêu thụ nông sản.

202184-u3.jpg

Chuyến na đầu tiên hơn 3 tấn đã được BĐVN tiếp nhận và vận chuyển an toàn từ Quảng Ninh về tới Hà Nội để giao cho khách hàng

Bưu điện Đà Nẵng đảm bảo cung ứng hàng thực phẩm tươi sống, tiêu thụ nông sản

Bưu điện TP Đà Nẵng cho biết đơn vị này sẽ thực hiện cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là lương thực thực phẩm, rau xanh, thịt trứng… đến người dân tại các khu cách ly thông qua "Tổ Covid cộng đồng" của địa phương.

Thông qua 4 "Tổ Covid cộng đồng" được đặt ở các điểm giao dịch tại quận Sơn Trà, người dân sẽ đăng ký mua các mặt hàng thiết yếu theo nhu cầu, bưu điện TP Đà Nẵng tiếp nhận thông tin và khẩn trương mang hàng đến các khu vực cách ly. Bưu điện TP Đà Nẵng sẽ bàn giao toàn bộ hàng theo danh mục người dân đăng ký, có địa chỉ, điện thoại người nhận để Ban Quản lý khu cách ly giao đến từng hộ dân.

Với phương châm chung tay chống dịch Covid-19, bưu điện TP Đà Nẵng đã tổ chức bán hàng không lợi nhuận. Toàn bộ số hàng được lấy từ các nhà cung cấp, hộ sản xuất nông nghiệp uy tín, đảm bảo chất lượng.

Bằng hình thức cung cấp hàng hóa linh hoạt này, bưu điện TP Đà Nẵng vừa cung ứng kịp thời, đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong khu cách ly vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch.

Ngay trong ngày đầu tiên triển khai (2/8), hơn 300 đơn hàng với tổng khối lượng lên đến 2 tấn gồm rau củ quả và thực phẩm các loại đã kịp thời đến tay các hộ gia đình nhằm đảm bảo cuộc sống tại khu cách ly.

Bên cạnh việc cung cấp hàng hóa tại các khu cách ly, bưu điện TP. Đà Nẵng vẫn tiếp tục đẩy mạnh phục vụ tại 22 điểm bán hàng bình ổn giá và các mặt hàng thiết yếu tại các bưu cục. Nguồn lương thực, thực phẩm được bưu điện phối hợp với các nhà cung cấp để đảm bảo không thiếu hàng khi nhu cầu người dân tăng cao. Riêng các mặt hàng tươi sống, tùy từng địa bàn cụ thể, bưu điện TP. Đà Nẵng sẽ phối hợp với lực lượng chức năng tại địa phương để đưa ra phương án cung cấp hàng nhanh nhất.

Chỉ trong ngày đầu mở bán, 22 điểm bán hàng thiết yếu của bưu điện TP. Đà Nẵng đã cung cấp cho người dân hơn 10 tấn hàng hóa các loại qua hình thức đặt hàng theo số điện thoại Hotline và mua hàng trực tiếp tại các bưu cục, bưu điện văn hóa xã.

Ngoài việc đảm bảo nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân, bưu điện TP. Đà Nẵng cũng còn phối hợp với Hội nông dân Thành phố để hỗ trợ các hộ nông dân trên địa bàn đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ ớt xanh Bồ Bản, chanh không hạt, bưởi da xanh Hòa Ninh… đưa các mặt hàng lên sàn TMĐT Postmart.vn. Nhờ vậy, một mặt giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản trong giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh, mặt khác người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn.

Vừa duy trì ổn định các dịch vụ bưu chính vừa tham gia tuyến đầu chống dịch, phục vụ cộng đồng, những ngày qua lực lượng cán bộ, công nhân viên bưu điện TP. Đà Nẵng không chỉ chủ động tăng ca, tăng giờ làm mà còn tuyển thêm lực lượng lao động, cộng tác viên để đảm bảo tất cả các hoạt động đều thông suốt, an toàn.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh Nga, Giám đốc bưu điện TP. Đà Nẵng, do thường xuyên tiếp xúc với khách hàng nên nguy cơ lây nhiễm dịch của nhân viên bưu điện khá cao. Do đó, để đảm bảo an toàn cho người lao động và cộng đồng, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch, bưu điện Đà Nẵng đang đề xuất với cơ quan chức năng tiếp tục tiêm vắc-xin cho lực lượng tham gia tuyến đồng chống dịch.

"Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm và nỗ lực của tập thể cán bộ công nhân, người lao động, bưu điện Đà Nẵng vẫn tiếp tục xông pha trên những tuyến đầu. Ngoài việc sản xuất phải hỗ trợ chống dịch, chúng tôi sẽ chung tay cùng người dân trên từng địa bàn trong việc cung cấp các sản phẩm thiết yếu, giúp người dân vượt qua khó khăn. Dịch bệnh sẽ đi qua nhưng tình người ở lại sẽ còn mãi", bà Nguyễn Thị Khánh Nga chia sẻ.

Hỗ trợ nông dân tiêu thụ na chín rộ

Hiện nay các vườn trồng na tại miền Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên đã bắt đầu vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang rất phức tạp, khiến người nông dân trồng na không khỏi lo lắng cho đầu ra sản phẩm của mình.

Đặc thù của quả na (mãng cầu ta) là chín nhanh, chín rộ trong một thời gian ngắn và rất khó bảo quản. BĐVN cho biết sẽ đồng hành cùng người trồng na ngay từ đầu vụ để tiêu thụ loại trái cây này.

Với kinh nghiệm tiêu thụ vải thiều Bắc Giang mới đây, BĐVN đã xây dựng kế hoạch để giúp bà con nông dân tiêu thụ loại na bằng nhiều hình thức khác nhau, từ đóng gói, vận chuyển, tiêu thụ trực tiếp đến tăng cường kênh bán trên sàn TMĐT Postmart.vn.

Tại Lạng Sơn, BĐVN đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở TT&TT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số trên địa bàn. Trong đó, na Chi Lăng là sản phẩm đầu tiên được lựa chọn để mở đầu cho chương trình chuyển đổi số cho bà con nông dân tại Lạng Sơn thông qua việc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT Postmart.vn (landing page: langson.postmart.vn).

Dù mới triển khai ít ngày nhưng sàn TMĐT Postmart.vn đã phát triển 1.200 hộ kinh doanh sản phẩm về na. Đặc biệt, 980 hộ dân trồng na đã được hướng dẫn và biết cách đưa sản phẩm của mình lên bán trên sàn TMĐT. Hàng trăm đơn hàng đã bắt đầu được người tiêu dùng trên cả nước đặt mua na Chi Lăng qua sàn Postmart.vn.

Còn tại Quảng Ninh, vướng mắc lớn nhất mà người nông dân tại đây đang gặp phải chính là việc vận chuyển na. Hiện số lượng xe tải từ các nơi về thu mua giảm một nửa, vì thị trường chủ yếu ở Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội. Sát cánh cùng nông dân Quảng Ninh, BĐVN đã lập tức bố trí phương tiện vận chuyển chuyên dụng để nhanh chóng chuyển nguyên chuyến na từ vườn đến vựa tiêu thụ lớn. Đặc biệt, BĐVN cũng kết nối với các đối tác của mình để kêu gọi tiêu thụ nông sản cho nông dân Quảng Ninh. Sáng 2/8, chuyến na đầu tiên hơn 3 tấn đã được BĐVN vận chuyển an toàn về tới Hà Nội để giao cho khách hàng.

Ngoài Lạng Sơn và Quảng Ninh, bà con nông dân tại huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) cũng đang dần yên tâm và quen thuộc với những nhân viên của bưu điện tỉnh trong những ngày qua cùng chia sẻ, đóng gói, vận chuyển những trái na của mình đi các tỉnh phía Bắc.

Để phù hợp với từng vị trí của các nhà vườn cũng như sản lượng cần tiêu thụ của mỗi hộ, bưu điện tỉnh sẽ linh hoạt bố trí các loại phương tiện phù hợp, nhằm đảm bảo na vừa thu hoạch sẽ được đưa đi tiêu thụ nhanh nhất.

Theo lãnh đạo Bưu điện tỉnh Thái Nguyên, hiện đơn vị đã bố trí các loại xe tải 3,5 tấn, 5 tấn và 8 tấn để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình để vận chuyển na cả trong nội tỉnh và ngoại tỉnh. Thời gian vận chuyển đến các địa phương lân cận trong vòng 3-6 tiếng. Bên cạnh đó, nhân viên bưu điện cũng sẵn sàng hỗ trợ đóng gói, bốc xếp hàng hóa khi các hộ nông dân yêu cầu./.

 

Theo ICTVietnam
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top