4 nhóm tiêu chí xác định Nền tảng số phục vụ người dân năm 2022
Cụ thể, Khung tiêu chí xác định nền tảng số Việt Nam có khả năng triển khai rộng khắp phục vụ người dân (gọi tắt là nền tảng số phục vụ người dân) năm 2022, gồm bốn nhóm tiêu chí chính sau:
Tiêu chí đánh giá tư cách pháp nhân và năng lực tổ chức, doanh nghiệp: Thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; Trụ sở chính đặt tại Việt Nam; Tỷ lệ sở hữu; Năng lực tài chính, kinh doanh; Năng lực nhân sự.
Ảnh minh hoạ
Tiêu chí đánh giá về chức năng và tính năng của nền tảng: Có chức năng, tính năng phù hợp với Chương trình chuyển đối số quốc gia và định hướng chuyển đổi số năm 2022; Có đầy đủ các đặc trưng của nền tảng gồm: Có sử dụng hạ tầng điện toán đám mây; Có cung cấp chức năng như là dịch vụ (as-a-service); Có khả năng tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu mà không cần chỉnh sửa mã nguồn; Có hoặc có tiềm năng đáp ứng nhu cầu phổ biến của người dân (số lượng người sử dụng tiềm năng từ 1 triệu người trở lên): Có khả năng đáp ứng khi quy mô người dùng tăng trưởng đột biến thông qua việc chỉ cần tăng năng lực hạ tầng mà không cần phải chỉnh sửa thiết kế, kiến trúc hoặc mã nguồn.
Tiêu chí đánh giá về an toàn, an ninh mạng: Có hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt và có cam kết kế hoạch, lộ trình triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ không quá 03 tháng: Tuân thủ quy định về bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định của Luật An toàn thông tin mạng, luật an ninh mạng; Tuân thủ quy định về lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam theo quy định của Luật An ninh mạng.
Tiêu chí đặc thù khác (theo từng tình huống, nền tảng cụ thể).
Hội đồng đánh giá xác định nền tảng số phục vụ người dân năm 2022
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thảo luận công khai, quyết định theo đa số để thống nhất kết quả cho từng nền tảng số.
Hội đồng gồm các thành viên sau: Chủ tịch Hội đồng: Viện trưởng Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam; Các Ủy viên Hội đồng gồm: Cục trưởng Cục Tin học hóa; Cục trưởng Cục An toàn thông tin; Đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp chế; Đại diện Lãnh đạo Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam; Đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp; Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Công nghệ thông tin; Hội Tin học Việt Nam; Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam; Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam; - Đại diện Hội Truyền thông số Việt Nam; Đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội liên quan.
Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam là Cơ quan thường trực của Hội đồng, có trách nhiệm bố trí các điều kiện làm việc cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo yêu cầu của Hội đồng.
Vụ Quản lý doanh nghiệp là cơ quan điều phối chung có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc Cơ quan thường trực Hội đồng triển khai đánh giá các nền tảng số phục vụ người dân; Tổng hợp, thẩm tra kết quả đánh giá, thực hiện các thủ tục trình Lãnh đạo Bộ công nhận.