Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách và phát triển thị trường viễn thông với đoàn Bộ Truyền thông Cuba

Thứ tư, 10/07/2013 07:46

Ngày 9/7/2013, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã có buổi tiếp và hội đàm với đoàn Bộ Truyền thông Cuba do Thứ trưởng Wilfredo Gonzalez Vidal làm trưởng đoàn. Đoàn Bộ Truyền thông Cuba sang thăm và làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trong chuyến thăm Cuba đầu năm 2013. Tham dự buổi hội đàm, về phía Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam có đại diện các cục, vụ chức năng. Về phía đoàn Bộ Truyền thông Cuba có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cuba tại Việt Nam, đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Công ty Viễn thông Etecsa.

img
Trong buổi hội đàm, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã nhiệt liệt chào mừng đoàn Bộ Truyền thông Cuba sang thăm và làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Thứ trưởng đánh giá cao những thành tựu Cuba đã đạt được trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Đồng thời, Thứ trưởng Lê Nam Thắng bày tỏ sự đồng tình, nhất trí về việc xây dựng Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Truyền thông Cuba. Trong một dịp thuận lợi, Bộ trưởng hai nước sẽ cùng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác này.
 
Chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách và mô hình đổi mới công nghệ thông tin và truyền thông tại Việt Nam, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, kể từ năm 1987 khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện trong các lĩnh vực kinh tế xã hội cho đến nay đã 25 năm, có thể chia thành 3 giai đoạn phát triển của ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam.
 
Trong giai đoạn 1987 đến 1996, Việt Nam tiến hành hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông để bắt kịp với các nước trong khu vực, trong đó có số hóa và cáp quang hóa mạng viễn thông. Trước tình hình thiếu vốn, công nghệ, kinh nghiệm, nguồn ngân sách nhà nước lại hạn hẹp, ngành Bưu điện thời đó đã xin cơ chế của Đảng và Nhà nước cho phép hợp tác với nước ngoài để tự kinh doanh, tự chi trả (lấy thu bù chi). Thông qua hợp tác với nước ngoài, Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn và nhập khẩu công nghệ hiện đại, đồng thời đào tạo được đội ngũ cán bộ có trình độ kỹ thuật và ngoại ngữ, phục vụ sự phát triển trong tương lai. Sau 10 năm đổi mới, sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đã tương đồng với các nước trong khu vực mặc dù quy mô có thể nhỏ hơn. Mật độ điện thoại đã tăng gấp 3 lần, đạt 10% năm 1997 so với 0,18% năm 1986. Cơ sở hạ tầng viễn thông đã được cáp quang hóa và đã có hệ thống cáp quang biển. Tuy nhiên, do chỉ có một doanh nghiệp viễn thông duy nhất trên thị trường nên không khuyến khích được cạnh tranh trong thị trường viễn thông và không huy động được nguồn lực trong xã hội.
 
Giai đoạn 2 (1996-2010) là giai đoạn đổi mới để hình thành thị trường viễn thông cạnh tranh dưới sự quản lý của Nhà nước với việc cấp phép cho một số doanh nghiệp nhà nước tham gia thị trường viễn thông (Viettel, SaigonPostel) từ năm 1997. Sau 15 năm đổi mới của giai đoạn 2, đã hình thành thị trường công nghệ thông tin và truyền thông khá cạnh tranh tại Việt Nam với giá cước dịch vụ giảm từ 20-30 lần, chất lượng dịch vụ gia tăng đáng kể. Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường di động có tính cạnh tranh khá cao trong khu vực. Trong thị trường viễn thông cạnh tranh ấy, đã hình thành một số tập đoàn công nghệ thông tin và truyền thông lớn như Viettel. FPT...
 
Trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam đã thu hút được hàng chục tỷ USD đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là công nghiệp công nghệ thông tin, trong đó có 2 tên tuổi lớn của thế giới là Intel và Samsung. Trong năm 2012, xuất khẩu thiết bị công nghiệp công nghệ thông tin truyền thông của Việt Nam đạt 25 tỷ USD. Ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đang từng bước vượt và đuổi kịp ngành dầu khí về doanh thu xuất khẩu. Lần đầu tiên, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông có vai trò quan trọng như các ngành hạ tầng khác (giao thông, năng lượng…) Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua các đạo luật như Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật Tần số, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế đều được tham gia phát triển hạ tầng viễn thông.
 
Vấn đề quan trọng tiếp theo được Thứ trưởng Lê Nam Thắng trao đổi với đoàn Bộ Truyền thông Cuba là đảm bảo an toàn thông tin của mạng viễn thông. Thứ trưởng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã trình lên Chính phủ một danh mục các công trình công nghệ thông tin và truyền thông quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia cần được bảo đảm an ninh, gồm các trung tâm viễn thông lớn, đài phát thanh truyền hình quốc gia, hệ thống vệ tinh, hệ thống cáp quang biển. Đã hình thành một số đơn vị bảo đảm an ninh cho người sử dụng nói chung gồm VNCERT, VNNIC. Để quản lý thuê bao di động trả trước, các doanh nghiệp viễn thông đã xây dựng cơ sở dữ liệu về thuê bao di động. Cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp trong tương lai sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu về dân cư của Bộ Công an.
 
Về phía Cuba, Thứ trưởng Bộ Truyền thông Cuba bày tỏ sự vui mừng và ấn tượng trước sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam. Cuba hiện đang trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia với mong muốn tăng số lượng thuê bao di động (hiện Cuba mới có khoảng 1,2 triệu thuê bao cố định và 1,7 triệu thuê bao di động), hạ giá thành, hạ giá cước, tăng cường sự truy cập của người dân vào Internet và các dịch vụ viễn thông. Cuba hiện đang chú trọng phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin dựa trên lợi thế về nguồn nhân lực sẵn có. Hiện nay, theo đánh giá của cơ quan quốc tế OTI, Cuba đứng thứ 5 thế giới về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Cuba cũng muốn tìm hiểu quá trình Việt Nam triển khai dịch vụ nội dung số, tin học hóa các Bộ ngành, nâng cao trình độ tự động hóa về thủ tục giữa các cơ quan nhà nước.
 
Theo lịch trình, đoàn Bộ Truyền thông Cuba sẽ làm việc với các Vụ, Cục quản lý về công nghệ thông tin và nội dung số của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, thăm và làm việc với Tập đoàn VNPT…
 
 
Giang Phạm
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top