Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự Hội nghị
Về phía Bộ TT&TT có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên là Bộ trưởng Bộ Bưu chính – Viễn thông, Bộ TT&TT; các đồng chí Thứ trưởng, nguyên là Thứ trưởng Bộ TT&TT, Bộ Bưu chính - Viễn thông, Tổng cục Bưu điện qua các thời kỳ; đại diện các Sở TT&TT, các doanh nghiệp BCVT-CNTT, các hiệp hội, cơ quan báo chí...
Năm 2020 nói riêng và giai đoạn 2016 - 2020 nói chung, ngành TT&TT tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ. Toàn Ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với việc tập trung thực hiện chiến lược cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Ba đột phá chiến lược được tập trung chỉ đạo thực hiện tốt trong Ngành, và đạt được nhiều kết quả khả quan: Hệ thống hóa cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia tiếp tục được xây dựng hiện đại và rộng khắp. Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển nhanh chóng vững chắc. Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu trong ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước và đời sống xã hội.
Đặc biệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam đã lan tỏa đến mọi ngõ ngách của xã hội, từ trung ương đến địa phương. Báo chí đã khẳng định được vai trò vị trí của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; phản ánh dòng chảy của xã hội Việt Nam, góp phần tạo đồng thuận niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, tổng doanh thu toàn ngành TT&TT đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đạt hơn 3 triệu tỷ đồng so với gần 2,2 triệu tỷ đồng năm 2016. Tổng nộp ngân sách Nhà nước của Ngành đạt gần 106 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2016 (76 nghìn tỷ đồng). Tổng số doanh nghiệp toàn ngành TT&TT năm 2020 đạt con số hơn 64 nghìn doanh nghiệp, tăng 50% so với năm 2016 (41 nghìn doanh nghiệp).
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị
Bức tranh toàn cảnh về các lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của Bộ TT&TT nổi lên rất nhiều điểm sáng tích cực trong suốt 5 năm 2016-2020. Cụ thể, lĩnh vực bưu chính đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao (35%/năm) trong 5 năm qua với tổng doanh thu đạt 56.500 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2016 (18.300 tỷ đồng).
Trong lĩnh vực viễn thông, tỉ lệ hộ gia đình kết nối Internet tăng gần 3 lần trong 5 năm qua, đạt 75%, cao hơn mức trung bình của thế giới 1,3 lần (57,4%). Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đã chính thức vượt ngưỡng trung bình của thế giới vào năm 2020, đạt 76,42 thuê bao băng rộng/100 dân.
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cả nước trong năm 2020 đã cao hơn cả 4 năm trước cộng lại, tăng hơn 20 lần so với năm 2016. Cụ thể, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chiếm 30,86% vào năm 2020 so với mức 1,42% năm 2016. Tỷ lệ Bộ ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP đạt 100% trong năm 2020 so với tỷ lệ 0% năm 2016 và 4,76% năm 2018.
Tổng doanh thu ngành công nghiệp ICT cũng có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm, đạt hơn 120 nghìn tỷ đồng năm 2020, tăng gần 1,8 lần sau 5 năm. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp công nghệ số cũng đạt được sự tăng trưởng tương tự, tăng gấp 2 lần, với 58 nghìn doanh nghiệp năm 2020 trong khi năm 2016 chỉ có 24.500 doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, chỉ riêng trong năm 2020, số cơ quan nhà nước bảo đảm an toàn an ninh mạng theo mô hình 4 lớp tăng từ 0 lên 100%. Tỷ lệ sản phẩm an toàn an ninh mạng nội địa tăng gần 7 lần, đạt gần 91% so với mức 13,6% năm 2016.
Trong lĩnh vực báo chí tuyên truyền, Bộ TT&TT đã thực hiện Quy hoạch báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai sắp xếp tinh gọn các cơ quan báo chí. Hiện nay, tính đến cuối năm 2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí (năm 2016 có 859 cơ quan báo chí).
Mạng xã hội Việt Nam không ngừng lớn mạnh, cạnh tranh vơi các mạng xã hội quốc tế, với các tên tuổi như Zalo, Mocha, Lotus, Gapo, tăng trưởng gấp 3 lần so với năm 2016. Số lượng tài khoản người dùng đạt hơn 90,5 triệu.
Một trụ cột quan trọng khác của lĩnh vực truyền thông cần nhắc đến là sách, lĩnh vực công nghiệp tri thức. Vị thế của ngành Xuất bản Việt Nam ngày càng được nâng cao. Triển lãm sách kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam với 10.000 cuốn sách đã mang đến cho công chúng một cái nhìn tổng thể về 90 mùa xuân đi cùng dân tộc của Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cùng những thành quả cách mạng của đất nước trong quá trình đổi mới. Hội sách trực tuyến 2020 lần đầu tiên được tổ chức. Đây chính là cơ hội cho các đơn vị xuất bản của Việt Nam tìm hướng đi mới trong phát triển thị trường, thích ứng với kinh tế số.
Trong 5 năm qua, thứ hạng của Việt Nam trong các lĩnh vực Bưu chính, ứng dụng ICT, chỉ số phát triển ICT, chính phủ điện tử, an toàn an ninh mạng trong các bảng xếp hạng quốc tế đã có những bước tiến mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn an ninh mạng. Năm 2019, Việt Nam xếp hạng thứ 50 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu (CGI) trên 175 quốc gia được khảo sát, đánh giá, tăng 50 hạng so với năm 2017.
Năm 2021, là năm đầu tiên của một giai đoạn mới. Giai đoạn 5 năm tới đây sẽ là giai đoạn bản lề để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp và tiến bước trở thành một nước phát triển có thu nhập cao trong 20 năm tiếp theo. Đất nước bay lên bằng đôi cánh: Một bên là khát vọng hùng cường, thịnh vượng, một bên là công nghệ. Ngành TT&TT ý thức được trách nhiệm tiên phong trong việc thực hiện sứ mệnh, đặt ra mục tiêu cao, cải thiện thứ hạng quốc gia trên tất cả các lĩnh vực với cách tiếp cận mới và giải pháp đột phá.
Kế hoạch trong giai đoạn 2021 – 2025
1- Bưu chính là hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số, là dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Tốc độ tăng trưởng 30-40% / năm, trở thành một trong các trụ cột của kinh tế số, phục vụ phát triển chính phủ số, xã hội số. Phát huy đầy đủ vai trò phục vụ nhân dân, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin theo hướng mở rộng dịch vụ phổ cập. Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ năm 2021 đạt 100%. Nền tảng mã địa chỉ Vpostcode gắn với bản đồ số hỗ trợ các hộ gia đình thúc đẩy thương mại điện tử. Xếp hạng phát triển bưu chính năm 2025: Top 45 thế giới.
2- Viễn thông là hạ tầng của nền kinh tế số. Hạ tầng số được đầu tư trước, đi cùng nhịp với các nước trên thế giới về ứng dụng công nghệ mới. Triển khai thương mại 5G với các thiết bị Make in Việt Nam theo pha, đúng lộ trình. Mỗi người dân một điện thoại thông minh. Phổ cập điện thoại di động thông minh với mục tiêu tỷ lệ thuê bao băng rộng di động trên 100 dân năm 2021 đạt trên 80%, năm 2025 đạt 100%. Mỗi hộ gia đình một đường cáp quang. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang năm 2021 đạt 60%, năm 2025 đạt 80%. Ngay trong năm 2021, phấn đấu tỷ lệ các thôn được phủ sóng di động hoặc Internet đạt 100%. Chuyển đổi Internet sang thế hệ mới IPv6, 100% các Bộ, Tỉnh, thành phố trực thuộc TW ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6 với mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn hệ thống CNTT, kết nối Internet sang IPv6 vào 2025. Xếp hạng phát triển viễn thông năm 2025: Top 50 thế giới.
3- Tăng tốc chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số toàn dân, toàn diện, hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025 sớm trước thời hạn đặt ra. Cơ bản hoàn thành phát triển Chính phủ điện tử trong năm 2021 với việc hoàn thành 100% DVCTT mức độ 4 và 02 CSDL quốc gia lớn là dân cư và đất đai trong năm 2021. Phát triển Chính phủ số với mục tiêu cơ bản hoàn thành Chính phủ số vào năm 2025 với việc hoàn thành 100% hồ sơ thủ tục hành chính xử lý hoàn toàn trên môi trường số. Xếp hạng phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số năm 2025: Top 60 thế giới. Năm 2021, đo lường kinh tế số, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP năm 2021 đạt 12% và năm 2025 đạt 20%. Phấn đấu cùng Ngành Y tế, Ngành Giáo dục và đào tạo đạt mục tiêu các cơ sở khám chữa bệnh có bộ phận tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Thời lượng và tỷ lệ học trực tuyến năm 2021 đạt tối thiểu 20%, năm 2025 đạt tối thiểu 50%. Triển khai các nền tảng công nghệ số hỗ trợ cho nông nghiệp và nông dân, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
4- An toàn, an ninh mạng bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Tốc độ tăng trưởng 25-30% / năm. Phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam làm chủ 100% hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Tỷ lệ máy chủ, máy trạm và thiết bị đầu cuối của các cơ quan nhà nước được bảo vệ đạt 100%. Phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi về an toàn, an ninh mạng.Xếp hạng an toàn, an ninh mạng năm 2025: Top 30 thế giới.
5- Phát triển nền công nghiệp ICT Make in Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm cao gấp 2,5 – 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.Doanh nghiệp công nghệ số tăng trưởng 20-30% / năm. Tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1000 dân năm 2021 đạt 0,7 và năm 2025 cứ 1000 dân có 1 doanh nghiệp công nghệ số. Hình thành nền công nghiệp ICT quốc gia lưỡng dụng, vừa phục vụ quốc phòng – an ninh vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
6- Báo chí thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, tạo nên khát vọng Việt Nam hùng cường. Tỷ lệ người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận ít nhất một loại hình báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu năm 2021 đạt 95% và năm 2025 đạt 100%. Tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội Việt Nam so với nước ngoài năm 2021 là 0,83; năm 2025 là 1,22. Tỷ lệ bản sách bình quân đầu người năm 2021 đạt 4,5 và năm 2025 đạt từ 5 đến 5,5. Tỷ lệ sách xuất bản điện tử năm 2021 đạt 10%, năm 2025 đạt 15%. Tỷ lệ chuyển đổi số số cơ quan báo chí, PTTH hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông đa phương tiện năm 2021 đạt 75%, năm 2025 đạt 90%.