Các đại biểu cắt băng khánh thành bàn giao mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy.
Phát biểu tại Lễ bàn giao, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh: Truyền thanh cơ sở là một kênh thông tin, tuyên truyền có diện phủ sóng rộng nhất, đưa thông tin trực tiếp và nhanh nhất đến với đông đảo người dân nên phát huy được vai trò, hiệu quả trong công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở. Ngay cả khi người dân khi đang lao động, sản xuất, kinh doanh vẫn nghe được thông tin của đài truyền thanh, đặc biệt rất hiệu quả đối với người dân ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng biên giới, hải đảo. Trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, hệ thống truyền thanh cơ sở ở các địa phương đã phát huy rất hiệu quả trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại buổi lễ.
Thứ trưởng chia sẻ: Thế giới bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một cuộc cách mạng làm thay đổi toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Để thực hiện Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thành công, các quốc gia phải thực hiện “chuyển đổi số" để vươn lên phát triển thịnh vượng. Không nằm ngoài xu thế phát triển chung đó, lĩnh vực thông tin cơ sở ở nước ta, trong đó có hệ thống truyền thanh cơ sở đang đứng trước vận hội mới để chuyển mình - thực hiện chuyển đổi số để phổ biến thông tin thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh nhanh nhất, đầy đủ nhất và chính xác nhất. Nắm bắt được xu thế đó, một số doanh nghiệp công nghệ, viễn thông trong nước đã nghiên cứu, sản xuất thiết bị truyền thanh sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh, kết nối dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, Internet (còn gọi là truyền thanh ứng dụng CNTT-VT). Việc sử dụng truyền thanh ứng dụng CNTT-VT có nhiều ưu điểm hơn, kinh phí đầu tư rẻ hơn so với truyền thanh có dây, truyền thanh không dây FM, là công nghệ truyền thanh cũ và đã trở nên lạc hậu.
Mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT ở xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình do Công ty TNHH Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch (Newtatco) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sản xuất, lắp đặt thiết bị. Đây là mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của những địa phương có địa hình đồi núi, dân cư sinh sống thưa thớt. Từ mô hình này, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo yêu cầu Cục Thông tin cơ sở phối hợp với Sở TT&TT các tỉnh, thành phố phổ biến để nhân rộng ra các địa phương miền núi trong toàn quốc. Các Sở TT&TT sau khi đến tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình này, chủ động nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố có kế hoạch từng bước chuyển đổi hệ thống truyền thanh cũ sang truyền thanh ứng dụng CNTT-VT trên địa bàn.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo và các đại biểu chứng kiến Lễ ký bàn giao mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT cho xã Phú Nghĩa.
Cũng nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Tập đoàn Vingroup (trong hai năm 2019 và 2020) đã tài trợ đầu tư 100 đài truyền thanh cơ sở ứng dụng CNTT-VT cho các xã khó khăn ở miền núi, vùng biên giới, hải đảo; trong đó có 03 đài truyền thanh mô hình điểm tại tỉnh Hòa Bình và Hải Dương. Thứ trưởng mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Tập đoàn Vingroup cũng như các tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ, tài trợ xây dựng, phát triển hệ thống thông tin cơ sở, trong đó có đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT, nhằm góp phần giúp các địa phương khó khăn ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo tham quan mô hình điểm đài truyền thanh thông minh tại xã Phú Nghĩa.
Theo Cục Thông tin Cơ sở (Bộ TT&TT): Triển khai thực hiện Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đế án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin", Bộ TT&TT phối hợp với Tập đoàn Vingroup là đơn vị tài trợ tổ chức xây dựng 03 mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT cho 03 khu vực gồm: Mô hình điểm khu vực miền núi ở xã Phú Nghĩa (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình); Mô hình điểm khu vực đồng bằng ở xã Hồng Phong (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) và mô hình điểm khu vực đô thị tại phường Trần Phú (Thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương).
Cả nước hiện có 9.534 đài truyền thanh cơ sở, đạt tỷ lệ 90% xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh. Đài truyền thanh cơ sở hiện nay sử dụng hai loại công nghệ truyền thanh hữu tuyến (có dây) và truyền thanh vô tuyến (không dây FM), là công nghệ truyền thanh cũ và đã trở nên lạc hậu trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông. Trong điều kiện phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, truyền thông số đã có tác động trực tiếp đến phương thức thông tin, tuyên truyền và cách tiếp cận thông tin của người dân. Đứng trước xu thế đó, thời gian qua, một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ trong nước, như: Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Công ty TNHH Ứng dụng Công nghệ mới và Du lịch (Newtatco), Công ty TNHH Đầu tư Giang Phong, Công ty Cổ phần Việt Hưng Việt Nam, Công ty Cổ phần công nghệ Savis; Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu vật tư kỹ thuật (TEMATEX)... đã nghiên cứu, sản xuất thiết bị truyền thanh sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh, kết nối dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, Internet (còn gọi là truyền thanh ứng dụng CNTT-VT). Đây là giải pháp công nghệ mới, hiện đại, có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với truyền thanh có dây, truyền thanh không dây FM, như: không giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu âm thanh; khắc phục được các lỗi thường xảy ra với các hệ thống tiếp âm sóng FM như bị nhiễu, sóng không ổn định do thời tiết; ứng dụng công nghệ số để sản xuất, lưu trữ và quản lý chương trình phát thanh (kiểm duyệt chương trình từ xa; chuyển tải chương trình trên hệ thống từ Trung ương đến địa phương các ứng dụng khác như Cổng thông tin điện tử của địa phương; quản lý lịch phát sóng tự động...); sử dụng trí tuệ nhân tạo trong một số khâu như chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói, dịch tự động tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số; sang giải quyết được bải toán thiếu nhân lực quản lý, vận hành đài truyền thanh cơ sở.
Hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT của xã Phú Nghĩa được đầu tư 17 bộ thu phát thanh, với 46 loa công suất 30W//Moa để phủ sóng toàn bộ 15 thôn trong xã; 01 bộ máy vi tính và phần mềm quản trị, biên tập nội dung; 01 micro để bàn. Toàn bộ thiết bị lắp đặt tại mô hình điểm xã Phú Nghĩa (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) do Công ty TNHH Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch (Newtatco) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sản xuất, lắp đặt.
Phát biểu tại buổi Lễ, thay mặt lãnh đạo huyện, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Nguyễn Văn Hải đã trân trọng cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của Bộ TT&TT, các cấp, ngành chức năng chọn xã Phú Nghĩa là 01 trong 03 xã, phường làm mô hình điểm đài truyền thanh ứng dụng CNTT-TT trên toàn quốc; đồng thời cam kết sẽ vận hành hiệu quả mô hình truyền thanh thông minh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của tỉnh đưa thông tin trực tiếp, nhanh nhất đến với người dân, giúp người dân trên địa bàn huyện Lạc Thủy nâng cao dân trí, phát triển đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn.