Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, tỉnh đã phê duyệt khung đề án “An Giang điện tử”, nhằm tập trung củng cố nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử. Khung đề án này là cơ sở để thực hiện chuyển đổi số trong chính quyền An Giang.
Đoàn công tác Bộ TT&TT làm việc với tỉnh An Giang sáng 26/6. |
Bên cạnh đó, Sở TT&TT đã đề xuất UBND tỉnh chương trình chuyển đổi số của tỉnh là chương trình trọng điểm ngành TT&TT thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần XI nhiệm kỳ 2020-2025.
Ngoài ra, tỉnh đã thành lập đội ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng. Hoàn thành sắp xếp các cơ quan báo chí theo đúng quy hoạch của trung ương…
Để triển khai mạnh, nhanh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số trên địa bàn, người đứng đầu UBND tỉnh An Giang mong muốn được Bộ TT&TT hỗ trợ thành lập khu công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp điện tử, viễn thông, CNTT, hợp tác, đầu tư tại địa phương.
Tỉnh cũng đề nghị Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam hỗ trợ xây dựng 23 điểm bưu điện văn hoá xã; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị các bưu cục; hỗ trợ đầu tư khu logistic tại TP Long Xuyên.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nêu các kiến nghị với Bộ TT&TT |
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, Bộ đang đẩy nhanh về khu công nghệ tập trung. Hiện trên toàn quốc có 5 khu. Bộ trưởng đề nghị An Giang nhanh chóng lập quy hoạch xây dựng đề án trong năm nay.
Về 23 điểm bưu điện văn hoá xã, đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, cái khó lớn nhất là chưa có đất để xây dựng.
Đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khẳng định, chỉ cần khoảng 150m2 đất và chỉ mất khoảng 6 tháng là xây dựng xong.
Tham gia cùng đoàn công tác Bộ TT&TT, đại diện các doanh nghiệp cũng đã có những đề xuất hợp tác với tỉnh An Giang.
Ông Dương Dũng Triều, đại diện công ty cổ phần hệ thống thông tin FPT đề xuất: An Giang nên đẩy mạnh triển khai các ứng dụng chính quyền điện tử bao gồm: ứng dụng quản lý chuyên ngành trong chính quyền điện tử và trục tích hợp LGSP của tỉnh. Đơn vị này cũng muốn hỗ trợ An Giang trong vấn đề y tế thông minh, công nghệ thông minh.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn viễn thông Viettel Nguyễn Đình Chiến cho biết, đơn vị đã triển khai thử nghiệm quản lý bảo mật tập trung (SOC) cho 2 Sở và 3 huyện của An Giang.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, đơn vị có nhiều kinh nghiệm về khu công nghệ thông tin tập trung nên mong muốn được hợp tác với An Giang ở lĩnh vực này.
Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty viễn thông MobiFne cho biết, hệ thống đường truyền thanh thông minh đã được đơn vị triển khai thử nghiệm ở một số địa phương trong tỉnh An Giang.
Cục trưởng Cục an toàn thông tin Nguyễn Thành Phúc lưu ý, An Giang chi cho an toàn thông tin còn thấp, mới chỉ 4%; trong khi theo một chỉ thị của Chính phủ thì danh mục này cần đạt tối thiểu 10% trong tổng kinh phí triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân cho biết, tỉnh luôn trăn trở, suy nghĩ tìm ra hướng đi mới, động lực mới để phát triển kinh tế -xã hội tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân. |
"Hạ tầng giao thông hay các hạ tầng khác cần rất nhiều tiền, còn hạ tầng CNTT, viễn thông không tốn nhiều tiền". "Với sự quyết tâm cao của tỉnh và hỗ trợ của Bộ thì tỉnh tiếp cận sớm CNTT, nâng trình độ viễn thông của An Giang lên. Đây xem như là một lợi thế để thu hút phát triển kinh tế, xã hội…”, Bí thư Tỉnh uỷ An Giang nói.
Ý chí người đứng đầu quyết định sự thành bại
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cho biết, phát triển CNTT, công nghệ số có thể đi nhanh và vượt lên trên không quá khó, chủ yếu phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu.
Bộ trưởng đánh giá lợi thế lớn nhất của An Giang là thị trường. Nếu tỉnh sử dụng CNTT nhiều, kinh tế số, chuyển đổi số thì các ngành công nghiệp về CNTT sẽ phát triển. Các doanh nghiệp về công nghệ sẽ về tỉnh làm ăn và mang theo nhân lực, tiền đầu tư.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu |
Bộ trưởng đề nghị An Giang cần đưa ra các chính sách công nghệ mới, mô hình mới và mạnh mẽ tuyên truyền để người dân sử dụng công nghệ .Nếu An Giang gặp khó khăn về định hướng, chiến lược phát triển hay đề án, quy hoạch về CNTT, An Giang có thể “đẩy” lên Bộ TT&TT để nhờ hỗ trợ.
Bộ trưởng đề nghị An Giang coi lĩnh vực bưu chính là hạ tầng thiết yếu. Ngoài ra, nên phát triển các sàn giao dịch điện tử, nhất là các sàn đưa nông sản của tỉnh lên để người dân trong và ngoài tỉnh có thể mua bán dễ dàng.
UBND tỉnh An Giang và Bộ TT&TT đã ký kết biên bản ghi nhớ chương trình hành động trong lĩnh vực TT&TT giai đoạn 2020-2021 |
Về viễn thông, Bộ TT&TT đề nghị tỉnh An Giang nên lập kế hoạch phát triển hạ tầng công nghệ số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, để phát triển công dân số, chính phủ số, mỗi người dân phải có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình cần một đường truyền cáp quang. Tỉnh cần chỉ đạo các doanh nghiệp phủ sóng 5G ở tất cả khu công nghiệp, khu nghiên cứu, trường đại học…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong quý 3 năm nay, Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ An Giang ban hành chiến lược chuyển đổi số.
Chuyển đổi số không phải ở vấn đề công nghệ mà chủ yếu là thay đổi nhận thức. Phải chấp nhận các mô hình quản trị, chính sách, kinh doanh mới. An Giang cần đặt mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT để 100% dịch vụ công trực tuyến tại địa phương đạt cấp độ 4 vào cuối năm nay. Điều này làm được hay không "hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người đứng đầu tỉnh".
Về đô thị thông minh, Bộ trưởng TT&TT đề nghị ngoài làm tại hai thành phố thông minh là Long Xuyên và Châu Đốc, An Giang cần chọn làm xã, huyện thông minh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, hiện nay sứ mạng báo chí truyền thông phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội. Tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin, tạo khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và tạo ra sức mạnh tinh thần. Một dân tộc, một đất nước muốn bức phá vươn lên đều phải dựa vào sức mạnh tinh thân. Cho nên An Giang nên dành sự quan tâm cho báo chí, truyền thông.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất, lãnh đạo tỉnh cần giao thêm nhiều việc cho Sở TT&TT.
Về lĩnh vực TT&TT, An Giang nếu gặp khó khăn, Bộ luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Bộ TT&TT cũng mong muốn đóng góp các nội dung về chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong các báo cáo chính trị của tỉnh. Tỉnh nên có một nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số; lãnh đạo tỉnh ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động hàng ngày.