Bộ TT&TT tổ chức trực tuyến Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 7

Thứ ba, 04/08/2020 21:33

Chiều ngày 4/8/2020, Bộ TT&TT tổ chức trực tuyến Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 7. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị. Tham dự có các Thứ trưởng, đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ, đại diện lãnh đạo VNPost và VTC, cùng đại diện các Sở TT&TT.

GBQLNN-thang-7--2.jpg 

Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 7/2020 của Bộ TT&TT.

Triển khai phần mềm Bluezone – đợt tổng diễn tập đầu tiên của ngành TT&TT

Tại Hội nghị, đại diện Cục Tin học hoá đã cung cấp thông tin khái quát về phần mềm Bluezone, những ưu điểm của phần mềm trong việc truy vết nhanh chóng những người có nguy cơ bị nhiễm Covid 19, một số nhiệm vụ cần thực hiện đồng bộ để tuyên truyền triển khai Bluezone, đặc biệt là đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến việc cài đặt cũng như các tính năng của Bluezone.
 
Trả lời tại Hội nghị các câu hỏi, kiến nghị của đại diện Sở TT&TT Đà Nẵng, Quảng Nam, TPHCM, Quảng Ninh, đại diện Cục Tin học hoá cho biết, ngay trong ngày hôm nay các Sở TT&TT sẽ có thể truy cập được trên hệ thống Dashboard số liệu có bao nhiêu người dân tại các địa phương đã cài đặt Bluezone trên Dashboard. Đây là thông tin rất cần thiết để các Sở tiếp tục đẩy mạnh việc truyền thông thông qua nhiều kênh để ngày càng có nhiều người dân cài đặt phần mềm này. Tỉ lệ người dân có smartphone đã cài đặt Bluezone đã tăng lên rất nhanh trong những ngày qua, tuy nhiên vẫn còn rất ít so với kỳ vọng. Tính đến thời điểm hiện nay, mới có hơn 3,5 triệu lượt cài đặt Bluezone. Việt Nam có tổng số 80 triệu người có smartphone. Để có thể kiểm soát dịch Covid 19, nhanh chóng truy vết người có khả năng lây nhiễm và những người họ đã tiếp xúc thì cần phải có 50 triệu người dân cài đặt Bluezone. Đồng thời, Cục Tin học hóa cũng đang hiệu chỉnh một số thông tin trên ứng dụng để tránh hiểu nhầm cho người dân; thiết lập đường dây nóng hotline giải đáp thắc mắc.
 
Chỉ đạo về việc triển khai Bluezone, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, có thể coi đây là đợt tổng diễn tập đầu tiên trong lịch sử của ngành TT&TT. Đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT chỉ đạo viết phần mềm và triển khai phần mềm này đến hàng chục triệu người dân. Qua đợt diễn tập này sẽ đưa ra câu trả lời về việc hệ thống của Bộ từ Trung ương đến địa phương vận hành thế nào, có hiệu quả không, phần mềm viết ra có ổn không, chạy trên toàn quốc tình hình thế nào. Đây là cơ hội tốt để ngành TT&TT tìm ra những vấn đề của mình, từ đó đưa ra giải pháp xử lý. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để đất nước nhìn nhận, đánh giá vai trò của Bộ TT&TT, của Sở TT&TT. Đây là cơ hội ngàn năm của Bộ và các Sở TT&TT. Triển khai Bluezone hiệu quả thì chống dịch Covid hiệu quả và khi kiềm chế được dịch bệnh, kinh tế sẽ phát triển.
 
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cuộc tập dượt này sẽ mang lại rất nhiều bài học lớn. Với thế giới thay đổi liên tục như ngày nay, các cuộc khủng hoảng phi truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều, những vấn đề tương tự sẽ còn xảy ra nhiều lần nữa. Cuộc tổng diễn tập này sẽ là sự chuẩn bị cần thiết cho tương lai. 
 
Người đứng đầu ngành TT&TT nhận định Việt Nam có đầy đủ điều kiện để triển khai Bluezone (sử dụng công nghệ Bluetooth – công nghệ được đánh giá tốt nhất hiện nay trong việc kiểm soát tiếp xúc gần mà không vi phạm quyền riêng tư). Đó là Việt Nam có 80% dân số sử dụng smartphone, có chính quyền mạnh, được người dân tin tưởng. Có tin tưởng người dân mới cài đặt Bluezone.
 
Tổng chỉ huy cuộc vận động người dân sử dụng ứng dụng Bluezone là Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT. Tại từng địa phương, hạt nhân của phong trào này sẽ là các Giám đốc Sở TT&TT.  Đây là cơ hội để ngành TT&TT, từ Bộ TT&TT cho tới các Sở TT&TT tại các địa phương chứng minh vai trò và uy tín của mình.
 
Bộ trưởng chỉ đạo, triển khai Bluezone chính quyền cơ sở, cụ thể là ở cấp xã phường, Đoàn Thanh niên ở xã phường đóng vai trò rất quan trọng. Chính họ sẽ là những người đến từng thôn bản, từng khu chung cư khuyến khích vận động người dân cài đặt Bluezone. Đối với các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng đề nghị tất cả những người đến làm việc với các cơ quan này cần được yêu cầu cài đặt phần mềm Bluezone ngay từ cổng ra vào và Bộ TT&TT sẽ đi tiên phong.
 
Đối với các thuê bao di động đang sử dụng smartphone nhưng chưa cài đặt Bluezone, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Viễn thông làm việc với các nhà mạng hàng ngày gửi tin nhắn đề nghị người dân cài đặt phần mềm để bảo vệ sức khỏe cho mình và cho cộng đồng.
 
Trong thời gian qua, hệ thống tuyên truyền qua tin nhắn của Bộ TT&TT tới các máy di động được đánh giá hiệu quả không kém sóng truyền hình. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Cục Viễn thông nghiên cứu việc tuyên truyền cho ứng dụng Bluezone bằng cách chạy chữ trên cột sóng di động và âm báo thoại. 
 
Bộ trưởng nhấn mạnh, Giám đốc các Sở TT&TT cần phải coi nhiệm vụ hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân cài đặt Bluezone là một nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, là cơ hội hiếm có để giúp đỡ tỉnh mình, đất nước mình.
 
GBQQLNN-thang-7.jpg
 
Hội nghị Giao ban quản lý Nhà nước tháng 7/2020 của Bộ TT&TT tại điểm cầu 18 Nguyễn Du, HN
 
BCVT, CNTT, ATTT, báo chí truyền thông phát triển tốt trong tháng 7
 
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ, trong lĩnh vực bưu chính, doanh thu bưu chính chuyển phát 7 tháng đầu năm 2020 ước đạt 18,8 nghìn tỷ đồng (tăng 19,7% so với cùng kỳ 2019), riêng trong tháng 7/2020 ước đạt 2,7 nghìn tỷ đồng.
 
Trong khi đó, doanh thu lĩnh vực viễn thông có xu hướng giảm nhẹ. Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông luỹ kế đến tháng 6/2020 đạt khoảng 63 nghìn tỷ, giảm 1,21% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu tháng 6/2020 đạt 10,26 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ cùng kỳ 2019 (10,32 nghìn tỷ). Doanh thu di động tháng 6/2020 đạt 7,39 nghìn tỷ, giảm không đáng kể so với tháng 5 (7,41 nghìn tỷ) và giảm 9,6% so với cùng kỳ 2019 (8,1 nghìn tỷ). Doanh thu cố định đạt 2,87 nghìn tỷ, tăng nhẹ so với tháng 5/2020 (2,85 nghìn tỷ) và tăng khoảng 30% so với cùng kỳ 2019 (2,2 nghìn tỷ). Tổng số thuê bao điện thoại đến tháng 6/2020 đạt 130,46 triệu thuê bao, trong đó số thuê bao di động là 127,01 triệu thuê bao, số thuê bao điện thoại cố định đạt 3,45 triệu thuê bao. Tổng số thuê bao Internet băng rộng đạt 81,53 triệu thuê bao.
 
Trong lĩnh vực CNTT, về kết nối, chia sẻ dữ liệu, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Nếu như trước Covid-19 chỉ có khoảng 40 bộ, tỉnh kết nối thì hiện đã có 76 bộ, tỉnh kết nối (55 tỉnh, 21 bộ ngành). Tính đến hết tháng 7/2020, khoảng 82,61% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh. Tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử trên toàn quốc có tỷ lệ khá cao, đạt 88,53%.
 
Tỷ lệ văn bản ban hành được ký số của Bộ TT&TT ổn định ở mức cao đạt trên 99%; Tỷ lệ văn bản được lãnh đạo trực tiếp ký số của các đơn vị đạt 90% (chiếm 90% tổng số văn bản ban hành được ký số). Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Bộ đã liên thông, gửi nhận văn bản điện tử thông suốt với toàn bộ 30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, 63 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, 56 Sở TT&TT. Bộ đã thực hiện ký số 100% văn bản điện tử gửi các Bộ/ Ngành; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Sở TT&TT. Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ đã tích hợp tổng số 14 DVC trực tuyến lên Cổng DVC Quốc gia; Hoàn thành kết nối đồng bộ thông tin thống kê tình hình xử lý hồ sơ lên Cổng DVC QG; Thực hiện đồng bộ việc tra cứu trạng thái xử lý hồ sơ giữa Cổng Bộ và Cổng DVC QG; Các hệ thống phần mềm DVC tại đơn vị và Cổng Bộ đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4.
 
Đối với lĩnh vực an toàn thông tin mạng, trong tháng 7, Bộ TT&TT đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 521 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (232 cuộc Phishing, 168 cuộc Deface, 121 cuộc Malware), giảm 0,19% so với tháng 6/2020, giảm 38,78% so với cùng kỳ tháng 7/2019. Trong tháng 7, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 2.014.512 địa chỉ, giảm 4,84% so với tháng 6/2020 và tăng 66,48% so với cùng kỳ tháng 7 năm 2019.
 
Nguyên nhân số cuộc tấn công mạng được ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý và số lượng địa chỉ IP botnet so với tháng trước có phần giảm nhẹ là do Cục An toàn thông tin tiếp tục tăng cường thực hiện việc ghi nhận, cảnh báo và tăng hướng dẫn xử lý để đảm bảo an toàn thông tin và do tình hình kiểm soát dịch Covid -19 trong nước đã được thực hiện tốt.
 
Liên quan đến lĩnh vực công nghiệp CNTT, tổng doanh thu công nghiệp CNTT, công nghiệp điện tử, viễn thông (Nội địa, FDI) ước tính 58 tỷ USD tăng trưởng 2,7% so với cùng kỳ trong đó doanh thu từ khối FDI đạt 55 tỷ chiếm tỷ lệ 95% tổng doanh thu. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 7/2020, giá trị xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt khoảng 50 tỷ USD tăng 5% trong đó giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện ước đạt 25,7 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 23,1 tỷ USD, tăng 24,3%.
 
Trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, các cơ quan báo chí, đài PTTH làm tốt công tác tuyên truyền các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; tuyên truyền Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…theo định hướng của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý về báo chí; tuyên truyền về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; các vấn đề xã hội quan tâm; công tác phòng, chống thiên tai; phòng, chống cháy nổ….Tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tập trung đưa tin, bài liên quan đến công tác cập nhật tình hình bùng phát dịch bệnh ở các nước, thông tin về định hướng, chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước, thực hiện trạng thái “bình thường mới”.
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định trong thời gian gần đầy Bộ đã thực sự làm được rất nhiều việc, cụ thể: Chỉ đạo viết phần mềm Bluezone và khuyến khích việc cài đặt phần mềm này đến nhiều triệu người dân, hàng tuần ra mắt các nền tảng công nghệ nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng thông qua việc thúc đẩy 4 lớp an toàn thông tin… Làm tốt những công việc cụ thể này sẽ khiến cho việc hoạch định ban hành chính sách, chiến lược của Bộ tốt hơn.
 
Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của các Sở TT&TT, Sở là hạt nhân triển khai công việc của Bộ tại địa phương. Do đó, tất cả các đơn vị trong Bộ có nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ các Sở hoàn thành nhiệm vụ.
 
Bộ trưởng chỉ đạo trong tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp, các cuộc họp, hội thảo, làm việc với các tỉnh, thanh tra, kiểm tra sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến.
 
Bộ trưởng chỉ đạo trong thời gian tới Lãnh đạo Bộ sẽ định kỳ làm việc với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ để thảo luận, trao đổi về các định hướng chiến lược mới trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ. Bộ trưởng giao Viện Chiến lược TT&TT làm đầu mối tổ chức định kỳ một tháng một lần.
 
Bộ trưởng cũng chỉ đạo gửi công văn đến các Bộ ngành đề nghị đẩy nhanh triển khai chính phủ điện tử và chuyển đổi sổ, thực hiện mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 100% hạ tầng chia sẻ kết nối, 100% bảo vệ 4 lớp an toàn thông tin, đến hết năm 2020, hoàn thành xây dựng chương trình chuyển đổi số cho các ngành và địa phương, khai báo Bluezone cho toàn bộ các Bộ ngành. 

 

Giang Phạm
banner
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top