Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ TT&TT có đại diện các Cục, Vụ chức năng gồm Cục Tần số vô tuyến điện, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Tin học hóa, Cục Thông tin cơ sở, Cục PTTH&TTĐT, Cục Báo chí, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính và Văn phòng.
Về phía tỉnh Bình Phước có sự tham dự của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh, đại diện lãnh đạo Sở TT&TT, đại diện một số Phòng ban của UBND tỉnh Bình Phước và VNPT, Viettel.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển bứt phá trong lĩnh vực CNTT của tỉnh Bình Phước chỉ trong một thời gian ngắn
Tại buổi làm việc, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã điểm lại những kết quả đạt được trong việc triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển thông tin và truyền thông giữa Bộ TT&TT và UBND tỉnh Bình Phước ngày 15/7/2019. Cụ thể sự hợp tác giữa hai bên đã được thực hiện trong các lĩnh vực: Bưu chính, Viễn thông, CNTT, an toàn, an ninh mạng và thông tin, tuyên truyền.
Vị đại diện UBND tỉnh Bình Phước nhận định lĩnh vực ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử đã có những bước phát triển đột phá trong thời gian qua với việc UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí 148 tỷ đồng cho lĩnh vực này trong năm 2020, tăng hơn gấp đôi so với năm 2019. Về triển khai các nhiệm vụ phát triển đô thị thông minh, tỉnh đã hoàn thành xây dựng Đề án Đô thị thông minh tỉnh Bình Phước giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC); triển khai thí điểm đô thị thông minh tại thành phố Đồng Xoài. Sau 3 tuần đi vào hoạt động, IOC đã nhận được 400 kiến nghị phản ánh của người dân thông qua điện thoại di động và đã xử lý 66% kiến nghị. Tỉ lệ người dân hài lòng với hệ thống này đạt 75%.
Về dịch vụ công trực tuyến hiện số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 của tỉnh đạt 70%. Từ ngày 19/5/2020 đến nay khi tỉnh chỉ đạo không nhận hồ sơ giấy từ cấp xã lên cấp tỉnh, tỷ lệ hồ sơ điện tử đã tăng rất nhanh so với trước từ 4% lên 26%.
Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước phát biểu tại buổi làm việc
Vè lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, Cục ATTT đã hướng dẫn tỉnh xây dựng Trung tâm Giám sát an toàn thông tin của tỉnh (SOC) và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ sự vui mừng trước sự phát triển bứt phá trong lĩnh vực CNTT của tỉnh Bình Phước chỉ trong một thời gian ngắn. Điều đó chứng tỏ Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ TT&TT và UBND tỉnh đã được triển khai hiệu quả, thành công.
Đối với các kiến nghị của UBND tỉnh Bình Phước, liên quan đến công tác đào tạo về chuyên gia CNTT, Bộ trưởng nhận định, Cục ATTT sẽ tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến cho Bình Phước và một số tỉnh có nhu cầu trong thời gian tới. Tuy nhiên đào tạo người dùng vẫn là quan trọng nhất. Giám đốc Sở TT&TT sẽ là tổng chỉ huy hoạt động đào tạo này, và đơn vị thực hiện việc đào tạo chính là doanh nghiệp cung cấp thiết bị.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng sách cho đồng chí Nguyễn Văn Lợi
Về hỗ trợ điện thoại thông minh (ĐTTM) cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo (hơn 12 nghìn hộ gia đình tại Bình Phước) khi thực hiện tắt sóng 2G vào năm 2022 theo lộ trình, Bộ trưởng cho biết hiện có chương trình hỗ trợ của nhà mạng và nhà sản xuất đưa giá máy ĐTTM xuống còn 600 nghìn/máy. Bộ trưởng đánh giá việc hỗ trợ ĐTTM cho người dân, đặc biệt là hộ gia đình nghèo đóng vai trò quan trọng vì đây sẽ là công cụ giúp người dân tiếp cận với thương mại điện tử để bán các loại nông sản, giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Bộ trưởng ủng hộ sáng kiến của tỉnh Bình Phước theo đó mỗi xã có mười thanh niên đóng vai trò hạt nhân, được trang bị điện thoại thông minh để hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bộ trưởng chỉ đạo Viettel xem xét hỗ trợ điện thoại cho lực lượng này.
Đối với việc phủ sóng di động cho khu vực biên giới giáp Campuchia nơi có 23 tổ chốt biên phòng và hơn 120 km đường – nơi hiện nay chưa có sóng di động, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Viễn thông phối hợp với Sở TT&TT và Tập đoàn Viettel khảo sát và đưa ra phương án phủ sóng, theo đó Viettel phải có trách nhiệm phủ sóng cho các đồn biên phòng, những khu vực còn lại có thể xem xét việc sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.
Liên quan đến lập kế hoạch phủ sóng 5G năm 2020 tại các khu công nghiệp, khu đô thị tập trung, Bộ trưởng chỉ đạo Sở TT&TT Bình Phước lên kế hoạch rồi bàn thảo với 3 nhà mạng, nếu có khó khăn thì liên hệ Cục Viễn thông giải quyết. Tuy nhiên, trong thời gian đầu việc phủ sóng 5G chỉ nên tập trung vào các khu công nghiệp có nhà máy của các hãng công nghệ lớn.
Về việc đầu tư trang thiết bị truyền thanh không dây cho các đài truyền thanh cơ sở trong tỉnh, Bộ trưởng ủng hộ việc đầu tư này vì hệ thống này dễ vận hành, tiết kiệm chi phí, là phương tiện hiệu quả trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước đến người dân.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo Vụ CNTT cần tư vấn đầu tư cho công nghệ cao tại ba khu công nghiệp của tỉnh Bình Phước, hỗ trợ tỉnh phát triển doanh nghiệp công nghệ số địa phương
Đồng thời Bộ trưởng cũng khuyến nghị tỉnh Bình Phước nên xây dựng sớm Chiến lược chuyển đổi số của tỉnh trên cơ sở khung Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia mà Bộ đã ban hành.
Đáp từ Bộ trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đã bày tỏ sự cám ơn đối với sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của Bộ TT&TT và mong muốn Bộ sẽ tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh, giúp tỉnh phát triển các lĩnh vực thông tin và truyền thông trong thời gian tới.