Dự họp báo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT, như: Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Công nghiệp ICT, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Vụ Pháp chế, Vụ Bưu chính, Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Trung tâm Thông tin, đại diện A03 Bộ Công An và trên 50 nhà báo, phóng viên đại diện cho các cơ quan thông tấn, báo chí.
Mở đầu buổi họp báo, Bộ TT&TT đã công bố việc tổ chức Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V với chủ đề “Doanh nghiệp công nghệ số - Phổ cập công nghệ số vào cuộc sống” do Bộ TT&TT tổ chức, sẽ diễn ra vào ngày 11/12/2023, tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Đồng thời tại buổi họp báo, Bộ TT&TT đã cung cấp tới các cơ quan báo chí những thông tin nổi bật về hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT trong tháng 11/2023 với nhiều con số đáng chú ý, như: Doanh thu toàn ngành ước đạt 358.291 tỷ đồng, tương đương với tháng trước, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 11/2023 ước đạt 3.360.217 tỷ đồng.Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 8.311 tỷ đồng, tăng 1% so với tháng trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 11/2023 ước đạt 87.170 tỷ đồng.
Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Trong tháng 11/2023, Bộ TT&TT đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 1487/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh sách đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ TT&TT; Trình phê duyệt Đề án phát triển kinh tế số vùng Tây Nguyên đến năm 2030 (Tờ trình số 71/TTr-BTTTT ngày 24/11/2023); Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị của về tuân thủ quy định pháp luật và tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ (Tờ trình số 70/TTr-BTTTT ngày 24/11/2023) và Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (Tờ trình số 68/TTr-BTTTT ngày 17/11/2023).
Đồng thời, Bộ TT&TT đã ban hành 5 Thông tư, 6 Quyết định liên quan đến các lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, nền tảng số quốc gia và công nhận 5 Nền tảng số tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia. Đáng chú ý có Quyết định số 2294/QĐ-BTTTT ngày 21/11/2023 Quyết định sửa đổi, bổ sung Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tại Quyết định số 186/QĐ-BTTTT ngày 11/02/2022.
Luật Viễn thông (sửa đổi) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua với nhiều điểm mới
Chia sẻ tại họp báo, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, ngày 24/11 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 94,74%. Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm: 10 chương, 73 điều, có hiệu lực từ 01/7/2024; quy định về quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu (IDC), điện toán đám mây (cloud), dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông) có hiệu lực từ 01/01/2025. Luật (sửa đổi) có một số điểm mới so với Luật hiện hành, cụ thể như sau:
Về quản lý, phát triển “hạ tầng số” : “Hạ tầng số” lần đầu tiên được đề cập trong văn bản cấp luật (Điều 4). Luật bổ sung điều chỉnh thêm một số cấu phần chính của “hạ tầng số” bao gồm: trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây. Dịch vụ IDC/cloud là dịch vụ viễn thông, quản lý theo pháp luật viễn thông và được quản lý theo hướng “quản lý nhẹ”, mở, linh hoạt, hướng đến bảo vệ quyền lợi người sử dụng, bảo đảm an toàn, an ninh.
Về quản lý dịch vụ OTT viễn thông theo pháp luật viễn thông, theo hướng “quản lý nhẹ” hướng đến bảo vệ quyền lợi người sử dụng (OTT phải công bố chất lượng, bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân); bảo đảm an toàn, an ninh (OTT phải cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước khi được yêu cầu).
Về phát triển hạ tầng viễn thông: Luật bổ sung quy định công trình viễn thông được xây dựng, lắp đặt trên tài sản công; Tăng cường sử dụng chung hạ tầng liên ngành như: chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật (giao thông, xây dựng,...) phải thông báo để các doanh nghiệp viễn thông đăng ký sử dụng chung; Quy định trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng nhà chung cư, công trình công cộng, khu chức năng,... trong việc thiết kế, xây dựng, bố trí mặt bằng để xây dựng, lắp đặt hạ tầng viễn thông; Bổ sung trách nhiệm của UBND các cấp, Bộ ngành liên quan xử lý hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp cơ sở hạ tầng viễn thông.
Về xử lý “rác viễn thông”: Luật bổ sung nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, lưu giữ, quản lý thông tin thuê bao; xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác; ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; Bổ sung nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký; và Bổ sung hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm gửi, truyền, nhận thông tin qua mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Về quản lý thị trường, thúc đẩy phát triển viễn thông : Luật quy định quản lý hoạt động bán buôn trong viễn thông để thúc đẩy cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế; Bổ sung quy định về quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông của các tổ chức nước ngoài theo hình thức qua biên giới; Hoàn thiện quy định sử dụng tài khoản SIM thuê bao di động để thanh toán cho dịch vụ viễn thông và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động hợp pháp; Bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ mới, mô hình mới trong hoạt động viễn thông.
Ngoài ra, Luật còn có các quy định về Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích, về đấu giá kho số viễn thông, tài nguyên Internet, về cải cách thủ tục hành chính.
Trả lời câu hỏi về lộ trình chi tiết và các phương án hỗ trợ thực hiện tắt sóng 2G, đại diện Cục Viễn thông cho biết, lộ trình dừng công nghệ 2G đang được các doanh nghiệp viễn thông xây dựng, triển khai trên cơ sở định hướng về dừng công nghệ cũ tại Công văn số 4833/BTTTT-CVT ngày 27/9/2022 về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G và Thông báo số 3095/BTTTT-CTS ngày 31/7/2023 thông báo quy hoạch các băng tần 900/1800/2100MHz. Theo đó, dự kiến đến tháng 9/2024, không còn thuê bao 2G Only trên mạng di động; từ 9/2024 đến 9/2026, hệ thống 2G được duy trì cho cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin cho các thuê bao sử dụng máy 3G, 4G Non-VoLTE. Đồng thời, Bộ cũng ban hành các chính sách, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ chuyển đổi các thuê bao từ 2G sang 4G.
Đối với vấn đề cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, từ nay đến cuối năm, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, để giải quyết vấn đề này, cần tiếp tục tăng truyền thông tới người sử dụng nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của người sử dụng.
Đối với các doanh nghiệp, nhà mạng cần phải rà soát lại hệ thống, cơ sở dữ liệu, tăng cường giám sát các thuê bao mới vào mạng, những thuê bao một giấy tờ sở hữu nhiều SIM….
Đối với người dùng, Cục Viễn thông đề xuất khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi bất thường, cần thông tin tới Tổng đài 156 để giúp cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đưa ra giải pháp chặn lọc, góp phần ngăn chặn tối đa tình trạng phát tán cuộc gọi rác trên không gian mạng.
Tiếp tục đấu tranh yêu cầu TikTok thực hiện nghiêm nội dung Bộ TT&TT yêu cầu
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Cục đã làm việc với TikTok Việt Nam và TikTok Singapore để thực hiện các yêu cầu của Bộ TT&TT và các bộ ngành liên quan về các nội dung vi phạm theo kết luận kiểm tra.
Theo kết quả kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã yêu cầu TikTok thực hiện 9 nội dung. Trong văn bản phản hồi, TikTok đã cam kết thực hiện 4 nội dung từ ngày 26/10/2023. Trong thời gian qua, TikTok đã phối hợp với Bộ TT&TT triển khai một số chương trình truyền thông, nâng cao văn hoá ứng xử trên mạng, phát động chiến dịch khuyến khích nhà sáng tạo nội dung tham gia quảng bá chiến dịch chống lại tin giả. Ngoài ra, có 3 nội dung TikTok đang triển khai, trao đổi với Bộ TT&TT sao cho thực hiện được hiệu quả, khả thi như ngăn chặn nội dung vi phạm pháp luật, nâng cấp công cụ rà soát hiệu quả hơn, cải thiện hệ thống kiểm duyệt nội dung, đặc biệt là hoạt động livestream.
Trong quá trình triển khai, Cục đã yêu cầu xử lý 100% các nội dung vi phạm. TikTok hiện đã xử lý theo yêu cầu của Bộ TT&TT đạt khoảng 94 - 95%. Đối với hiện tượng mua bán livestream cờ bạc đã xuất hiện trên TikTok để lôi kéo người dân với các lời mời chào khi mới tham gia thưởng lớn, đại diện Cục PTTH-TTĐT cho biết đây là những nội dung vi phạm pháp luật. Khi Cục phát hiện, đều yêu cầu Tiktok, các nền tảng mạng xã hội khác thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ các dịch vụ này. Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ chuyển cơ quan điều tra.
Trong thời gian qua, Cục đã yêu cầu TikTok và Facebook xử lý nhiều hội nhóm cung cấp các dịch vụ, nội dung khuyến khích hành vi vi phạm pháp luật như vi phạm luật giao thông, trốn nợ ngân hàng… Trong năm 2023, Cục đã yêu cầu Facebook gỡ bỏ 107 hội nhóm vi phạm như vậy.
Cục PTTH-TTĐT cũng kêu gọi các cơ quan báo chí chung tay, phát huy vai trò phát hiện các trường hợp vi phạm, gửi thông tin đến đơn vị chức năng liên quan để nắm bắt, xử lý nhanh, kịp thời.
Đối với việc bán hàng giả, hàng nhái trên TikTok, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, môi trường mạng cũng như trên môi trường thực, việc quản lý các nội dung không chỉ do Bộ TT&TT thực hiện mà các Bộ ngành đều phải cùng có trách nhiệm theo ngành, lĩnh vực, địa bàn.
91% phản ánh của người dùng liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính
Chia sẻ tại họp báo, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, theo thống kê của Cục, trong 11 tháng đầu năm 2023 đã nhận được khoảng 16 nghìn phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam gửi đến qua các hệ thống cảnh báo, trong đó hơn 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.
Cục đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức an toàn thông tin cho người dân như: Xây dựng và phát hành các bộ Cẩm nang về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, Cẩm nang An toàn trực tuyến giúp bảo vệ mọi đối tượng người dân trên không gian mạng; Thực hiện các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dân; Triển khai xây dựng chuỗi series Điểm tin tuần với các thông tin về tình hình lừa đảo trực tuyến nổi bật để đưa ra cảnh báo cũng như các khuyến cáo kịp thời giúp người dân tự bảo vệ mình trên môi trường mạng; Xây dựng, phát triển kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia (khonggianmang.vn) trên các nền tảng mạng xã hội để đưa thông tin, tuyên truyền về các vấn đề an toàn thông tin, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến.
Đối với câu hỏi về việc gần đây tại nhiều địa phương xảy ra hiện tượng bảng điện tử LED xuất hiện chữ lạ, bị thay đổi nội dung, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, các bảng điện tử LED bị thay đổi nội dung thường là các bảng LED cũ hoặc không rõ xuất xứ nguồn gốc. Các bảng LED này có chung đặc điểm là cho phép quản lý thông qua WIFI và thường sử dụng các mật khẩu mặc định dễ đoán. Ngoài ra, hiện có rất nhiều ứng dụng trên điện thoại cho phép chỉnh sửa nội dung bảng điện tử LED ngay trên thiết bị di động, phổ biến nhất là “Led Art”. Chỉ cần kết nối vào WIFI của bảng LED sau đó truy cập vào ứng dụng là có thể chỉnh sửa được nội dung trên bảng điện tử LED. Ngoài ra trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook,… cũng được chia sẻ rộng rãi cách thức thực hiện. Các bạn trẻ coi đây là chiến tích để khoe khoang dẫn đến nhiều bạn học và làm theo gây ra tình trạng nhiều nơi trên cả nước xuất hiện hành vi này.
Đối với vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chỉ đạo Cục An toàn thông tin cần phối hợp với Cục PTTH-TTĐT có công văn gửi các bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp. Quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trong thang máy là lĩnh vực quản lý của một số bộ, ngành khác, khi có những thông tin tiếp theo về vấn đề này, Bộ sẽ cung cấp thông tin thêm cho các cơ quan báo chí truyền thông.
Nền tảng số quốc gia là hạ tầng mềm của không gian số
Trả lời câu hỏi của phóng viên về các nền tảng số quốc gia, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số cho biết, tại Quyết định số 186/QĐ-BTTTT, Bộ TT&TT đã công bố danh mục 35 nền tảng số quốc gia ưu tiên tập trung phát triển lần thứ nhất. Nền tảng số được coi là ‘hạ tầng mềm’ của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng trên cơ sở phân loại, thấu hiểu nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực. Danh mục lần thứ nhất này phù hợp với thực trạng tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam tại thời điểm đầu năm 2022 khi đại dịch COVID đang bùng phát. Ngay tại Quyết định số 186/QĐ-BTTTT này và Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT cũng xác định và được giao nhiệm vụ định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung Danh mục các nền tảng số quốc gia phù hợp với tình hình thực tế.
Ngày 21/11/2023, Bộ đã ban hành Quyết định 2294/QĐ-BTTTT sửa đổi Quyết định 186, theo đó bổ sung thêm 4 nền tảng số mới gồm: thuế điện tử, bảo hiểm xã hội số, cảng biển số và cửa khẩu số. Bộ đã phối hợp cùng các cơ quan chủ quản là Bộ Tài chính, Giao thông Vận tải, Quốc phòng và Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát, đánh giá đây là 04 nền tảng có tiềm năng trở thành nền tảng số quốc gia cần được ưu tiên tập trung phát triển trong giai đoạn hiện nay. Qua công tác quản lý, theo dõi, 04 nền tảng số này hiện cũng đã được nhiều địa phương, doanh nghiệp và người dân tin tưởng triển khai sử dụng./.