Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu về Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số

Thứ ba, 07/12/2021 09:18

Ngày 6/12/2021, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương liên quan tổ chức Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0-Industry 4.0 Summit với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”. Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu về Chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số. Cổng TTĐT Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng giới thiệu tới quý độc giả toàn văn phát biểu của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng tại sự kiện.

 

2021127-u1.png

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Nói đến kinh tế là nói đến sản xuất, trao đổi, phân phối và tiêu dùng. Nói đến kinh tế số là nói đến sản xuất số, trao đổi số, phân phối số và tiêu dùng số. Kinh tế số là cái mới.

Cái mới thì bao giờ cũng cần thể chế mới. Đó là thể chế số. Thể chế số đóng vai trò kiến tạo phát triển số. Nó đảm bảo các hoạt động, giao dịch số được hợp pháp và được pháp luật bảo vệ. Thí dụ như thể chế về định danh và xác thực một con người trên môi trường số, thể chế cho chữ ký số, thể chế về thanh toán số, v.v...

Cái mới thì cần một hạ tầng mới. Đó là hạ tầng số. Hạ tầng thì phải đi trước. Chúng ta đặt mục tiêu cao là vào top 30 thế giới về hạ tầng số vào năm 2025. Đó là hạ tầng viễn thông băng thông rộng, mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang. Hạ tầng điện toán đám mây để xử lý dữ liệu. Hạ tầng dữ liệu được coi như hạ tầng đất đai. Dữ liệu như một loại đất đai mới, canh tác trên đất đai này sẽ sinh ra giá trị mới. 34 nền tảng số quốc gia được Chiến lược ưu tiên phát triển để tạo nền móng thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, đặc biệt là chuyển đổi số các ngành.

Cái mới thì cần công cụ sản xuất mới, một nền sản xuất mới. Đó là các công nghệ số, như Cloud Computing, Big data, IoT, AI, Robot, v.v... Nhà nước với tầm nhìn dài hạn sẽ đầu tư vào nghiên cứu cơ bản các công nghệ số cốt lõi. Các doanh nghiệp công nghệ số thì biến các công nghệ số nền tảng thành dịch vụ thông qua các nền tảng số, tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực thì sử dụng các dịch vụ công nghệ này các để tạo ra sản phẩm trong lĩnh vực của mình. Mọi doanh nghiệp đều có thể và đều phải trở thành doanh nghiệp công nghệ. Một chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ được Chính phủ thực hiện.

Cái mới thì cần thị trường mới. Đó chính là các công dân số, xã hội số. Việc đào tạo kỹ năng số cho toàn dân, việc giới thiệu và hướng dẫn sử dụng các ứng dụng số, nền tảng số an toàn cho người dân tin tưởng tiêu xài các sản phẩm và dịch vụ số sẽ tạo ra thị trường số và là động lực cho phát triển kinh tế số. Các nền tảng đào tạo trực tuyến mở MOOC sẽ là lời giải cho đào tạo kỹ năng số, nhân lực số.

Cái mới thì bao giờ cũng đi với các nguy cơ mới. Đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng, cũng như các giải pháp để giảm thiểu các tác động tiêu cực của công nghệ số là một phần quan trọng trong Chiến lược. Việt Nam phải bảo vệ được sự thịnh vượng của mình trên không gian số.

 Và cuối cùng, cái gì muốn quản lý được, muốn thúc đẩy được thì phải đo lường và đánh giá được. Chúng ta sẽ ban hành bộ chỉ số đo lường kinh tế số và xã hội số trong năm nay, tức là tháng 12 này. Và từ năm sau sẽ đánh giá và công bố.

Tất cả những nội dung trên của Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số là để nhằm đạt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Và nếu chúng ta làm tốt, làm mạnh mẽ thì con số có thể cao hơn nhiều.

Xin trân trọng cảm ơn!

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top