Hình ảnh tài liệu hướng dẫn bộ giải pháp
Triển khai bộ giải pháp công nghệ phòng, chống và truy vết Covid-19: Để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các địa phương và để người dân cả nước tuyệt đối không chủ quan, lơ là với dịch bệnh, Bộ TT&TT ban hành tài liệu “Hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết Covid-19 trong cộng đồng”. Bộ giải pháp là sự kết hợp của các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, các giải pháp công nghệ và các biện pháp hành chính của chính quyền. Trong đó, giải pháp công nghệ được đẩy mạnh. Bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết Covid-19 trong cộng đồng bao gồm Bluezone (ứng dụng cảnh báo tiếp xúc gần người nghi nghiễm Covid-19), NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện), khai báo y tế cho người nhập cảnh, hệ thống ghi nhân người đến, đi các địa điểm công cộng (thông qua quét mã QR) và cuối cùng là hệ thống bản đồ chống dịch an toàn Covid-19. Tài liệu này được xây dựng nhằm giúp các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có kiến thức sử dụng các ứng dụng trong bộ giải pháp để phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, bộ tài liệu sẽ hướng dẫn các cơ quan chức năng sử dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu của bộ giải pháp để triển khai hiệu quả công tác truy vết, khoanh vùng sự lây lan khi dịch bệnh bùng phát. Việc toàn dân sử dụng và khai thác hiệu quả bộ giải pháp sẽ giúp phạm vi khoanh vùng chính xác hơn, giảm bớt việc cách ly nhầm hoặc phải cách ly trên diện rộng. Khi đó, xã hội có thể duy trì được hoạt động bình thường, người dân có thể sinh hoạt hàng ngày, học sinh có thể đến trường. Doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, các địa điểm kinh doanh sẽ tiếp tục sản xuất, kinh doanh mà vẫn kiểm soát được dịch bệnh.
Những ngày này, Bộ Thông tin và Truyền thông cử đoàn chuyên gia của Bộ về hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong công tác truy vết Covid-19 trong cộng đồng. Cùng với đó Cục Viễn thông, Cục Tin học hóa chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động hỗ trợ gọi điện, nhắn tin các nội dung về tuyên truyền thực hiện 5K, khai báo y tế, cài đặt Bluezone,… đến tất cả các thuê bao di động trên địa bàn tỉnh (tính đến 17h00 ngày 06/6/2021, Tỷ lệ Bluezoner có số điện thoại/ dân số là 28,75%; Tỷ lệ Bluezoner có số điện thoại/ số smart phone là 35,86%)
Triển khai lắp đặt camera giám sát tại khu cách ly: Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam) xây dựng hệ thống giám sát và phối hợp với Sở TT&TT các tỉnh, thành phố triển khai việc khảo sát, kết nối camera giám sát ở các khu cách ly về hệ thống giám sát tập trung do Bộ TT&TT chỉ định. Tại Bắc Giang, Viettel Bắc Giang tiến hành khảo sát, triển khai lắp đặt hệ thống camera cho 130 khu cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 với 1.330 mắt; thực hiện kết nối với hệ thống giám sát tập trung, giúp cho Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 huyện, thành phố theo dõi, giám sát, quản lý hoạt động của các khu vực cách ly tập trung. Việc lắp đặt camera giám sát từ xa, giúp các cơ sở cách ly giảm nhân sự giám sát tại chỗ. Các cơ quan quản lý phòng chống dịch có thể theo dõi toàn bộ hoạt động tại các khu cách ly từ hệ thống quản lý 24/24 giờ.
Hỗ trợ tiêu thụ vải thiều thông qua các sàn thương mại điện tử
Để chung tay hỗ trợ bà con tỉnh Bắc Giang xuất khẩu và tiêu thụ trong nước đặc sản vải thiều để vượt qua đại dịch Covid-19, vừa qua Bộ TT&TT đã có văn bản số 1816/BTTTT-BC triển khai chương trình “Đưa đặc sản Việt đến tay người tiêu dùng - Vải thiều Bắc Giang” trên các Sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ bà con nông dân kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ đặc sản vải thiều Bắc Giang thông qua 02 Sàn thương mại điện tử đến tận tay người tiêu dùng. Chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; tiêu thụ nông sản trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững qua nền tảng số; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh bị thương lái ép giá. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tại các tỉnh, thành khác trên cả nước thưởng thức đặc sản vải thiều Bắc Giang thuận tiện, nhanh chóng, kể cả trong bối cảnh hạn chế đi lại do dịch bệnh. Mục tiêu xa hơn của chương trình là thúc đẩy phát triển kinh tế số nông thôn và hỗ trợ nông dân tham gia giao dịch thương mại điện tử trên môi trường số.
Sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (voso.vn) mặt hàng vải thiều được xuất hiện ngay sau khi người dùng truy cập sàn thương mại điện tử http://voso.vn. Theo đó Viettel Post phối hợp với Sở Công thương Bắc Giang làm việc với các nhà vườn, các hợp tác xã tại các địa phương trên toàn tỉnh để bao tiêu toàn bộ sản lượng. Từ đó, sàn Voso sẽ cho phép khách hàng lựa chọn nhận sản phẩm theo ngày (đặt đơn trước khi thu hoạch). Điều này sẽ giúp Voso chủ động phương án thu mua, đảm bảo chất lượng sản phẩm (sáng thu hoạch, chiều đến tay khách hàng) và tránh trường hợp ùn ứ khi sản phẩm vào mùa chính vụ.
Hình ảnh sàn thương mại điện tử (nguồn Internet)
Trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, sản phẩm vải thiều Bắc Giang được hiện thị ngay trang chính của sàn giao dịch. Người tiêu dùng có 30 lựa chọn khác nhau để mua các sản phẩm vải thiều. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã vận động cán bộ công nhân viên, người lao động tích cực thực hiện việc đặt mua hàng hóa trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam, cụ thể là Vải thiều của tỉnh Bắc Giang bằng cách truy cập vào địa chỉ https://bacgiang.postmart.vn
Như vậy, sàn thương mại điện tử Voso, Postmart.vn đang đồng hành cùng một loạt sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada,… đồng loạt mở bán chính thức sản phẩm Vải thiều Bắc Giang, ngày càng nâng tầm giá trị nông sản Việt./.