Thời gian qua, tình hình an toàn thông tin trên thế giới và ở Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, cuối năm 2014 bùng phát trở lại hiện tượng phát tán thư rác, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, phát tán phần mềm độc hại và giả mạo thư điện tử để phát tán thông tin độc hại.
Những giải pháp nhằm tăng cường bảo đảm an toàn thông tin trong thời gian tới, hay trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thông tin sẽ là những vấn đề được đặt ra trong chuyên mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tuần này. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son sẽ trực tiếp trả lời những thắc mắc của người dân.
* PV: Thưa Bộ trưởng, chuyên mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" đã nhận được một số bức thư. Trong đó có một bức thư của một thính giả cao tuổi gửi tới cho biết: Thời gian gần đây, tình hình phát tán thông tin giả mạo và thông tin độc hại vi phạm pháp luật diễn biến khá phức tạp và công khai. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng này và tại sao các sự việc này lại xảy ra công khai như vậy?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Bên cạnh những mặt rất tích cực của Internet thì hiện nay những lực lượng phát tán thông tin sai trái để thu lợi bất chính, rồi các thế lực thù địch dùng môi trường của internet để chống phá chúng ta. Nhất là khi đất nước có những sự kiện quan trọng diễn ra hàng năm.
Ví dụ như trong năm nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, chúng ta đang triển khai thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ chính trị để triển khai Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang dấy lên nhiều phong trào phát triển kinh tế - xã hội, thi đua lập nhiều thành tích để chào mừng 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9.
Đó là những sự kiện chính trị rất quan trọng diễn ra trong đời sống xã hội hiện nay. Gần như thành thông lệ, khi đất nước diễn ra những sự kiện quan trọng như vậy thì các thế lực thù địch cũng tăng cường, gia tăng phát tán các thông tin sai trái để nói xấu chế độ củachúng ta. Tuy nhiên, như chúng ta đã từng chứng kiến lực lượng công an đã xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trật tự, an ninh và an toàn xã hội.
* PV: Thưa Bộ trưởng, còn một thính giả có bày tỏ sự băn khoăn là, các trang mạng phát tán thông tin độc hại này trên thực tế vẫn thu hút được một số lượng người đọc nhất định. Điều này rõ ràng đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội. Vậy với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về truyền thông và thông tin, Bộ trưởng cho biết chúng ta có giải pháp gì để đối phó với tình trạng này?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam nói chung và với Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng. Đương nhiên chúng ta phải tìm cách để quản lý, hạn chế thấp nhất thiệt hại trên môi trường mạng. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng nhiều văn bản pháp quy phạm pháp luật, nhất là đã ban hành Nghị định 72 năm 2013 để quản lý dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành Thông tư 09/2014 để quy rõ quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của những người cung cấp thông tin trên mạng cũng như sử dụng thông tin trên mạng để làm sao ngăn chặn và nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân, của tổ chức xã hội khi cung cấp các dịch vụ thông tin trên mạng và sử dụng các thông tin trên mạng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Gần đây nhất, Chính phủ đề nghị và đã được Quốc hội chấp nhận năm 2015 này, trong chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thì Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Dự án Luật An toàn thông tin. Đây là một Dự án Luật rất quan trọng góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý trên môi trường mạng góp phần bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của những người tham gia hoạt động trên môi trường mạng; bảo đảm an toàn, ngăn chặn những hành vi gây mất an toàn an ninh trên môi trường mạng.
* PV: Nhiều người dân quan tâm đến vấn đề tin nhắn rác có hỏi: Vào giai đoạn cao điểm Tết Ất Mùi vừa qua, tình trạng tin nhắn rác có giảm đi sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc “mạnh tay”. Thế nhưng tới thời điểm hiện tại thì dường như hiện tượng này đang quay trở lại và phát tán khá mạnh mẽ. Vậy Bộ Thông tin Truyền thông đang có giải pháp gì mạnh tay hơn bên cạnh những văn bản quy phạm pháp luật chúng ta đã có, để thực sự chấn chỉnh được hiện tượng này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan thanh tra của Bộ cũng như thanh tra của các Sở, ngành và các cơ quan chức năng khác để tiếp tục thanh tra giám sát hơn nữa và nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội nói chung và trực tiếp là các nhà mạng để ngăn chặn tin rác, ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp một cách kịp thời.
Tôi cho rằng, tất cả các bài toán khó đều có lời giải, cốt là chúng ta đồng lòng cùng tiến hành và vì là lợi ích chung của xã hội thì sẽ sớm có lời giải. Với tinh thần này, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý dịch vụ tin nhắn OTT. Đây là một dịch vụ phát triển mới đem lại nhiều tiện ích nhưng cũng rất khó quản lý.
Chính vì vậy, để đảm bảo sự bình đẳng trên môi trường mạng và các nhà dịch vụ OTT cũng phải chia sẻ doanh thu của mình với các nhà mạng đang cung cấp dịch vụ hạ tầng cho mình và đồng thời Nhà nước cũng có điều kiện để quản lý hoạt động này, đảm bảo sự bình yên, bảo đảm an toàn trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nghiên cứu các giải pháp, thay vì trước đây các nhà dịch vụ viễn thông cung cấp các đầu số cho các nhà dịch vụ nội dung thì bây giờ Bộ sẽ thu hồi về để trực tiếp xem xét cung cấp cho các nhà dịch vụ nội dung các đầu số này. Và có một Thông tư để ký kết hợp đồng hợp tác giữa các nhà mạng và các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số.
Ví dụ như nhà cung cấp dịch vụ nội dung số dùng sim nào, số nào để nhắn tin quảng cáo thì anh phải thông báo với nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động. Nếu như dùng sim khác, những sim không khai báo hoặc những đầu số không thông báo với họ thì họ không cung cấp dịch vụ.
* PV: Một người dân cho biết, trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ thì các loại thông tin xấu và độc hại vẫn hàng ngày, hàng giờ thậm chí là từng phút được cập nhật lan truyền trên mạng Internet. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của lực lượng báo chí nước Nhà trong cuộc đấu tranh với việc ngăn chặn những thông tin sai trái độc hại này?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Báo chí chúng ta cũng là những người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng, đấu tranh có hiệu quả trong việc ngăn chặn những thông tin sai trái, độc hại. Tiêu biểu trong thời gian vừa qua chúng ta thấy báo nhiều cơ quan báo, đài không chỉ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân nhưng đồng thời cũng là vũ khí sắc bén để đấu tranh có hiệu quả với các tư tưởng sai trái đang tồn tại trên không gian thực, xã hội thực cũng như là xã hội ảo trên môi trường mạng.
Vừa qua, ngoài các báo chí truyền thống thì một số tờ báo, một số nhà báo cũng đã tham gia hoạt động trên môi trường mạng rất tích cực. Như ở Trung Quốc người ta nói đây là những dư luận viên trên mạng thì các nhà báo của chúng ta đã tham gia tích cực trên môi trường mạng, cũng tham gia Facebook, cũng tham gia những trang mạng xã hội.
Như vậy, trên môi trường ảo này thì báo chí với bản lĩnh của những người làm báo trên môi trường thực cũng như môi trường ảo sẽ luôn phát huy được vai trò của mình để làm tốt chức năng tuyên truyền đường lối của Đảng, Nhà nước trên môi trường mạng và cũng là những người lính trực tiếp va đập với những thông tin sai trái. Với bản lĩnh cùng những bài viết sắc bén để đấu tranh bảo vệ thuần phong mỹ tục, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, đấu tranh với những luận điệu sai trái trên môi trường mạng góp phần bảo vệ sự bình yên của nhân dân, an ninh của đất nước.
Tôi tin tưởng rằng, các nhà báo của chúng ta trong mọi hoàn cảnh luôn là những người lính xung kích đi đầu để hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền. Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày 21/4 kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam và cũng chỉ một thời gian ngắn nữa là chúng ta tiến tới kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhân dịp này cho phép tôi thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông gửi đến các nhà báo lão thành, tất cả các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, toàn thế các nhà báo trong hệ thống báo chí của nước nhà lời cảm ơn và lời chúc mừng, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc.
Chúc nền Báo chí cách mạng Việt Nam của chúng ta sẽ không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội Chủ nghĩa trong thời kỳ mới./.
* PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng./.