Nhờ vận dụng tốt phương châm của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương “Chủ động phòng tránh – Đối phó kịp thời – Khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” và linh hoạt trong việc vận dụng phương châm chỉ đạo "4 tại chỗ", Bộ Thông tin và Truyền thông và địa phương các cấp cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp bưu chính viễn thông đã đáp ứng được nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an toàn thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai từ Trung ương – Tỉnh – Huyện và trọng điểm thiên tai. Nhờ đó, hệ thống hạ tầng mạng viễn thông công cộng đã được đầu tư nâng cấp và mở rộng cùng với việc triển khai nhiều giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ kết hợp với hệ thống thông tin chuyên dùng đã đáp ứng tốt nhất mọi yêu cầu về thông tin phục vụ sự chỉ đạo của các cấp với nhiều phương thức, thông suốt, chất lượng tốt. Hệ thống Đài Truyền thanh duyên hải Việt Nam đã thực hiện công tác tiếp nhận và phát quảng bá chính xác, kịp thời, đủ tần suất, phủ sóng tin cậy các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai trên biển bằng các phương thức và trên các tần số quy định; …
Song, do diễn biến thời tiết, khí tượng thủy văn năm 2012 diễn ra bất thường nên thiệt hại do bão gây ra vẫn rất lớn: tổng thiệt hại trực tiếp do thiên tai gây ra đối với mạng lưới viễn thông của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam khoảng 58,7 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2011. Và 35 tỷ đồng là số tiền mà Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel phải bỏ ra để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Bão lũ đã gây ảnh hưởng hoạt động khai thác, vận chuyển bưu chính tại nhiều vùng, gây thiệt hại 2,7 tỷ đồng cho Tổng công ty Bưu điện (trước đây là Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam)…
Năm 2013 với nhiều biến đổi khó lường của khí hậu, để chủ động đối phó với thiên tai trong năm 2013, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-BTTTT ngày 28/5/2013 về công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, quán triệt và thực hiện nghiêm túc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, của Chính phủ và của Bộ Thông tin và Truyền thông về phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các doanh nghiệp hạ tầng mạng nghiên cứu xây dựng và ban hành triển khai thực hiện kế hoạch dài hạn và có lộ trình thực hiện cho từng năm về công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai; tiếp tục thực hiện chủ trương nâng tầng, kiên cố hóa nhà trạm, phòng máy, ngầm hóa và kiên cố hóa mạng ngoại vi; tiếp tục triển khai củng cố, tăng cường và phát triển thông tin di động vùng ven biển thông qua các việc triển khai xây lắp các trạm BTS công suất lớn ven biển vừa phục vụ sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; …
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhấn mạnh: bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, các văn bản pháp luật liên quan tới việc phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục kiện toàn Bộ máy Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Các cơ quan thông tấn báo chí: Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Trung tâm Thông tin Bộ, Báo Bưu điện, báo Việt Nam net, các tạp chí thuộc Bộ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, các thông tin về công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của ngành Thông tin và Truyền thông. Cùng với đó, hệ thống thông tin cơ sở phải vào cuộc tích cực, hệ thống truyền thanh không dây cần được tận dụng hơn nữa nhằm thông báo kịp thời cho bà con những thông tin mới nhất về bão lũ. Năm 2013 cũng là năm sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, giai đoạn 2008 – 2012, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thành các văn bản liên quan để báo cáo lên Bộ trưởng.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2012.