Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến giao ban QLNN 4 tháng đầu năm 2020
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ, trong 4 tháng đầu năm 2020, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 06 Đề án (gấp 02 lần so với cùng kỳ năm 2019); ban hành 10 Thông tư (cùng kỳ 2019 Bộ TTTT ban hành 01 Thông tư); ban hành 05 Chỉ thị (tăng 1,25 lần so với cùng kỳ 2019); đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành 09 đề án.
Lĩnh vực Ứng dụng CNTT: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước. Theo đó, Nghị định đã xác định vị trí quan trọng của dữ liệu số là nền tảng để phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Đặt nền tảng để nhà nước cung cấp dữ liệu mở làm cơ sở để thúc đẩy sự phát triển và sáng tạo của xã hội, cộng đồng.
Lĩnh vực Công nghiệp ICT: Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đây là lần đầu tiên đưa ra khái niệm để xác định 04 loại doanh nghiệp công nghệ số tham gia phát triển kinh tế đất nước trong giai đoạn mới. Chỉ thị đã đề ra những nhóm giải pháp cụ thể, đột phá có tính khả thi từ việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, nguồn vốn, nhân lực, phát triển thị trường, nghiên cứu phát triển, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nâng cao thương hiệu sản phẩm Make in Viet Nam. Đồng thời, Chỉ thị đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ để tập trung phát triển được 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam và các sản phẩm “Make in Viet Nam” nhằm giải quyết các bài toán của Việt Nam giúp Việt Nam trở thành một nước phát triển.
Đối với Chỉ thị số 16/CT-BTTTT ngày 25/3/2020 về phát động Cuộc vận động ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số. Chỉ thị được coi là lời hiệu triệu toàn bộ giới CNTT Việt Nam chung tay giải quyết các vấn đề của xã hội; đưa công nghệ vào mọi khía cạch của cuộc sống, đưa cuộc sống trở lại bình thường theo một cách khác.
Lĩnh vực Báo chí, truyền thông: Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quyết định phê duyệt Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc này hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam, bảo vệ, tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hạn chế các tác động tiêu cực của mạng xã hội. Đồng thời, áp dụng cho cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước; các tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội và các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.
Về việc xử lý đối với các kiến nghị trong 4 tháng đầu năm 2020: Trong 4 tháng đầu năm, Bộ TT&TT đã nhận được 8.788 kiến nghị từ các đối tượng quản lý (8.519 từ người dân, 169 từ doanh nghiệp, 100 đối tượng khác) trong toàn bộ 6 lĩnh vực của ngành, tăng 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2018. Các kiến nghị đã xử lý là 8.781 kiến nghị (đạt 99,92%); kiến nghị đang xử lý là 07 kiến nghị (còn 0,08%).
Cũng trong thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh trước những tác động của bệnh dịch, nhưng các doanh nghiệp trong Ngành TT&TT đã luôn thực hiện tốt yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh. Các doanh nghiệp bưu chính đã phát huy tinh thần xung kích trên tuyến đầu chống dịch, là cầu nối quan trọng giúp luân chuyển dòng chảy vật chất giữa mọi thành phần xã hội, trong mọi thời điểm. Đặc biệt là các doanh nghiệp chiếm thị phần lớn như: VNPost, Viettel Post đã có bước chuyển rất tích cực, nhanh chóng; không chỉ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn bảo đảm cho hàng vạn người lao động của doanh nghiệp mình ổn định công việc; thể hiện vai trò thiết yếu của bưu chính trước xã hội, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển kịp thời, chính xác.
Các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt, đảm bảo chất lượng dịch vụ Internet, đường truyền và đồng thời đã thể hiện trách nhiệm của mình đối với đất nước trong việc chấp nhận sụt giảm doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi tháng để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân, và toàn xã hội thông qua các chương trình: Miễn cước khi gọi đến các tổng đài hotline của Bộ Y tế, miễn cước data tốc độ cao khi truy cập đến Trang thông tin có liên quan của Bộ Y tế, triển khai nhiều gói cước miễn cước phí cho các đối tượng là các cán bộ y tế, các đội ngũ phục vụ công tác hậu cần, công an, quân đội tại khu vực cách ly tập trung... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ đã chung tay, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong mọi ngành nghề lĩnh vực, cụ thể: Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đã triển khai xây dựng: Ứng dụng Sức khỏe Việt Nam; Ứng dụng Vietnam Health Declaration; Trang web tokhaiyte.vn; Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với các Ban chỉ đạo địa phương; Công cụ đo giãn cách xã hội; Công cụ xác định lộ trình di chuyển của đối tượng nhiễm bệnh; Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Nền tảng học trực tuyến. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã triển khai xây dựng: Ứng dụng chuyển tờ khai giấy thành tờ khai điện tử tại cửa khẩu; Ứng dụng NCOVI để cập nhật thường xuyên tình hình sức khỏe; Hệ thống quản lý thông tin khai báo y tế; Nền tảng học trực tuyến. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã triển khai xây dựng: Hệ thống công nghệ để hỗ trợ hơn 6 triệu người dân nhận chi trả tại nhà lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, chi trả người có công và bảo trợ xã hội tại nhà; Nền tảng mã địa chỉ bưu chính Vpostcode.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp như Công ty Công nghệ DTT, Công ty Cổ phần công nghệ Chọn lọc thông tin InfoRe Memozone, Tập đoàn công nghệ BKAV, đã xây dựng: Website Thông tin chính thức về dịch của Bộ Y tế: ncov.moh.gov.vn; Ứng dụng Bluezone phục vụ hiệu quả cho công tác phòng chống dịch…
Đối với các cơ quan báo chí, truyền thông: Thời gian vừa qua, mỗi cơ quan báo chí, mỗi phóng viên, nhà báo đã thể hiện tinh thần xả thân, sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách, chấp nhận cả những rủi ro có thể bị lây nhiễm bệnh, vì lợi ích cộng đồng, dân tộc để cung cấp những nguồn thông tin chính xác, kịp thời, phục vụ cho toàn xã hội đóng góp vào công cuộc chống dịch bệnh của đất nước; được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao.
Ngoài ra, các mạng xã hội Việt Nam như: Zalo, Lotus, Gapo… đã được khẳng định trong thời điểm bệnh dịch, trở thành công cụ hữu hiệu của Chính phủ trong công tác tuyên truyền chống dịch. Với đặc thù có độ phủ rộng với gần 75 triệu tài khoản, tiếp cận được trên 70% người Việt Nam đang học tập và làm việc trong và ngoài nước, mạng xã hội Việt Nam là kênh thông tin hiệu quả không kém các kênh truyền thông khác. Điều này đã minh chứng vai trò, tầm quan trọng của việc Việt Nam phải sở hữu các công cụ nền tảng, các sản phẩm Make in Vietnam, nhất là khi phát sinh các tình huống khẩn cấp quốc gia…
Tại Hội nghị, các đại biểu đều đồng tình và đánh giá cao vai trò của ngành TT&TT trong thời gian qua, đã chung sức, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân kiểm soát và đẩy lùi đại dịch Covid-19, tạo niềm tin xã hội, cùng cả nước vượt qua đại dịch. Cũng nhân dịp này, một số doanh nghiệp, cơ quan báo chí, xuất bản, hiệp hội… đã có ý kiến đóng góp, kiến nghị gửi tới Bộ TT&TT nhằm sớm hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; đóng góp nhiều hơn cho đất nước…
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã biểu dương các đơn vị trong Ngành, các doanh nghiệp viễn thông đã chung tay chống dịch. Đồng thời, biểu dương các doanh nghiệp viễn thông đã miễn phí cước di động, sử dụng trong giáo dục từ xa, tăng băng thông, tăng lưu lượng sử dụng… và không tăng giá trong mùa dịch Covid-19 và hỗ trợ lên tới hàng chục tỉ đồng. Biểu dương các doanh nghiệp ICT ngày đêm đã phát triển các ứng dụng nền tảng chuyển đổi số rất hiệu quả, kịp thời. Bộ cũng biểu dương các nhân viên bưu chính, chuyển phát ngày đêm không quản ngại dịch bệnh đảm bảo vận chuyển hàng hoá, đảm bảo dòng chảy vật chất. Cảm ơn các phóng viên, các cơ quan báo chí truyền thông đã đưa tin kịp thời, chính xác về phòng, chống dịch, đóng vai như một kênh đào tạo về phòng, chống dịch cho người dân, chưa bao giờ truyền thông làm tốt như những tháng vừa qua, đã tạo ra sự đồng thuận xã hội, niềm tin của xã hội vào Đảng, Chính phủ góp phần giúp Việt Nam là một trong số ít các các nước chống dịch hiệu quả nhất.
Bộ trưởng cho rằng, dịch Covid là cơ hội để các doanh nghiệp có thể nhìn thấy những cơ hội bứt phá vươn lên. Các doanh nghiệp có thể nhân cơ hội này để đầu tư mạnh cho chuyển đổi số góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, doanh nghiệp, cộng đồng. Các doanh nghiệp có thể nhân cơ hội này để đầu tư cho việc chuyển đổi số cũng như phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Cần tập trung phát triển thị trường trong nước, bởi Việt Nam có gần 100 triệu dân, đứng thứ 12 thế giới, dân số chính là thị trường, ngành TT&TT cần coi đây là tài nguyên lớn nhất của Việt Nam. Cần xây dựng nền kinh tế tự chủ, Make in Việt Nam.
“Khi đất nước có tình huống khẩn cấp như đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số rất ít nước đã thực hiện thành công mục tiêu kép là kiềm chế dịch bùng phát và thúc đẩy kinh tế phát triển. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia trong thời Covid có thể phát triển các sản phẩm để đưa cuộc sống về một trạng thái bình thường mới. Dù trong thời đại toàn cầu hoá nhưng chúng ta cũng phải chuẩn bị cho tình huống bị cô lập, phải xác định sẽ có nhiều dịch bệnh hơn nữa để từ đó điều chỉnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng, đại dịch Covid - 19 xảy ra cũng là cơ hội tốt để đầu tư cho y tế. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp ICT có thể nghiên cứu và sản xuất các thiết bị y tế. Nếu năng lực tốt hơn nữa chúng ta sẽ giải quyết được nhiều câu chuyện. Thường chỉ có khủng hoảng mới tạo ra các quyết định lớn, nhân cơ hội này, các doanh nghiệp, các đơn vị cần mạnh dạn thay đổi; thay đổi phương thức quản trị; thay đổi mô hình kinh doanh, phát triển sản phẩm và thị trường mới; nhân cơ hội này cần đẩy mạnh việc đổi mới.
Bộ trưởng cho biết thêm, sự chuyển dịch đầu tư toàn cầu sẽ xảy ra, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có sự phân tán từ Trung Quốc sang các nước khác và Việt Nam có thể là điểm đón nhận chuyển dịch này, có liên quan đến cả các doanh nghiệp ngành TT&TT. Covid-19 vừa qua đã khơi dậy các giá trị văn hoá cốt lõi của Việt Nam và các ưu việt của chế độ và đây cũng là sức mạnh nội sinh để các doanh nghiệp Việt Nam bứt phá lên. Việc Việt Nam chống dịch hiệu quả, thành công ở châu Á và ngược lại ở phương Tây đánh dấu một kỷ nguyên Phương Tây có thể kết thúc sau 2 thế kỷ (thế kỷ 19 và 20). Sự trỗi dậy của Châu Á. Các giá trị Châu Á như thể chế, văn hóa sẽ được khẳng định sau đại dịch như là một sự bắt đầu của kỷ nguyên phương Đông, sẽ tạo ra một chỗ đứng mới cho Việt Nam, kèm theo đó là doanh nghiệp Việt Nam.
Qua đại dịch chúng ta thấy mô hình 2 bàn tay là thị trường tự do đi tới nhà nước mạnh cũng được khẳng định trong phòng, chống Covid-19 và có thể là hình mẫu cho các tổ chức không chỉ nhà nước mà cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tự tin hơn vào mô hình của mình là mô hình thị trường mạnh và quản trị mạnh để đi lên mạnh mẽ. Covid-19 cho chúng ta tư duy lại chủ nghĩa tiêu dùng vật chất quá mức, tàn phá thiên nhiên, không coi trọng đời sống tinh thần và chuyển đổi số, cũng làm giảm tiêu xài vật chất, dành nhiều thời gian hơn cho đời sống tinh thần: Tiêu xài thông tin hơn là tiêu xài vật chất, đây cũng là một thế mạnh Châu Á và thế mạnh Việt Nam, Bộ trưởng chia sẻ.
Sự phát triển mạnh mẽ của sách, của nội dung số cũng tạo ra cơ hội cho Ngành của chúng ta, các nhà mạng, các cơ quan quản lý để phát triển nội dung số thì phải điều chỉnh tỷ lệ ăn chia khi mà các doanh nghiệp nội dung là đầu mối vào các nhà mạng. Doanh nghiệp nội dung này chỉ được hưởng 30 đến 40% doanh thu nhưng để cho nó phát triển phải hưởng 60-70%. Cho nên muốn bùng nổ nội dung phải tăng doanh thu trên một thuê bao thì các nhà mạng phải điều chỉnh cái này.
Ở Việt Nam, kiểm soát được dịch sớm hơn các nước khác, trong khi thế giới vẫn đang là đỉnh dịch và chưa có dấu hiệu giảm. Việt Nam tuyên bố bắt đầu ra khỏi bằng cách tái khởi động kinh tế, như vậy sớm hơn các nước khác từ 2 - đến 4 tháng. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành TT&TT bứt phá vươn lên sớm hơn các nước khác.
Về một số định hướng của ngành TT&TT, Bộ trưởng chỉ rõ: Chúng ta coi Covid-19 là cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia và cũng là cú huých trăm năm của chuyển đổi số. Do vậy, ngành TT&TT phải nắm bắt cơ hội này để bứt phá, vượt lên và tất cả các lĩnh vực của ngành TT&TT phải bứt phá vươn lên. Ngành TT&TT là ngành dẫn đầu chuyển đổi số quốc gia. Thời Covid-19 thì 1 tháng, 1 năm có thể bằng 10 năm, 20 năm, phải chú ý là chuyển đổi số là thay đổi cách tiếp cận thức vận hành tổ chức chuyển đổi từ thế giới thực vào thế giới số và dùng dữ liệu để sinh ra giá trị mới.
Ngành TT&TT bao gồm cả công nghệ và báo chí, tuyên truyền, trong thời gian Covid-19 vừa qua đã có đóng góp rất lớn để Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh thành công, bước đầu trong chống dịch đã được Đảng, Chính phủ khen ngợi. Tới đây khi nền kinh tế tái khởi động, toàn dân ra sức phục hồi kinh tế, tìm cách vươn lên thì ngành TT&TT cũng phải có đóng góp lớn trong công cuộc tái khởi động này thành công. Ngành TT&TT phải đóng góp trong hai quá trình chống dịch và quá trình phát triển kinh tế để đạt mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, Bộ trưởng lưu ý.
Bộ TT&TT sẽ ra một chỉ thị mới để hiệu triệu tất cả các doanh nghiệp ICT, các cơ quan báo chí, truyền thông tham gia và thúc đẩy tái khởi động nền kinh tế bứt phá vươn lên. Việc này Thủ tướng đã giao Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan báo chí lập các chuyên mục trên các báo, đài phát thanh – truyền hình, báo nói, báo điện tử để thúc đẩy việc tái khởi động nền kinh tế.
Vừa qua, ngành TT&TT có được khá nhiều các phần mềm áp dụng trong phòng, chống dịch Covid-19 như: Khai báo y tế bắt buộc tại cửa khẩu, phầm mềm khai báo y tế tự nguyện NCOVI, phần mềm phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, phần mềm dự báo dịch bệnh,… và rất nhiều các phần mềm khác đều do Việt Nam làm. Ngoài ra, một số phần mềm được chia sẻ quốc tế, lấy ý kiến cộng đồng, mã nguồn mở đây là một sự thay đổi lớn. Đây là lần đầu tiên một phần mềm tác động tới người dân do cơ quan quản lý Nhà nước chỉ đạo phát triển, sử dụng công khai rộng rãi cho người dân, trong cộng đồng góp ý, tới đây có thể phát triển ra thế giới tham khảo.
Tới đây, thống nhất sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển mã nguồn mở và tháng 8/2020 tổ chức Đại hội Hội mã nguồn mởi Việt Nam lần đầu tiên cũng như xây dựng chiến lược cho mã nguồn mở. Đặc biệt, Việt Nam có thể làm chủ các nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực thì đây chính là cơ hội cho “Make in Viet Nam”. Thị trường hiện nay của chúng ta lớn, Việt Nam có khát vọng vươn lên thông qua việc chuyển đổi số. Các nền tảng như học từ xa; khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa; dịch vụ kế toán từ xa; nền tảng làm báo điện tử; nền tảng về an toàn - an ninh mạng; nền tảng điện toán đám mây… chúng ta không thể đem toàn bộ dữ liệu số Việt Nam đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài, Bộ trưởng nói.
Chúng ta nói chuyển đổi số mà không có nền tảng Việt Nam thì chuyển đổi số trở thành nguy hiểm. Làm chủ nền tảng chuyển đổi số Việt Nam được coi là yếu tố quan trọng nhất. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phải đẩy nhanh việc phát triển và làm chủ các nền tảng số. Bộ TT&TT sẽ cùng nhịp với công cuộc chuyển đổi này.
Về Chương trình mỗi người Việt Nam sở hữu một điện thoại thông minh và mỗi hộ dân Việt Nam một đường truyền cáp quang Internet tốc độ cao, thời dịch Covid - 19 sẽ đẩy nhanh tiến độ này. Bộ xác định đây là nền tảng chuyển đổi số, nếu thiếu hai cái này thì rất khó để nói đến chuyển đổi số. Hiện Việt Nam vẫn còn 15 - 16.000.000 người dùng 2G và 40% hộ gia đình vẫn chưa có đường truyền Internet tốc độ cao bằng cáp quang. Bộ TT&TT đặt mục tiêu là cơ bản trong năm 2020 mỗi người Việt Nam có một máy điện thoại thông minh, đến 2021, cơ bản mỗi hộ gia đình có một đường truyền Internet tốc độ cao bằng cáp quang. Bộ trưởng yêu cầu các nhà mạng tập trung thúc đẩy việc này để sớm kết thúc theo tinh thần mục tiêu đã đề ra. Nếu đạt 80-90% thì Việt Nam tương đương với các nước phát triển về hạ tầng ICT.
Về triển khai 5G vẫn tiếp tục triển khai, dự kiến tháng 6/2020 thiết bị 5G của Việt Nam sẽ được thử nghiệm trên mạng lưới; tháng 10/2020 Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam ở quy mô đã xác định. Do vậy các nhà mạng và nhà sản xuất cần hợp tác chặt chẽ với nhau; tiếp tục đẩy mạnh 4G.
Về Mobile Money, mặc dù đã chậm, song cố gắng trong tháng 6/2020, Ngân hàng Nhà nước và Bộ TT&TT sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông, đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ đề án cũng như cơ sở vật chất để triển khai nhanh khi có giấy phép (Thủ tướng đã đồng ý để cho phép triển khai trên toàn quốc).
Bộ mã bưu chính bưu chính Vpostcode vừa ra mắt (7/5) trên nền tảng hệ thống bản đồ Việt Nam (V-map) sẽ cho phép chúng ta chuyển phát chính xác đi và đến 24 triệu hộ gia đình Việt Nam. Khi đó doanh nghiệp chuyển phát Việt Nam sở hữu chuỗi 24 triệu siêu thị, đây là bước phát triển rất đột phá, đảm bảo dòng chảy vật chất bên cạnh dòng chảy dữ liệu. Bộ TT&TT đảm bảo cả hai dòng chảy ấy, nền tảng ấy.
Về an toàn, an ninh mạng, Bộ TT&TT đã yêu cầu tất cả các tổ chức có ứng dụng CNTT đều phải xây dựng hệ thống bảo vệ. Vừa qua, các tổ chức, doanh nghiệp nhận ra điều này nên doanh thu của các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng tăng lên đáng kể. Thị phần của các sản phẩm an ninh mạng Việt Nam cũng tăng lên một cách đáng kể (gấp đôi). Ưu tiên sử dụng các sản phẩm an toàn, an ninh mạng do Việt Nam sản xuất, mục tiêu năm 2020 là cơ bản hệ sinh thái an toan, an ninh mạng do Việt Nam làm chủ.
Về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đón nhận làn sóng chuyển dịch cung ứng toàn cầu về Việt Nam, ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ lớn. Các địa phương cần có chương trình phát triển các doanh nghiệp công nghệ số của mình, trung bình 1.000 người dân phải có 1 doanh nghiệp công nghệ số.
Về thay đổi phương thức quản lý nhà nước, Bộ TT&TT đang tập trung đưa công tác quản lý nhà nước trên Online. Đây là thay đổi phương thức quản trị rất căn bản của Bộ TT&TT, tránh tiếp xúc doanh nghiệp, đơn vị, giảm thời gian, giảm nhũng nhiễu, giảm đi phiền hà. Để làm được việc này, các đơn vị quản lý nhà nước phải kết nối được với các đơn vị trong Ngành, các đơn vị trong Ngành thực hiện nghiêm việc kết nối về Bộ. Bộ trưởng giao Cục An toàn thông tin, Cục viễn thông, Cục Bưu điện Trung ương đảm bảo an toàn cho việc kết nối này.
Vừa qua, lần đầu tiên Bộ TT&TT, cũng là lần đầu tiên về quản lý nhà nước đã thực hiện thanh tra Online với Sở TT&TT TP.Hồ Chí Minh cho kết quả rất tốt. Thời gian tới, ngành TT&TT phải đi đầu về thanh tra Online, giảm thủ tục hành chính.
Về khó khăn trong hoạt động thông tin, tuyên truyền, nhiều báo, đài gặp khó khăn về nguồn thu, Bộ TT&TT đã hỗ trợ 9 tỷ đồng để đặt hàng báo chí, doanh nghiệp ICT đã đồng hành hỗ trợ cho báo chí; các nhà mạng đã hỗ trợ miễn phí đường truyền cho các cơ quan báo chí trong 2 tháng cao điểm chống dịch Covid-19. Bộ đang đề nghị Chính phủ đặt hàng thêm cho báo chí năm 2020 thêm khoảng 100 tỷ. Đồng thời, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi đến Chính phủ và các địa phương coi lĩnh vực báo chí là lĩnh vực thiết yếu, hoạt động bình thường trong mùa dịch Covid-19; đề nghị các các địa phương hỗ trợ phát triển hạ tầng bưu chính viễn thông; đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch của các doanh nghiệp trong ngành, đề nghị giảm, giãn, miễn thuế cho các đơn vị trong ngành trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh…/.