Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời kiến nghị của cử tri TP⋅ Hải Phòng gửi sau kỳ họp thứ Hai và kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV

Thứ sáu, 25/03/2022 12:15

Công văn số 868/BTTTT-VP ngày 11/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

 Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022, nội dung kiến nghị như sau:

Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT ngày 24/02/2020 quy định về lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, chưa phù hợp, gây khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai việc đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước. Cụ thể như sau:

+ Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư: Theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP và khoản 1 Điều 6 Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT thì đối với các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên có mức kinh phí trên 200 triệu đồng đến 15 tỷ đồng thì phải lập Đề cương và dự toán chi tiết, thẩm quyền phê duyệt Đề cương và dự toán chi tiết được xác định căn cứ theo các quy định của pháp luật về thẩm quyền, phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan đơn vị. Theo quy định của Luật Quản lý tài sản công, việc phân cấp thẩm quyền mua sắm tài sản công thuộc thấm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và xác định theo từng loại tài sản cụ thể (tài sản là trụ sở làm việc, phương tiện đi lại, tài sản thuộc danh mục hàng hóa mua sắm tập trung...). Tuy nhiên, trong các loại tài sản được xác định theo Luật Quản lý tài sản công không có tài sản là “hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin”, do vậy quy định dẫn chiếu như Nghị định số 73/2019/NĐ-CP và Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT làm cho địa phương không xác định được thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 51 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, đối với các hoạt động ứng dụng đầu tư công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên có mức kinh phí trên 15 tỷ đồng thì “chủ trương đầu tư, thẩm quyền quyết định đầu tư, xác định chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”. Tuy nhiên, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành không có nội dung quy định về chủ trương đầu tư, thẩm quyền quyết định đầu tư cũng như việc xác định chủ đầu tư.

+ Về thẩm định Đề cương và dự toán chi tiết đối với các hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên có mức kinh phí trên 200 triệu đồng đến 15 tỷ đồng: Tại điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT về thẩm quyền thẩm định đề cương và dự toán chi tiết quy định: “Đối với đề cương và dự toán chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp hoặc theo phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ tại địa phương, đơn vị thẩm định về phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ là đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh”. Như vậy, Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT chỉ quy định về thẩm quyền thẩm định phương án, giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong Đồ cương và dự toán chi tiết; không quy định về thầm quyền thẩm định dự toán chi tiết. Do đó, việc xác định thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện thẩm định Đề cương và dự toán chi tiết đối với các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin rất khó khăn.

Cử tri đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Nghị định số 73/2019/NĐ-CP và Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT để sửa đổi cho phù hợp.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:

1. Hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin quy định tại khoản 2 Điều 51 Nghị định 73/2019/NĐ-CP là hoạt động thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu và có mức kinh phí trên 200 triệu đồng đến 15 tỷ đồng.

Thẩm quyền phê duyệt hoạt động này được quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 03/2020/TT-BTTTT: “Thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết được xác định căn cứ theo các quy định của pháp luật về thẩm quyền, phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị”.

Pháp luật hiện hành quy định về thẩm quyền, phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan đơn vị là Điều 5 Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Cụ thể quy định:

“2. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

3. Thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp quyết định việc mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ đối với nội dung, danh Mục dự toán mua sắm có giá trị thuộc phạm vi được cơ quan có thẩm quyền phân cấp; đồng thời được quyết định mua sắm các nội dung, danh Mục dự toán mua sắm có giá trị không quá 100 triệu đồng trong phạm vi dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền giao.”

Như vậy, pháp luật ngân sách nhà nước đã có quy định về phân cấp thẩm quyền quản lý, phê duyệt nhiệm vụ chi thường xuyên. Hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 51 Nghị định 73/2019/NĐ-CP cũng là một loại nhiệm vụ chi thường xuyên. Vì vậy, Nghị định 73/2019/NĐ-CP và Thông tư 03/2020/TT-BTTTT không quy định lại mà dẫn chiếu đến, bảo đảm thống nhất, không chồng chéo.

Đề nghị cử tri thành phố Hải Phòng căn cứ quy định tại Điều 5 của Thông tư số 58/2016/TT-BTC nói trên để xác định thẩm quyền phê duyệt.

2. Xác định chủ trương đầu tư tại điểm b, khoản 3, Điều 51 Nghị định 73/2019/NĐ-CP.

Theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 42 Luật Ngân sách nhà nước: “Dự toán chi thường xuyên được lập trên cơ sở nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định”.

Như vậy: Chủ trương thực hiện hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước quy định tại khoản 3, Điều 5,1 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP (chủ trương đầu tư) chính là nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 42 Luật Ngân sách nhà nước.

3. Thẩm quyền thẩm định dự toán

Căn cứ điểm a, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT, người có thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết thành lập hội đồng thẩm định hoặc giao cho đơn vị chuyên môn trực thuộc làm đầu mối thẩm định (gọi chung là đơn vị đầu mối thẩm định).

Căn cứ điểm a, khoản 2, Điều 7, Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT, đơn vị đầu mối thẩm định tổ chức thẩm định đề cương và dự toán chi tiết theo các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 7.

Căn cứ khoản 3, Điều 7, Thông tư 03/2020/TT-BTTTT, nội dung thẩm định đề cương và dự toán chi tiết bao gồm các nội dung thẩm định về dự toán (điểm b, c).

Như vậy, ngoại trừ nội dung thẩm định về phương án, giải pháp, kỹ thuật, công nghệ thuộc thẩm quyền thẩm định của đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin thì các nội dung thẩm định khác của đề cương và dự toán chi tiết, bao gồm nội dung thẩm định về dự toán thuộc thẩm quyền thẩm định của đơn vị đầu mối thẩm định.

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top