Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2015 của Bộ TT&TT diễn ra ngày 25/12/2014, Bộ trưởng Bộ TT&TT yêu cầu toàn ngành phải đánh giá việc thực hiện Đề án Sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/9/2010 trong Quyết định số 1755), cũng như Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/8/2010 tại Quyết định số 1655), xem đã thực hiện được đến đâu những mục tiêu đề ra, trong quá trình triển khai có những gì đạt hoặc chưa đạt để có điều kiện xây dựng kế hoạch sát, đúng và trúng hơn trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng, một trong những điểm nhấn đáng chú ý trong tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, chính phủ điện tử là mới đây, Đà Nẵng đã triển khai mô hình chính quyền điện tử nguồn mở, được đánh giá là rất thành công. Bộ TT&TT sẽ xem xét, đánh giá để nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác trên phạm vi cả nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý: "Chính quyền điện tử thì cần có công dân điện tử, và trước hết phải có cán bộ công chức điện tử".
Việc hình thành cán bộ công chức điện tử trên thực tế không hề đơn giản. Bộ trưởng lấy ví dụ như TP.HCM, theo đánh giá hồi tháng 6/2014 mới chỉ có 30% cán bộ dùng email, đến tháng 12 thì tiến bộ hơn, đạt tỷ lệ 60% cán bộ công chức dùng email. TP.HCM là một thành phố có thuận lợi về kinh phí, đầu tư lớn cho lĩnh vực CNTT-TT mà cũng mới chỉ có 60% cán bộ dùng email.
Gợi ý về cách thức triển khai Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khuyến nghị: "Chúng ta cần phải triển khai đồng bộ, tránh mạnh ai nấy làm manh mún từng địa phương để khi liên thông, khai thác hạ tầng dùng chung, kho tư liệu dùng chung thì thuận lợi hơn".
Được biết, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 22/9/2010, trong đó đặt ra các mục tiêu cụ thể về phát triển nguồn nhân lực CNTT, phát triển công nghiệp CNTT, phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, phổ cập thông tin, ứng dụng CNTT, xây dựng doanh nghiệp và phát triển thị trường CNTT-TT đến năm 2015 và 2020.
Để triển khai các mục tiêu của Đề án trên, Bộ TT&TT đã yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để thống nhất hành động; đồng thời, nâng cao văn hóa khai thác và sử dụng CNTT từ gia đình đến nhà trường, xã hội.
Bên cạnh đó, tích cực xã hội hóa đầu tư cho CNTT-TT, đặc biệt là phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng; đẩy mạnh dùng chung các công trình công cộng, điện lực, cấp thoát nước, giao thông để ngầm hóa mạng cáp thông tin, cáp truyền hình.
Đồng thời, ưu tiên sử dụng vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn khác để đẩy mạnh đầu tư các dự án một cách có trọng điểm, có tính đột phá.
Các cơ quan quản lý trong thẩm quyền của mình xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư vào CNTT.