Toàn cảnh Hội nghị
Theo báo cáo tại Hội nghị, Bộ TT&TT sẽ kiểm tra 7 doanh nghiệp viễn thông di động trong tháng 04/2022 bao gồm: Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Mạng Viettel); Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam (Mạng Vinaphone); Tổng công ty Viễn thông MobiFone; Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnamobile; Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn cầu (Gmobile); Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom; Công ty cổ phần Mobicast.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long ghi nhận sự cố gắng của các doanh nghiệp viễn thông trong việc giảm thiểu tình trạng SIM rác, SIM sử dụng thông tin thuê bao không đúng quy định. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng lợi dụng sơ hở của thông tin thuê bao, lừa đảo vi phạm pháp luật vẫn là vấn đề nhức nhối gây nên nhiều hậu quả khôn lường ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân, gia đình và xã hội.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị các doanh nghiệp viễn thông phối hợp tốt với đoàn kiểm tra, chuẩn bị và cung cấp đầy đủ tài liệu, kĩ thuật cho quá trình kiểm tra, đồng thời phối hợp với đoàn xử lý triệt để khi phát hiện sai phạm; Thực hiện nghiêm túc Nghị định số 49/2017/NĐ-CP và triển khai các biện pháp theo thẩm quyền của doanh nghiệp để ngăn chặn tình trạng SIM rác.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại Hội nghị
Thông qua đợt kiểm tra này, Bộ TT&TT mong muốn các doanh nghiệp viễn thông nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc quản lý thông tin thuê bao di động, kiểm soát hiệu quả việc đăng ký thông tin thuê bao để đồng hành cùng Bộ TT&TT xử lý tận gốc mọi vấn đề tồn tại gây hệ lụy cho xã hội – Thứ trưởng nhận định.
Về phía Thanh tra Bộ, Thứ trưởng yêu cầu trong quá trình triển khai cần đảm bảo đúng nguyên tắc, công tâm, dân chủ, minh bạch; trao đổi thông tin rõ ràng để các đơn vị có ý kiến phản hồi và thống nhất. Khi có bất cứ khó khăn vướng mắc trong quá trình làm việc cần báo cáo ngay, để Lãnh đạo Bộ kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ. Đồng thời Đoàn cũng lưu ý tiếp thu các ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp liên quan đến chính sách để cập nhật, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.
Thành lập các đoàn kiểm tra riêng biệt kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao tại các doanh nghiệp viễn thông
Báo cáo tại Hội nghị, ông Bùi Hoàng Phương, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho biết: Ngày 31/03, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã ký ban hành Quyết định số 611/QĐ-BTTTT về việc kiểm tra hoạt động quản lý thông tin thuê bao, xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, SIM sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp viễn thông di động.
Đợt kiểm tra được triển khai trong tháng 04/2022 với thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định, Bộ TT&TT cũng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Công an, Bộ Công thương cùng phối hợp chỉ đạo đợt kiểm tra - Chánh Thanh tra Bộ cho biết.
Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương phát biểu tại Hội nghị
Mục đích của đợt kiểm tra là kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý thuê bao di động để hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật, phát huy những mặt mạnh, ưu điểm; qua đó chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý những sai sót, khuyết điểm của doanh nghiệp viễn thông từ đó đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; đồng thời phát hiện và đề xuất với cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi những quy định về quản lý thuê bao di động không còn phù hợp nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển.
Nội dung kiểm tra bao gồm: Kiểm tra SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định; kiểm tra SIM có thông tin thuê bao đã thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung tại nhiều đại lý, địa bàn khác nhau và kiểm tra đối với các SIM thuê bao thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thuê bao sử dụng quảng cáo, phát tán tin nhắn rác.
Tại Hội nghị, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương cho biết: Bộ TT&TT đã thành lập các tổ kiểm tra riêng biệt để làm việc với các doanh nghiệp. Trong quá trình kiểm tra đề nghị các doanh nghiệp cung cấp thông tin tài liệu chính xác và chuẩn bị văn bản gốc để đối chiếu, đồng thời mời các đại lí, điểm cung cấp dịch vụ làm việc trực tiếp hoặc trực tuyến với Đoàn trong trường hợp các đơn vị ở tỉnh xa. Trong quá trình làm việc, nếu có vướng mắc các doanh nghiệp có thể trao đổi lại với lãnh đạo hoặc thành viên trong Đoàn để cùng xử lý, tháo gỡ.