Ngày 18/3/2010, tại 18 Nguyễn Du – Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức buổi hội thảo về Đề án số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020. Thứ trưởng Thường trực Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đã chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT, các doanh nghiệp điện tử: Công ty điện tử Hà Nội (Hanel), Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC), LG Electronics, Công ty Cổ phần điện tử Tân Bình (Viettronics Tân Bình)…
Mục tiêu của Đề án là nhằm chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình từ công nghệ tương tự sang công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, đa dạng hoá các loại hình dịch vụ và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên tần số. Mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh của Đảng và Nhà nước, đảm bảo cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, phù hợp với thu nhập và nhu cầu của người dân. Phát triển hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất đồng bộ, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ. Hình thành và phát triển thị trường truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất nhằm thu hút các nguồn lực để phát triển hạ tầng kỹ thuật truyền hình, phục vụ phát triển kinh tế xã hội… Trên cơ sở đó, đến năm 2015 đảm bảo có 80% và tới năm 2020 có 100% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.
Về lộ trình số hoá, theo kế hoạch dự kiến thực hiện số hóa từ năm 2011 đến 2020. Trước ngày 31/12/2020, Đài truyền hình Việt Nam, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC và các Đài truyền hình địa phương tại các tỉnh chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng truyền hình số. Các giải pháp triển khai dựa trên các nhóm về thông tin, truyền thông, về thị trường dịch vụ, về công nghệ và tiêu chuẩn…
Tham dự hội thảo, đại diện các Công ty điện tử đã nêu các vấn đề trọng tâm trong việc thực hiện lộ trình như việc tự sản xuất các thiết bị đầu thu, máy thu truyền hình số, máy phát trong nước hay nhập khẩu. Nếu sản xuất trong nước thì cần có chính sách ưu đãi tối đa để có thể cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ của nước ngoài. Đồng thời, các đại biểu cũng nhất trí với đề xuất đưa các thiết bị về chương trình phát triển công nghệ cao để hưởng chế độ ưu đãi cao nhất về thuế sản xuất và thuế nhập khẩu các thiết bị, có chương trình quảng cáo khi sản phẩm mới ra đời…
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đồng tình với các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp về chính sách hỗ trợ kinh phí từ ngân sách hay quỹ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam về nghiên cứu phát triển công nghệ mới. Thứ trưởng cũng cho rằng, Đề án nhằm hướng tới lợi ích chung của xã hội nên cần có sự chuẩn bị đầy đủ chu đáo. Sự cần thiết ở Đề án không phải chỉ ở vấn đề công nghệ, kỹ thuật hay băng tần mà còn hướng tới những vấn đề của xã hội, yếu tố quản lý nhằm quản lý tốt hơn các chương trình phát thanh, truyền hình. Nên chú tâm nghiên cứu các luật chuyên ngành, luật chuyển giao công nghệ, luật viễn thông và công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghiệp công nghệ thông tin. Cần hướng tới đảm bảo mục tiêu số hoá và đảm bảo mục tiêu công nghiệp để tự thúc đẩy sản xuất công nghiệp các thiết bị nghe nhìn.