Thảo luận dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 19/9, nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành dự luật này.
“Việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là rất cần thiết để góp phần cụ thể hóa và đưa các chủ trương này đi vào cuộc sống. Do vậy, tôi nhất trí rất cao về sự cần thiết sửa đổi”, bà Thanh nêu quan điểm.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh
Việc này là phù hợp với điều kiện thế giới công nghệ phát triển rất nhanh hiện nay, khi công nghệ số và chữ ký số ở Việt Nam đã được áp dụng ngày càng phổ biến.
Nhấn mạnh, đây cũng là lần đầu tiên mở rộng rất nhiều nội dung liên quan rất cụ thể đến đời sống xã hội, bà Thanh cho rằng, để đảm bảo tính khả thi của luật và bảo đảm an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử, Chính phủ cần đánh giá tác động kỹ hơn, nhất là những vấn đề khó khăn, vướng mắc khi luật có hiệu lực.
Bà Thanh cũng băn khoăn khi hầu hết lĩnh vực mở rộng này lại được thực hiện từ cơ sở, như kết hôn, khai sinh, khai tử theo pháp luật về tư pháp; chứng nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo pháp luật về đất đai, nhà ở, việc triển khai này có khó khăn, vướng mắc?.
“Khi triển khai không đánh giá kỹ tác động, không thực hiện được thì hệ quả pháp lý cũng như về mặt kinh tế rất lớn. Chúng ta mở rộng về nội dung nhưng phương diện về kỹ thuật mà sai sót hoặc bất cập, không tính hết đến những khả thi thì chúng tôi thấy cũng là một câu chuyện có vướng”, Trưởng Ban Công tác đại biểu cảnh báo.
Ngoài ra, bà Thanh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, có những quy định phù hợp đối với những loại hình giao dịch điện tử do phần mềm trí tuệ nhân tạo thực hiện. Nếu không quy định phải có những điều, khoản thế nào để xác định phạm vi và để hiểu rằng không điều chỉnh những loại giao dịch như thế.
Đủ điều kiện để trình Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới chia sẻ quan điểm, “luật này đủ điều kiện” để đưa ra Quốc hội trong kỳ họp tới để thảo luận.
Dưới góc độ là quốc phòng, an ninh, ông đề nghị ban soạn thảo cần phối hợp với các cơ quan hữu quan, đặc biệt là Bộ Công an nghiên cứu để đảm bảo nội dung của dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành và tích hợp vào Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cho thống nhất, tránh chồng chéo.
Hiện nay, Bộ Công an đã có một đề án rất thành công về thông tin cá nhân là tích hợp vào căn cước công dân có gắn chip. Việc này phục vụ cho Chính phủ điện tử thì các bộ, ngành cũng đang tích hợp và sử dụng thông tin này.
Vì vậy, ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các quy định có tính liên thông với các nội dung trên vào trong Luật Giao dịch điện tử để đảm bảo tiện lợi và an toàn thông tin trong giao dịch.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng băn khoăn về vấn đề giao dịch điện tử qua biên giới của cá nhân liên quan đến nước ngoài; giao dịch điện tử liên quan đến quốc phòng, an ninh thì có quy định trong luật này hay ở nghị định riêng cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh và giao dịch điện tử.
Một vấn đề nữa cũng được ông Tới đặt ra, hiện nay có tình trạng vừa cung cấp giao dịch điện tử nhưng các cơ quan yêu cầu hoạt động phải có giấy tờ. Tình trạng đó gây bất tiện cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo ra một kẽ hở trong pháp luật là tiêu cực trong này.
“Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần phải quy định về nguyên tắc bắt buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp, không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ bất kỳ dưới hình thức nào”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Đồng ý với hướng tiếp cận của dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ tính khả thi, cân nhắc mức độ mở rộng và lộ trình thực hiện.
Việc cơ quan soạn thảo thuyết minh khi mở rộng giao dịch điện tử ra các lĩnh vực nhưng “hàm ý không bắt buộc” là chưa đủ. Vì, giao dịch điện tử thực chất là phương cách để thực hiện giao dịch, là quyền của công dân.
“Quan điểm và thể hiện điều khoản của luật phải thể hiện được việc đấy, chứ không chỉ nói tôi quy định như thế này hàm ý không bắt buộc vì quyền của công dân, chưa kể những vấn đề thuộc lĩnh vực bí mật riêng tư”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, chúng ta không bắt buộc, nên cần thuyết minh là những quy định một phần để đảm bảo thuận lợi cho người dân, mặt khác cũng đảm bảo an toàn, an ninh.
“Ví dụ đăng ký kết hôn có nhất thiết 2 người phải đưa nhau đến cùng lúc không? Những vấn đề liên quan đến quyền riêng tư và bất khả xâm phạm, có cách nào bảo vệ khi thực hiện giao dịch điện tử? Hạ tầng có phải lúc nào cũng đáp ứng được không?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Ngoài ra, ông cũng lưu ý, với các quy định giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, giao dịch trong một số lĩnh vực khác rất quan trọng như thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng… có đặc thù thì cần thiết có những quy định riêng hoặc quy định khung để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết hơn không thì cũng phải tính thêm.
“Tôi thấy với cách chuẩn bị như thế này, sau khi tiếp thu ý kiến Thường vụ Quốc hội, ý kiến cơ quan thẩm tra, luật này đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ nhất”, Chủ tịch Quốc hội chốt phần phát biểu của mình.
Luật có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số
Ghi nhận những ý kiến góp ý rất quan trọng để hoàn thiện dự án luật sửa đổi, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số.
Vì vậy, nếu làm không tốt, đặc biệt là nếu vi phạm những nguyên tắc căn bản của môi trường số hoặc là không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi và không tính đến bối cảnh Việt Nam thì nó có thể là vật cản cho sự phát triển số ở Việt Nam. Vậy nên cần cân nhắc hết sức thấu đáo trong quá trình xây dựng luật.
Đi vào nội dung các đại biểu còn băn khoăn, Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ thực tiễn giao dịch điện tử ở Việt Nam 17 năm qua, lựa chọn các nội dung đã có thực tiễn tốt để luật hóa chính thức trong luật này.
“Nguyên tắc ngành nào thì quản lý lĩnh vực đó của mình trên môi trường số là nguyên tắc phổ quát, không chỉ của luật này. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số và cũng không có bộ, ngành nào làm việc này; sẽ không có bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Theo tư lệnh ngành Thông tin và Truyền thông, luật này để tạo ra các thành tố số cơ bản để tạo cơ sở pháp lý chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số và giúp cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc chuyển đổi các giao dịch trong thế giới thực đã được luật pháp hiện hành quy định trong lĩnh vực của mình lên môi trường số mà không cần xây dựng thêm các bộ luật mới riêng cho môi trường số.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không làm công việc chuyển đổi này mà là việc của các bộ, ngành sẽ phải làm. Luật Giao dịch điện tử mới là điều kiện cần để các bộ, ngành quy định chi tiết về các giao dịch điện tử thuộc lĩnh vực quản lý của mình.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh đến nguyên tắc thực giao là “số và số”, các giao dịch đời thực sẽ được ánh xạ vào các giao dịch điện tử. Luật sửa đổi phải đảm bảo có độ phủ rộng, đảm bảo chi phí thấp hơn trong môi trường thực và làm phong phú hơn các loại giao dịch trên môi trường số, tránh việc môi trường số phức tạp lại đắt hơn. Đồng thời phải đảm bảo tính khả thi khi áp dụng.
“Luật cũng quy định là ngay cả khi giao dịch điện tử đã sẵn sàng thì người dân vẫn có quyền lựa chọn hoặc là offline hoặc là online”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm, trong đời thực có giấy tờ, chữ ký, đóng dấu thì dự luật gọi là giấy tờ điện tử, chữ ký điện tử, đóng dấu điện tử. Ban soạn thảo đã đặt mục tiêu là ngôn từ trong sáng, đơn giản, dễ hiểu và cố gắng hơn nữa để có thể có được một bộ luật về một vấn đề mới, trừu tượng nhưng lại rất dễ hiểu để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số toàn dân và toàn diện, khả thi, có tác dụng tích cực thúc đẩy sự phát triển.
“Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn tiếp tục được lắng nghe các ý kiến của các quý vị đại biểu Quốc hội để Bộ luật này có thể đi vào thực tiễn và giúp Việt Nam thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số và trở thành một quốc gia số hàng đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.