Ảnh minh họa
Theo Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phổ An Huỳnh Ta, "lưới rút cây" là tên gọi do ngư dân địa phương đặt cho loại hình đánh bắt sử dụng lưới rút để vây bắt đàn cá trú ẩn bên dưới những thân cây trôi nổi giữa biển khơi. Đây là nghề mà ngư dân chuyên đón, săn các đàn cá di cư ở tầng nước nổi như cá nục, cá ngừ sọc dưa, cá bè...
Được mùa, được giá
Vừa trở về sau chuyến biển 7 ngày, ngư dân Huỳnh Luận (54 tuổi), ở phường Phổ Quang vui mừng bốc dỡ hơn 10 tấn hải sản từ tàu xuống cảng cá Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) để bán cho tư thương. "Chuyến biển này, tàu của tôi có 11 thuyền viên. Sau khi trừ chi phí, mỗi anh em được 23 triệu đồng. Các chuyến biển trước đó, thu nhập của anh em trên tàu cũng nằm ở mức này. Năm nay, thời tiết thuận lợi, nên thời gian làm nghề của chúng tôi thêm được hơn 2 tháng so với các năm. Số chuyến biển đã tăng, sản lượng của mỗi chuyến cũng nhiều gấp đôi so với năm trước, nên anh em làm nghề ai cũng vui", ngư dân Huỳnh Luận chia sẻ.
Gắn bó với nghề "lưới rút cây" đã 15 năm, ngư dân Nguyễn Hơn (48 tuổi), ở xã Phổ An cho biết, năm 2022 là năm thành công nhất đối với tôi. Bởi sản lượng đánh bắt của tàu tôi không chỉ tăng cao hơn các năm trước, mà giá hải sản năm nay cũng tăng đáng kể.
Chuyến biển gần đây nhất, sau 30 ngày lênh đênh trên biển, tàu làm nghề "lưới rút cây" của ngư dân Nguyễn Hơn đánh bắt được 40 tấn cá ngừ sọc dưa. "Với giá cá ngừ sọc dưa hiện ở mức 28 nghìn đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước, tôi thu về hơn 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí và chia cho 13 anh em thuyền viên mỗi người 20 triệu đồng, tôi còn được vài trăm triệu đồng. Đây là mức thu nhập cao nhất từ trước đến nay của tôi", ngư dân Nguyễn Hơn phấn khởi nói.
Gìn giữ và phát triển nghề
Là ngư dân tiên phong làm nghề "lưới rút cây" tại phường Phổ Quang, ngư dân Huỳnh Luận cho biết, cách đây 17 năm, phường Phổ Quang mới chỉ có tôi cùng vài anh em làm nghề này. Dần dần, khi thấy thu nhập từ nghề này khá ổn định, mọi người bắt đầu học hỏi và làm theo. Cứ như thế, người đi trước hướng dẫn lại cho người đi sau, chứ không ai giấu nghề.
Theo chia sẻ của nhiều ngư dân, để theo đuổi nghề "lưới rút cây", mỗi chủ tàu phải bỏ ra từ 1 - 1,2 tỷ đồng để sắm lưới cụ. Nhiều chủ tàu còn linh hoạt kêu gọi vốn từ các thuyền viên. "Thuyền viên làm nghề lưới rút trên địa bàn phường thường hùn tiền mua lưới cụ với chủ tàu và được chia lợi nhuận theo từng chuyến biển. Với cách làm này, các chủ tàu không chỉ nhẹ gánh tài chính mà còn giữ chân được thuyền viên lâu dài", Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Phổ Quang Võ Xuân Cẩm cho biết.
Để nâng cao hiệu quả đánh bắt, các ngư dân làm nghề "lưới rút cây" ngày càng sáng tạo nên nhiều phương pháp thu hút, dẫn dụ cá. "Ngày trước, chúng tôi chỉ đánh bắt cá theo kiểu cứ thấy cây cối trôi dạt trên biển là cho tàu đến vây và kéo lưới ngay, nên có lúc, mẻ lưới không thu được con cá nào. Còn nay, chúng tôi neo tàu từ 4 - 5 ngày gần khu vực có cây cối trôi dạt, dùng đèn dẫn dụ cá tập trung đến khu vực, rồi mới kéo lưới. Nhờ đó, sản lượng đánh bắt tăng hẳn", ngư dân Huỳnh Luận chia sẻ kinh nghiệm.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế mà nghề "lưới rút cây" mang lại, nên ngư dân phường Phổ Quang và xã Phổ An đầu tư đóng thuyền to, máy lớn để vươn khơi. Hiện tại, phường Phổ Quang và xã Phổ An có khoảng 60 tàu làm nghề "lưới rút cây", tạo việc làm và thu nhập khá cho khoảng 700 lao động địa phương./.