Bộ TT&TT đồng hành với các địa phương thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ

Thứ năm, 27/06/2024 14:03

Sáng ngày 26/6/2024, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị chuyên đề Kinh tế số - thúc đẩy chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ. Thứ trưởng Phạm Đức Long chủ trì Hội nghị.

Bộ TT&TT đồng hành với các địa phương thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tham dự có đại diện Bộ Công Thương, đại diện các hội, hiệp hội (VCCI, Hiệp hội Thương mại Điện tử), đại diện các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp bưu chính, Sở TT&TT, Sở Công Thương 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ để tăng cường hiệu quả và mở rộng không gian tăng trưởng tới cả nước và xuyên biên giới

Tại Hội nghị, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực bán buôn và bán lẻ để tăng cường hiệu quả và mở rộng không gian tăng trưởng tới các khách hàng trên cả nước và xuyên biên giới. Hiện nay, cả nước có khoảng 14 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần bán lẻ và đáp ứng 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Trong lĩnh vực bán buôn, giá trị gia tăng bán buôn đạt 544 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 62% doanh thu bán buôn, bán lẻ, chiếm tỷ trọng khoảng 5% GDP. Việc chuyển đổi số đang tập trung vào việc đưa toàn bộ các hoạt động bán buôn và bán lẻ từ môi trường thực lên môi trường số, giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng qua nhiều kênh số khác nhau, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Bộ TT&TT và Bộ Công Thương cùng phối hợp xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ; Trang thông tin đánh giá chuyển đổi số các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ cho các địa phương trên cả nước; Tổ chức đánh giá các nền tảng số chuyển đổi số và xây dựng các chương trình đào tạo mẫu cho các nhóm đối tượng.

Bộ TT&TT đồng hành với các địa phương thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ- Ảnh 2.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ TT&TT) Trần Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Cần cân bằng hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp sản xuất, nền tảng TMĐT, vận chuyển và người tiêu dùng

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương trong bài trình bày về thực trạng và định hướng phát triển thương mại điện tử (TMĐT) bền vững tại Việt Nam cho biết, TMĐT tại Việt Nam đã tăng trưởng liên tục trong 15 năm qua, là một điểm sáng cần được bảo vệ và phát triển. Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được triển khai, giúp thu hẹp khoảng cách và ứng dụng hạ tầng hiện đại. Tuy nhiên, bà Oanh cũng chỉ ra rằng cần có sự cân bằng hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, bao gồm doanh nghiệp sản xuất, nền tảng TMĐT, vận chuyển và người tiêu dùng.

Bộ TT&TT đồng hành với các địa phương thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ- Ảnh 3.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ về định hướng phát triển thương mại điện tử Việt Nam.

Bà Lê Hoàng Oanh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của niềm tin người tiêu dùng, cần có luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ chế chống hàng giả.

Nguồn nhân lực cho ngành TMĐT còn thiếu và chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển. Để giải quyết vấn đề này, cần tăng cường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, mục tiêu là hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, xây dựng nền tảng công nghệ số hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển TMĐT theo liên kết vùng và thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Tất Hữu, Giám đốc chiến lược của Metric, đã giới thiệu một vài con số ấn tượng về sự tăng trưởng của TMĐT tại Việt Nam. Năm 2023, tổng doanh thu trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến đạt 233,2 nghìn tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022 với 637.273 cửa hàng tham gia. Trong Quý 1 năm 2024, tổng doanh thu trên 5 sàn bản lẻ đạt 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng 78,69% so với cùng kỳ năm 2023. Ông Hữu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng Big Data và các công nghệ hiện đại như Machine Learning/AI trong việc phân tích và dự báo thị trường TMĐT. Ngoài ra, Metric đã xây dựng cơ sở dữ liệu lớn với độ chính xác cao, bao phủ 99% các nền tảng TMĐT tại Việt Nam và Trung Quốc. Những công cụ này không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu rõ thị trường mà còn hỗ trợ trong việc lập kế hoạch và thực thi chiến lược một cách nhanh chóng và hiệu quả.

"Etailer" hãy bắt đầu bằng tên miền .vn gắn với các dịch vụ số

Ông Nguyễn Hồng Thắng – Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam chỉ ra hiện nay các cửa hàng bán lẻ truyền thống đang phải đối mặt với những hạn chế, bất lợi nếu không có sự dịch chuyển online. Theo một nghiên cứu tại Mỹ, hiện nay trên thế giới có khoảng 9,8 triệu cửa hàng bán lẻ online (etailer), con số này tại Mỹ là 2,2 triệu cửa hàng. Trong xu hướng bán hàng trực tuyến đa kênh, Website chính là trụ sở chính danh của các cửa hàng trên Internet. Thông qua website có thể tích hợp các kênh bán hàng khác nhau để tạo hệ sinh thái hoàn chỉnh cho một cửa hàng bán lẻ trên môi trường số. Vậy, "Etailer hãy bắt đầu bằng tên miền .vn gắn với các dịch vụ số" – đó là thông điệp ông Nguyễn Hồng Thắng nhấn mạnh. Với bối cảnh như vậy tên miền quốc gia gắn với website/email chính là giải pháp giúp cho các cửa hàng bán lẻ: hiện diện tin cậy, chính danh; tối ưu hệ thống tìm kiếm, cơ hội tìm kiếm cao; phát triển thương hiệu sản phẩm.

"Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện diện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia .vn" của Bộ TT&TT đang triển khai đem đến những chính sách đột phá chưa từng có cho người dân. Đó là miễn phí 2 năm tên miền và các dịch vụ số đi kèm (email/website) đối với tên miền "biz.vn" dành doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 01 năm và cho các hộ kinh doanh cá thể; và tên miền "id.vn" cho người dân trong độ tuổi từ đủ 18-23 tuổi. Chi phí ưu đãi miễn phí ước tính lên đến 200 tỷ đồng trong vòng 2 năm chia đều cho 63 tỉnh thành. Bên cạnh đó, các rào cản về kỹ thuật cũng được tháo gỡ hoàn toàn khi trong vòng chưa đầy 1h đồng hồ, người dùng có thể dễ dàng đăng ký tên miền và khởi tạo website, email gắn với tên miền của chính doanh nghiệp của mình. Chương trình đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp có cơ hội nhanh chóng hiện diện trực tuyến và xây dựng ngôi nhà của mình trên Internet. Qua các hoạt động như vậy, kỹ năm số của người dân tốt lên, mở rộng cơ hội kinh doanh, hành vi tiếp cận và tiêu dùng sản phẩm của người dân được thay đổi.

Thương mại điện tử xuyên biên giới là xu hướng tất yếu, không một quốc gia nào nên đứng ngoài cuộc

Theo ông Võ Văn Khanh - Đại diện Hiệp hội TMĐT khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thực trạng khảo sát cho thấy, thị phần của chợ truyền thống đang giảm sút do nguồn hàng không đổi mới và chi phí logistics chưa tối ưu. Ông Khanh cũng đề xuất một số giải pháp khắc phục gồm khảo sát và đánh giá, xây dựng dữ liệu và chính sách sản phẩm, triển khai tập huấn và đào tạo, lễ phát động và tuyên truyền, cùng tư vấn và hỗ trợ tiểu thương tại chợ.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng bùng nổ mạnh mẽ, tăng trưởng thần tốc. Đồng thời là một trong những ưu tiên hàng đầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào nên đứng ngoài cuộc, ông Khanh nhấn mạnh.

TP. HCM đi đầu trong thúc đẩy TMĐT với việc ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở TT&TT và Sở Công Thương

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TPHCM cho biết, năm 2023, doanh số TMĐT của thành phố đạt gần 11 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 37%, dẫn đầu xu thế mới trong TMĐT. Tuy nhiên, hệ thống logistics còn nhiều thách thức và thiếu sự kết nối giữa các bên trong chuỗi cung ứng, ngoài ra còn một số vấn đề khác như hạn chế tích hợp đa kênh, cạnh tranh gay gắt, hàng giả hàng nhái và an ninh mạng …

Đặc biệt, vào tháng 3/2024, Sở TT&TT và Sở Công Thương thành phố đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về phối hợp triển khai về thương mại điện tử, an toàn giao dịch điện tử và cung cấp nội dung trên mạng Internet.

Trong năm 2024, TP. HCM sẽ tổ chức tập huấn, đào tạo mô hình bán hàng trực tuyến tại chợ truyền thống và hỗ trợ nông dân bán hàng trên sàn TMĐT, đồng thời phối hợp quản lý quảng cáo sản phẩm, xử lý hàng hóa không đảm bảo điều kiện kinh doanh và hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bộ TT&TT và Bộ Công Thương sẽ đồng hành với các địa phương nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh bản chất của thương mại điện tử dựa trên công nghệ số là tính xuyên biên giới, xuyên vùng miền và xuyên địa phương. Nếu quốc gia không làm TMĐT thì sẽ có quốc gia khác sẽ làm; nếu vùng không làm thì sẽ có vùng khác làm; nếu địa phương không làm thì sẽ có địa phương khác sẽ làm. Và nếu không làm thì sẽ mất thị trường và người dân, tiểu thương, doanh nghiệp sẽ mất kế mưu sinh và do đó rất cần có những giải pháp thiết thực và hiệu quả. Thứ trưởng khẳng định vai trò dẫn dắt của Bộ TT&TT trong triển khai chuyển đổi số tại Việt Nam. Tới đây, Bộ TT&TT và Bộ Công Thương sẽ đồng hành với các địa phương nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ. Nếu không đẩy mạnh chuyển đổi số, doanh thu của các chợ truyền thống, các cửa hàng bán lẻ sẽ giảm sút, sẽ chết, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của bà con tiểu thương, gây nhiều hệ lụy xã hội.

Thứ trưởng nhấn mạnh vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để các tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ phải tiến hành chuyển đổi các hoạt động của mình lên môi trường số càng sớm càng tốt. Hai Bộ TT&TT và Công Thương sẽ đồng hành xây dựng các chương trình đào tạo theo từng nhóm đối tượng đưa lên các nền tảng đào tạo trực tuyến mở đại trà MOOCs để đào tạo miễn phí.

Ngoài ra, cần nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong việc đưa ra những sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số bán buôn, bán lẻ phải rất tiện ích, dễ dùng, dễ lan tỏa. Các doanh nghiệp công nghệ số xây dựng các videoclips ngắn để hướng dẫn tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ ứng dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh của mình.

Thứ trưởng đưa ra thông điệp của Hội nghị đó là: "Chuyển đổi số, kinh tế số Việt Nam hãy bắt đầu từ thương mại điện tử". Thông điệp này cần được triển khai xuyên suốt trong giai đoạn tới nhằm thúc đẩy và lan tỏa kinh tế số trên cả nước. Thứ trưởng yêu cầu các Sở TT&TT phải quán triệt tinh thần nêu trên và báo cáo lãnh đạo địa phương để triển khai thực hiện một cách quyết liệt. Cách làm đã có, giờ là lúc bắt tay vào việc.

Bộ Công an đã ban hành Nghị định về định danh xác thực điện tử, là cơ sở pháp lý để triển khai xây dựng niềm tin trong các hoạt động TMĐT. Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ hạ tầng bưu chính, chuyển phát, hạ tầng số, hạ tầng chuyển đổi số và các ứng dụng số để triển khai hạ tầng TMĐT, hướng dẫn về an toàn thông tin cho các tiểu thương, người kinh doanh nhỏ lẻ, các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ sử dụng thương mại điện tử.

Bộ TT&TT sẽ chọn TP.HCM và một địa phương có quy mô vừa để triển khai mẫu, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng ra 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết./.

Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top