Tội phạm mạng là bậc thầy về khai thác các thương hiệu nổi tiếng để lừa đảo người dùng nhấp vào các đường link độc hại.
Thông thường vào kỳ lễ Giáng Sinh và Năm Mới, nhiều người dân Mỹ lo lắng không biết liệu họ có mua hàng đúng lúc để gây bất ngờ cho người thân của mình hay không. Do đó, họ thường xuyên kiểm tra mã số vận đơn hàng hóa và truy cập hòm thư liên tục để kiểm tra tình trạng vận chuyển của họ. Các đối tượng xấu nhận thức rõ về điều này và đã giả mạo mã vận đơn và email thông báo hàng hóa bị bỏ sót hoặc chưa giao nhận thành công để tấn công mạng, thu thập thông tin bất hợp pháp.
Email bắt đầu với dòng tiêu đề: "Không thể giao hàng." Có một thông báo trong nội dung email nói rằng không thể giao nhận được món hàng của người nhận email.
Khi nhấp vào dòng chữ "Xem chi tiết", người nhận email được dẫn đến một trang web cũng giả mạo website chính thức của USPS. Hình ảnh của một chiếc iPhone hiện ra và chỉ với $1, khách hàng có thể thực hiện đặt lại lịch giao hàng. Sau đó người dùng Internet được hướng dẫn nhập thông tin thẻ tín dụng mà tin tặc có thể sử dụng cho các cuộc tấn công và mua hàng gian lận trong tương lai.
"Cuộc tấn công này sẽ đánh cắp không chỉ thông tin đăng nhập của người dùng mà còn cả dữ liệu thẻ tín dụng. Đó mới là vấn đề thực sự. Không chỉ bán trên thị trường chợ đen mà tin tặc còn có thể sử dụng thông tin thẻ tín dụng đã chiếm đoạt được để mua hàng trong tương lai", Avanan thông báo.
"Trong cuộc tấn công email này, tin tặc đã dựa vào việc mạo danh thương hiệu. Biết rằng khách hàng đang hồi hộp chờ đợi các gói hàng kỳ nghỉ lễ của mình, những kẻ tấn công đã lợi dụng sự thiếu kiên nhẫn này để thu hút khách hàng nhấp vào đường dẫn. Những email trông y hệt thông báo gửi từ USPS, cho đến logo và một số liên kết hợp pháp, "Avanan kết luận.
Giả mạo email là hành vi gửi email với một địa chỉ người gửi giả mạo. Nó đánh lừa người nhận nghĩ rằng ai đó họ biết hoặc tin tưởng đã gửi email cho họ. Thông thường, đó là một công cụ tấn công lừa đảo được thiết kế để chiếm đoạt tài khoản trực tuyến của bạn, gửi phần mềm độc hại hoặc ăn cắp tiền.
Gần đây, các hacker độc hại đang giả mạo thông báo mua hàng của Amazon để đánh cắp thông tin tài chính. Tất cả các liên kết đều dẫn thẳng đến trang web chính thức của Amazon. Điều này có nghĩa là ngay cả người dùng được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm cũng không ngần ngại nhấp vào những đường link này.
Mạo danh là một dạng lừa đảo phổ biến khác. Mọi người dùng, tên miền và thương hiệu đều có thể bị giả mạo. Dù hình thức có thể khác nhau, motip chung là thuyết phục nạn nhân cung cấp những thông tin hoặc dữ liệu mà họ thường không cảm thấy thoải mái khi tiết lộ.
Khi nói đến thương hiệu, đây là những tên tuổi bị mạo danh nhiều nhất, theo công ty bảo mật Check Point:
1. Microsoft (liên quan đến 45% tất cả các hành vi lừa đảo thương hiệu trên toàn cầu)
2. DHL (26%)
3. Amazon (11%)
4. Bestbuy (4%)
5. Google (3%)
6. LinkedIn (3%)
7. Dropbox (1%)
8. Chase (1%)
9. Apple (1%)
10. PayPal (0,5%)
Lưu ý rằng đây không phải là một danh sách duy nhất. Các nhà nghiên cứu của INKY - một nền tảng bảo mật email- tiết lộ rằng những kẻ lừa đảo hiện sử dụng các ký hiệu toán học trong logo Verizon để đánh lừa các nạn nhân. Bất chấp tất cả số tiền mà các thương hiệu lớn chi cho việc thiết kế logo, mọi người rất tệ trong việc ghi nhớ chúng, vì vậy hãy thận trọng gấp đôi khi kiểm tra email của bạn vào lần sau.
Ủy ban Thương mại liên bang Hoa Kỳ khuyến nghị người dùng Internet nên thận trọng khi nhận được các email có nội dung như dưới để tránh giả mạo email:
1. Phát hiện ra các hoạt động đăng nhập bất thường
2. Có vấn đề phát sinh với tài khoản hoặc thông tin thanh toán
3. Cần xác minh một số thông tin cá nhân
4. Đính kèm một hóa đơn giả
5. Đề nghị nhấn vào đường link để thanh toán
6. Nhận được một khoản hỗ trợ từ chính phủ
7. Nhận được một phiếu mua hàng miễn phí