Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn đồng chủ trì Diễn đàn kết nối, tiêu thụ trái cây miền Nam
Cần có “luồng xanh” phục vụ tiêu thụ nông sản ở phía Nam
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết các địa phương phía Nam cần phải có luồng xanh phục vụ tiêu thụ nông sản ở tỉnh mình. Kinh nghiệm của Bắc Giang cho thấy vào thời điểm tiêu thụ vải Bắc Giang cao cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát nhưng huyện Lục Ngạn, Bắc Giang vẫn tiêu thụ vải với khối lượng cao. Bắc Giang đã linh hoạt khi cho phép xe vận tải vải vẫn nằm trong Lục Ngạn, ra cửa ngõ là có xe trung chuyển.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng đề nghị các tỉnh, thành phố phía Nam giải quyết tình hình linh hoạt. Các địa phương như TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương việc thực hiện giãn cách được thắt chặt hơn nhưng vẫn phải đảm bảo lưu thông hàng hoá cho địa phương. Bộ TT&TT đề nghị Bộ Công thương và các tỉnh cho phép các shipper hoạt động. Các shipper này phải là của các doanh nghiệp bưu chính, siêu thị để có thể kiểm soát được để đảm bảo cung ứng hàng hoá không bị đứt gãy.
Thứ trưởng cũng cho biết Bộ TT&TT đã có văn bản xin ý kiến về tiêu thụ hàng hoá thiết yếu. Các điểm phục vụ bưu chính của các tỉnh đều là điểm cung cấp hàng thiết yếu và các sàn hỗ trợ đưa hàng lên sàn và có kế hoạch đưa bà con lên sàn tiêu thụ với 2 sàn chủ lực Postmart.vn, voso.vn. Các tỉnh có thể làm việc với hai doanh nghiệp bưu chính để tiêu thụ nông sản.
Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo hệ thống truyền thông trong nước tuyên truyền tiêu thụ nông sản cho bà con.
Bài học kinh nghiệm từ Bắc Giang là: đảm bảo an toàn phòng chống dịch; tạo luồng xanh cho thu hoạch; các Bộ ngành, địa phương vào cuộc để lưu thông – phân phối và công tác truyền thông được đẩy mạnh, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết một số tỉnh phía Nam thực hiện nghiêm giãn cách và sắp tới có thể công bố hết dịch. Theo đó, các DN cần có sự kết nối ngay từ bây giờ để khi hết thời gian giãn cách có thể triển khai ngay.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng cho biết vừa qua, Bộ NN&PTNT đã đi một số địa phương xem xét tình hình sản xuất, nhiều địa phương tạo điều kiện cho lưu thông, quan tâm hỗ trợ, giao xã, phòng NN&PTNT đã lên kế hoạch bao nhiêu nhân công đi làm để hỗ trợ xét nghiệm, đảm bảo tuân thủ 5K để lên lịch đi thu hoạch. Các doanh nghiệp có thể liên hệ với các Sở TT&TT qua đường dây nóng để cùng nhau tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiêu thụ nông sản, hàng hóa.
Kinh nghiệm từ Bắc Giang trong việc tiêu thụ vải thiều
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Phụ trách Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT cho biết: Bắc Giang trong lúc đại dịch vẫn tổ chức được Hội nghị xúc tiến vải và tổ chức Lễ ra quân thu hoạch vải, trong thời điểm vẫn thực hiện mục tiêu kép. Năm nay Bắc Giang được mùa vải, sản lượng tăng lên 30%.
Tuy nhiên, trong gần 1 tháng triển khai quyết liệt thì toàn bộ 216.000 tấn vải được tiêu thụ hoàn toàn, trong đó 58,6% tiêu thụ nội địa và xuất khẩu được 41,4%. So với năm trước thì tiêu thụ nội địa tăng hơn hẳn và đây là nhờ vào cuộc của cách làm mới. Trong vòng 1 tháng thu về 6.821 tỷ đồng với mức giá khá tốt so với hiện tại, giá không hề giảm, trung bình 20.000 đồng/kg, xuất khẩu được 30 – 55.000 đồng/kg tuỳ theo loại vải.
Để làm được việc này Bộ TT&TT đã vào cuộc nhanh, quyết liệt để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. Bên cạnh đó, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của Bộ vào cuộc để tuyên truyền cho người dân cả nước ủng hộ Bắc Giang./.