Bóng hồng quân hàm xanh trên biên cương Quảng Trị

Thứ hai, 18/04/2022 15:45

Trung tá QNCN Lê Thị Vân (nhân viên kiểm thể, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) đã có hơn 4 năm gắn bó với dải đất biên giới A Ngo, A Bung (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị). Phụ nữ sống và làm việc trên biên giới thật vất vả nhưng đó cũng là quãng thời gian để lại cho chị nhiều kỷ niệm về tình đồng đội, tình quân dân nơi biên cương Tổ quốc.

a1-1.jpg

Trung tá QNCN Lê Thị Vân giúp cán bộ, chiến sĩ tại Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 85 chuẩn bị bữa cơm trưa.

Kiên cường trên chốt chống dịch

Được biên chế là nhân viên kiểm thể, Trung tá QNCN Lê Thị Vân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, lưu lượng người, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu giảm, công việc chuyên môn bớt đi vài phần, thế nhưng không vì thế mà chị “nhàn rỗi”.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay duy trì 4 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19. Những ngày đầu, chốt được dựng trong rừng, kiểm soát người qua lại các đường mòn, lối mở và chốt chỉ là nhà tạm, lều bạt dã chiến. Có những chốt không điện, ở xa đơn vị, phải tự duy trì việc nấu ăn nên cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ gặp không ít khó khăn.

Thấu hiểu và chia sẻ với đồng đội, chị chủ động đề xuất chỉ huy đơn vị được đến thăm, động viên bằng cách đi chợ giúp các chốt và nhiều khi còn ở lại giúp cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị cơm. Hình ảnh Trung tá QNCN Lê Thị Vân trong trang phục dã chiến tại các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 những ngày đông rét mướt hay những ngày nắng đổ, mưa rào khiến nhiều người hiểu hơn về những vất vả của người lính nơi tuyến đầu chống dịch.

Được sự quan tâm của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, các chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay đã được chính quy hóa. Từ nhà bạt dã chiến đã được thay bằng nhà tôn, nhà lắp ghép với nhiều hạng mục để phục vụ tốt nhất cho công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên chốt.

Đặc biệt, chính quyền và nhân dân hai xã A Bung, A Ngo không tiếc công, tiếc sức tham gia vận chuyển nguyên vật liệu, thiết bị để lắp đặt thêm các cho chốt. Trung tá QNCN Lê Thị Vân chia sẻ: “Được cấp trên quan tâm, đầu tư về nơi ăn ở, làm việc, tuy nhiên cuộc sống ở rừng sâu vẫn thiếu thốn nên vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tôi chỉ muốn việc làm của mình động viên anh em, càng trong khó khăn, gian khổ, chúng tôi lại càng trân quý tình đồng chí, đồng đội”.

In dấu nghĩa đồng bào

Vốn từ trước đến nay, đồng bào Vân Kiều các xã A Ngo, A Bung chỉ quen gặp các “chú” thì nay đã bắt đầu quen thêm với “O” biên phòng bởi các bản làng biên giới thường xuyên xuất hiện bóng dáng của Trung tá QNCN Lê Thị Vân. Hai năm qua, khu vực biên giới Quảng Trị chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ bất thường và dịch Covid-19, cuộc sống vì thế mà gặp rất nhiều khó khăn.

a2-1.jpg

Trung tá QNCN Lê Thị Vân phát cháo tại cơ sở 2 Bệnh viện Đa khoa Đakrông.

Là đơn vị đứng chân trên địa bàn, nên khi người dân cần hỗ trợ thì cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay đều có mặt để giúp đỡ và triển khai các việc thiện nguyện cho bà con. Có lẽ nhiều người đã quen với hình ảnh những người lính biên phòng dầm mình trong mưa gió để ứng cứu, giúp nhân dân vượt qua bão lũ. Khi cơn lũ dữ đi qua, những người lính biên phòng lại không quản ngại khó khăn đồng hành cùng các chuyến xe thiện nguyện chuyển hàng cứu trợ cho đồng bào nơi biên giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh. Và trong những chuyến đi ấy luôn có mặt Trung tá QNCN Lê Thị Vân.

Cũng vì thường xuyên gần gũi với người dân trên địa bàn nên chị biết mẹ Y Lăm sống đơn thân một mình, chị Y Dục khó khăn vì nhà nghèo lại đông con. Những ngày vừa rồi, các đoàn thiện nguyện đến xã A Bung, A Ngo tặng quà, được tận tay chuyển những cân gạo, gói muối, cá khô cho mẹ Y Lăm, chị Y Dục, Trung tá QNCN Lê Thị Vân phần nào như trút được gánh nặng trong lòng, bởi chị biết với số lương thực, thực phẩm này mọi người sẽ phần nào đỡ khó khăn.

Đã hơn 3 năm, Đoàn thanh niên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay duy trì mô hình “Bát cháo tình thương” tại cơ sở 2 Bệnh viện Đa khoa Đakrông ở xã Tà Rụt (huyện Đakrông) và mô hình “Ổ bánh mì biên giới” cho học sinh trên địa bàn hai xã A Ngo, A Bung. Là hoạt động của Đoàn thanh niên, thế nhưng Trung tá QNCN Lê Thị Vẫn thường xuyên tham gia. Để có cháo kịp bữa sáng cho các bệnh nhân, chị và mọi người phải thức dậy đi từ sớm nấu cháo rồi vận chuyển ra xã Tà Rụt cách đơn vị hơn chục cây số. Nhiều lần, cầm ổ bánh mì phát cho các cháu học sinh, chị không kìm được xúc động. Mong sao, các cô cậu học trò sẽ cố gắng hơn nữa trong học tập để sau này có thể học cao, đi xa hơn để có cơ hội thay đổi số phận.

Những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ ấy khiến Trung tá QNCN Lê Thị Vân không nản lòng với việc “ngoài chuyên môn” dù là ngày mưa lũ hay ngày đông rét mướt.

Chị chia sẻ: “Có đi làm mới thấy được giá trị của tình người trong khó khăn, hoạn nạn. Múc bát cháo cho bà con, thấy niềm vui trong mắt họ mình cũng thấy thật hạnh phúc. Những lần về với biên giới, nhìn nụ cười hồn nhiên của em bé khi nhận được món quà nhỏ từ các đoàn thiện nguyện, hay những lời cảm ơn từ những cụ già nhận được chiếc chăn cho mùa đông giá lạnh tôi bỗng thấy xung quanh mình còn nhiều mảnh đời cực khổ, để từ đó biết bằng lòng và quý trọng những gì mình đang có. Đây thực sự là những điều tuyệt vời mà tôi cảm nhận được trong cuộc đời quân ngũ của mình”.

 

Bài và ảnh: THANH TRÚC
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top