Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị
Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Bộ TT&TT; đại diện lãnh đạo đơn vị chuyên trách về CNTT các Bộ, cơ quan ngang Bộ; lãnh đạo Sở TT&TT các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp, hội, hiệp hội trong ngành TT&TT; lãnh đạo các cơ quan báo chí lớn ở Trung ương và địa phương.
Quản lý thì có lúc phải đi đầu dẫn dắt, có lúc lại phải lùi về sau để thúc đẩy
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: 6 tháng đầu năm 2022 COVID-19 bùng phát mạnh mẽ và sau đó lắng xuống, cuộc sống đã dần trở lại bình thường. Muốn cho lắng xuống thì chắc vẫn phải cho bùng phát, nhưng quan trọng là bùng phát có kiểm soát.
Trong 6 tháng ngành TT&TT đã có 3 chiến lược quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đó là các chiến lược về bưu chính, về chính phủ số và về kinh tế số.
Từ năm 2022, ngành TT&TT bắt đầu sửa khá nhiều luật liên quan đến lĩnh vực số. Đó là các luật về Giao dịch điện tử, Công nghiệp công nghệ số, Tần số, Viễn thông. Đây đều là các lĩnh vực nền tảng cho chuyển đổi số, cho sự phát triển số. Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị trong Ngành phải coi đây là việc của mình để nghiên cứu góp ý, tránh việc luật ra rồi, mang ra áp dụng thì mới phát hiện ra bất cập, khi ấy thì đã muộn, muốn sửa là mất nhiều năm.
Toàn cảnh Hội nghị
Năm 2022, nhiều nghị định về quản lý các nền tảng xuyên biên giới (như mạng xã hội, phát thanh truyền hình OTT, quảng cáo) cũng sẽ được ban hành. Quản lý các nền tảng xuyên biên giới là một thách thức toàn cầu. Việc thiếu thể chế quản lý các nền tảng xuyên biên giới đã tạo ra một môi trường kinh doanh bất bình đẳng, còn gọi là sự bảo hộ ngược, giữa các nền tảng số trong nước và nước ngoài. Các nghị định mới này là để thực hiện một nguyên lý rất căn bản là doanh nghiệp làm ăn ở đâu thì phải theo pháp luật ở đó. Nếu nói rộng ra thì là sự bảo vệ chủ quyền số quốc gia. – Người đứng đầu Ngành TT&TT nhấn mạnh.
Đầu năm 2022, Bộ TT&TT cũng bắt đầu ban hành các hướng dẫn thực thi. Một văn bản pháp lý là phủ rộng toàn quốc, từ cấp TW đến cấp xã. Nếu thiếu các hướng dẫn cho từng đối tượng thì sẽ rất khó triển khai. Văn bản pháp lý là cho mọi đối tượng liên quan. Hướng dẫn là cho từng đối tượng. Bộ trưởng chỉ đạo các Cục, Vụ của Bộ khi làm văn bản pháp lý là phải làm luôn việc hướng dẫn cho từng đối tượng. Bởi vì chỉ khi làm các hướng dẫn này thì mới biết văn bản pháp lý mà mình sẽ ban hành có vận hành được trong cuộc sống hay không.
Bộ trưởng cho biết thêm: Năm 2022, Bộ TT&TT cũng tuyên bố chuyển trọng tâm từ phía trước sang phía sau. Lãnh đạo, quản lý thì có lúc phải đi đầu dẫn dắt, có lúc lại phải lùi về sau để thúc đẩy. Bộ TT&TT trong mấy năm qua đã khởi xướng nhiều cái mới, đã đi đầu và trực tiếp tham gia làm để khởi động những cái mới của Ngành. Đến nay, đa số những định hướng mới đã thành nhận thức của xã hội, của chính quyền các cấp, nhà nhà bắt đầu làm, ngành ngành bắt đầu làm, thì Bộ phải lui về sau để làm những việc đảm bảo cho sự phát triển được nhanh và bền vững.
6 tháng đầu năm 2022, Bộ đã tập trung chỉ đạo thanh kiểm tra, xử lý mạnh tay các vi phạm để làm lành mạnh môi trường thông tin và truyền thông. Muốn phát triển nhanh và bền vững thì môi trường phải lành mạnh. Giữ cho môi trường lành mạnh thì phải làm thường xuyên. Vừa qua, cũng có lúc, do lý do này lý do kia, chúng ta có sự buông lỏng, làm cho tiêu cực, sai phạm tăng nhanh, gây bức xúc xã hội, làm giảm uy tín của Ngành, suy yếu uy tín và uy quyền quản lý nhà nước.
Năm 2022, Bộ TT&TT chính thức được bổ sung chức năng nhiệm vụ mới về chuyển đổi số, công nghiệp công nghệ số, kinh tế số, nên bộ máy phải tổ chức lại cho phù hợp. Nhiều cán bộ về hưu, phải chuẩn bị người thay thế phù hợp. Nhiều vị trí có yêu cầu mới, cao hơn cũng phải có người mới phù hợp. Nhiều cán bộ đi biệt phái về phải phân công cho phù hợp. Nhiều cán bộ tập sự cấp phó phải đánh giá, bố trí.
Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh: Làm việc ở cơ quan quản lý nhà nước là dẫn dắt quốc gia, là quyết định sự phát triển của đất nước, thì phải đặt ra mục tiêu cao cho mình, cũng tức là mục tiêu cao cho đất nước, phải tìm cách tiếp cận mới cho việc khó dễ đi mà làm, không được dùng mãi câu cửa miệng là làm nhà nước thì khó lắm. Nếu nói vậy là đã đóng lại mọi cánh cửa rồi. Phải mở cánh cửa ra, mọi cái đều có thể làm được, mọi giấc mơ đều có thể hiện thực.
Những điểm nổi bật trong lĩnh vực TT&TT 6 tháng đầu năm
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã trình bày báo cáo kết quả hoạt động của ngành TT&TT 6 tháng đầu năm và định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu toàn Ngành ước đạt 1.833.162 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ 2021 (1.568.141 tỷ đồng); lợi nhuận toàn Ngành ước đạt 137.276 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ 2021 121.193 (tỷ đồng). Nộp ngân sách nhà nước 60.883 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ 2021 (61.158 tỷ đồng); đóng góp vào GDP là 461.900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2021 (398.827 tỷ đồng).
Lĩnh vực bưu chính, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu bưu chính đạt gần 27.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; sản lượng bưu gửi đạt 870 triệu bưu gửi, tăng 25% so với cùng kỳ 2021. Bộ đã ban hành kế hoạch phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số. Cơ sở dữ liệu địa chỉ số tính đến nay là 24 triệu địa chỉ. Bộ đang tiếp tục hoàn thiện ứng dụng cập nhật và thông báo đến chủ địa chỉ.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng trình bày báo cáo kết quả hoạt động của ngành TT&TT 6 tháng đầu năm và định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022
Lĩnh vực viễn thông, tổng doanh thu dịch vụ viễn thông 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 71 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021; tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Quốc hội đã chính thức thông qua việc xây dựng Luật Viễn thông (sửa đổi) và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Bộ đã tham mưu Chính phủ có Tờ trình Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật.
Lĩnh vực Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, Bộ đã phối hợp cùng Bộ Công an đẩy mạnh triển khai Đề án 06, kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về dân cư phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Bộ cũng hỗ trợ Bộ Công thương giám sát trực tuyến số liệu gần 40 nghìn doanh nghiệp xăng dầu.
Triển khai Hệ thống giám sát dữ liệu trực tuyến, kết nối giữa cơ quan quản lý với hệ thống của đối tượng quản lý nhằm giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác, kịp thời mức độ, hiệu quả của chuyển đổi số để có các giải pháp thúc đẩy kịp thời: Hiện nay, đã có 62 tỉnh, thành phố và 27 bộ, ngành thực hiện tích hợp Hệ thống EMC, chỉ còn 02 bộ, 01 địa phương chưa thực hiện kết nối đầy đủ để phục vụ công tác giám sát, đo lường.
100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; 05/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 32/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số năm 2022.
Đến thời điểm nay cả nước có 41/63 tỉnh, thành phố đã triển khai với 36.300 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 200.000 thành viên tham gia, triển khai đến tận thôn, xóm tại các địa phương (Đến hết tháng 06/2022: 39 tỉnh, thành phố đã triển khai, tổng số Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập là 33.286; tổng số người tham gia là: 164.272)
Lĩnh vực An toàn thông tin mạng, doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 đạt 1.418 tỷ đồng, tăng48,8% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực Kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số trong GDP quý II/2022 tăng trưởng 0,81% so với năm 2021.
Ngày 02/3/2022, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 392/QĐ-BTTTT về Phê duyệt Kế hoạch phát triển Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số. Đến nay, đã có 35 UBND tỉnh/thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai. CSDL địa chỉ số tính đến nay: 24 triệu địa chỉ số (gồm địa chỉ của hộ gia đình, cơ quan, tổ chức).
Lĩnh vực công nghiệp CNTT, doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 72,5 tỷ USD tăng trưởng 17,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử ước đạt 57 tỷ USD tăng 16,4% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 67.300 tăng 3422 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ xấp xỉ khoảng 0,69 doanh nghiệp/1000 dân ( bằng 98% kế hoạch năm là 0,7 doanh nghiệp/1000 dân). Tỷ lệ Giá trị Make in Việt Nam trong cơ cấu doanh thu công nghiệp CNTT đạt 26,72% với giá trị ước đạt khoảng 19,4 tỷ USD.
Báo chí, truyền thông tiếp tục giữ vai trò là lĩnh vực tư tưởng văn hóa của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, thực hiện thành công chuyển đổi số; xuất bản nhiều sách hay, giá trị, đúng định hướng, có sức lan tỏa, tác động tích cực vào nhận thức xã hội, tạo lập sức mạnh quốc gia.
Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước 6 tháng đầu năm ước đạt 370 tỷ đồng, tăng16% so với cùng kỳ 2021 (317 tỷ đồng). Doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền xuyên biên giới vào Việt Nam 6 tháng đầu năm ước đạt 2.610 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ 2021 (1.859 tỷ đồng).
Định hướng lớn của Ngành trong 6 tháng cuối năm
Trong lĩnh vực bưu chính, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật Bưu chính năm 2010; Triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Bưu chính; Ban hành kế hoạch phối hợp với Bộ Công an trong công tác quản lý trước và sau gia nhập thị trường bưu chính của các doanh nghiệp; Phê duyệt kịch bản bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính trong các tình huống khẩn cấp; Báo cáo thống kê trực tuyến kết nối doanh nghiệp bưu chính.
Lĩnh vực Viễn thông, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện (tháng 8/2022). Trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV; Hoàn thiện hồ sơ xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với Luật Viễn thông (sửa đổi); Trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 25 (tháng 9/2022); Phủ sóng di động tại các thôn/bản lõm sóng nằm trong Chương trình Viễn thông công ích giai đoạn đến 2025; Xây dựng Quyết định của Thủ tướng về băng tần đấu giá.
Hội nghị được tổ chưc trực tuyến tới 66 điểm cầu trên cả nước
Lĩnh vực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số: Tập huấn 10.000 cán bộ chuyển đổi số trên toàn quốc; Triển khai các hoạt động của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số; Thúc đẩy đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số; Theo dõi, đôn đốc, thúc đẩy, hỗ trợ và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương duy trì cung cấp trực tuyến mức độ 4 với các thủ tục hành chính đủ điều kiện và thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến để đạt được mục tiêu nêu tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 (80% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ trực tuyến, 50% hồ sơ được xử lý trực tuyến); Hoàn thiện và công bố kết quả đánh giá xếp hạng chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh và của quốc gia năm 2022; Tiếp tục đôn đốc các tỉnh, thành phố triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng, tổ chức các hoạt động đưa Tổ công nghệ số cộng động vào các hoạt động thiết thực; Hoàn thiện Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (OneTouch), tổ chức phổ biến, sử dụng phục vụ bồi dưỡng về chuyển đổi số; Tiếp tục tổ chức triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua NDXP, trong đó tập trung: hỗ trợ 30/30 địa phương hoàn thành kết nối giữa Hệ thống thông tin đất đai của địa phương với Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công của địa phương, Cổng trao đổi thông tin liên thông thuế của Tổng Cục quản lý đất đai; triển khai kết nối các bộ, ngành, địa phương với CSDL quốc gia về dân cư phục vụ triển khai Đề án 06.
Lĩnh vực an toàn thông tin mạng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh hoạt động ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng Việt Nam; Kiểm tra mức độ tuân thủ an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức; Triển khai Chiến dịch bóc gỡ mã độc toàn quốc năm 2022; Tổ chức 02 cuộc diễn tập thực chiến và phối hợp tổ chức 02 cuộc diễn tập quốc tế.
Lĩnh vực kinh tế số, hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 7/2022; Báo cáo các Ủy ban của Quốc hội, hoàn thiện Dự án Luật, trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp tháng 10/2022. Chương trình nền tảng số quốc gia: Rà soát, đánh giá, thúc đẩy triển khai các nền tảng số, đặc biệt là các nền tảng số phục vụ người dân để có kết quả đột phá trong 6 tháng cuối năm 2022; Chương trình SMEdx: Đến hết 2022, dự kiến có tối thiểu 250.000 doanh nghiệp được tiếp cận Chương trình, cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Tối thiểu 50.000 doanh nghiệp/năm được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số doanh nghiệp; Bộ chỉ đạo VNPost hoàn thiện phần mềm cập nhật cơ sở dữ liệu địa chỉ số (app, web) và đào tạo, hướng dẫn các địa phương (tổ công nghệ số cộng đồng) để triển khai việc thu thập, cập nhật dữ liệu địa chỉ số và thực hiện thông báo, gắn biển địa chỉ số đến từng hộ gia đình, cơ quan, tổ chức.
Lĩnh vực Công nghiệp CNTT: Hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số để bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và tổ chức triển khai sau khi Chiến lược được ban hành; công nhận khu CNTT tập trung cho Khu phần mềm FPT và mở rộng CNTT tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng; thành lập một số khu CNTT tập trung mới (Bắc Ninh và Yên Bình); Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp CNTT, điện tử - viễn thông, tập trung vào phát triển doanh nghiệp công nghệ số tại địa phương: hỗ trợ về chính sách, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm, thông tin số liệu trong CSDL doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam; Tổ chức Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số năm 2022 và Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2022; Đo lường phần sản xuất Việt Nam và tăng tỷ lệ sản xuất tại Việt Nam phát triển thiết bị và mạng 5G; xây dựng và thực thi Chương trình sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, thương hiệu Việt; Xây dựng và phát hành Sách trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2023; Xây dựng, công bố và phát hành Báo cáo Việt Nam ICT Index năm 2023.
Về Báo chí truyền thông, tiếp tục thực hiện Kế hoạch chấn chỉnh, xử lý tình trạng “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử, mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí; Ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hoá” tạp chí, “báo hoá” trang thông tin điện tử, mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí; Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP; Xây dựng Chiến lược phát triển game online giai đoạn 2022-2027; Tiếp tục đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật; Tổ chức Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ 5 và sơ kết 05 năm thực hiện Đề án Giải thưởng sách Quốc gia; Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược truyền thông hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh:Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Là năm đầu thực hiện các chiến lược mới: Hạ tầng số, Dữ liệu, Bưu chính, An toàn thông tin mạng, Công nghiệp công nghệ số, Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, Chuyển đổi số báo chí.
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc Bộ quyết tâm thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ để đạt và vượt Kế hoạch Bộ trưởng giao từ đầu năm đến các đơn vị thuộc Bộ, xứng đáng với truyền thống “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình” và phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Cục báo chí, Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái cùng đại diện một số doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp nhỏ và vừa trình bày tham luận về các chủ đề: Chấn chỉnh tình trạng báo hóa tạp chí; Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số tỉnh Yên Bái; Vai trò của các doanh nghiệp TT&TT trong phục hồi kinh tế sau đại dịch; Tài nguyên Internet cho sự phát triển an toàn, bền vững Internet Việt Nam; Hệ sinh thái xác thực không mật khẩu Make in Việt Nam và Kinh nghiệm của VMO tại thị trường nước ngoài.