Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho biết, ngày 30/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 654/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”, trong đó khẳng định quan điểm: “Phát triển bưu chính thành một trong các hạ tầng quan trọng, thiết yếu của quốc gia. Hạ tầng bưu chính được sử dụng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ bưu chính và các sản phẩm, dịch vụ khác; tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp, trong đó lấy mạng bưu chính công cộng làm nòng cốt”.
Đồng thời, Chiến lược phát triển bưu chính cũng xác định tầm nhìn đến năm 2030: “Bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số”.
Để đáp ứng kỳ vọng bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia, đồng thời khắc phục những hạn chế của Luật Bưu chính hiện hành, năm 2024, Bộ TT&TT đã đăng ký trong Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ nhiệm vụ xây dựng Luật Bưu chính sửa đổi.
Để thực hiện nhiệm vụ này, việc đầu tiên, cũng là việc cần thiết nhất, đó là tổng kết việc thi hành Luật Bưu chính từ khi ban hành năm 2010 đến nay.
Hội nghị hôm nay chính là việc làm cụ thể, nhằm nhìn nhận lại những kết quả đã đạt được của lĩnh vực bưu chính, đồng thời xác định những điểm hạn chế, những nội dung cần bổ sung để tạo tiền đề hình thành thị trường bưu chính phát triển lành mạnh, bền vững trong 5 - 10 năm tới.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp bưu chính đã có nhiều ý kiến chia sẻ, đóng góp để hoàn thiện các nội dung cũng như những điểm mới cần bổ sung vào Luật Bưu chính sửa đổi.
Ông Lê Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết cùng với sự bùng nổ hoạt động thương mại điện tử, cơ cấu thị phần bưu chính chuyển phát đã có sự dịch chuyển mạnh mẽ với dung lượng thị trường bưu chính phục vụ thương mại điện tử chiếm đến 70% - 80% toàn bộ thị trường bưu chính chuyển phát. Đồng thời xuất hiện nhiều chuỗi giá trị liên quan như lưu kho, chuyển hoàn, thu hộ, chi hộ... Mặt khác, các sàn thương mại điện tử xuất hiện ngày càng nhiều và mở rộng hoạt động chuyển phát bưu gửi đến tận người nhận thay vì phụ thuộc vào các doanh nghiệp bưu chính. Vì vậy, Luật Bưu chính sửa đổi cần bổ sung các quy định đối với hoạt động bưu chính phục vụ thương mại điện tử (bao gồm thương mại điện tử xuyên biên giới), hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính của các sàn thương mại điện tử.
Cũng trao đổi về thương mại điện tử trong hoạt động bưu chính, ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bưu chính Viettel đề nghị xem xét bổ sung điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp bưu chính có hoạt động chuyển phát hàng hoá thương mại điện tử và thu hộ COD, tương tự như các điều kiện cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, bao gồm: vốn điều lệ tối thiểu, biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán, điều kiện về nhân sự, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật để tạo khuôn khổ pháp lý, hạn chế trường hợp người sử dụng dịch vụ bưu chính bị chiếm dụng hoặc chiếm đoạt tiền COD.