Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 2081/BDN ngày 30/12/2022 về việc chuyển kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nội dung kiến nghị như sau:
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
Việc triển khai phủ sóng viễn thông tại các vùng lõm trên cả nước:
Tính đến thời điểm 01/01/2021, cả nước còn 2418 thôn/bản chưa có sóng đi động (số liệu được tổng hợp từ báo cáo của các địa phương theo đề nghị của Bộ TTTT tại văn bản số 3673/BTTTT-VTF ngày 22/9/2021). Hầu hết các thôn/bản chưa có sóng nói trên là các thôn/bản thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng kinh doanh không hiệu quả theo cơ chế thị trường.
Xác định việc phủ sóng các thôn/bản nói trên là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần phát triển kinh tế xã hội, thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn với vùng sâu, vùng xa và bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền biên giới, hải đảo quốc gia. Trong năm 2021 và năm 2022, Bộ TTTT đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông di động lên kế hoạch triển khai phủ sóng cho 2418 thôn/bản chưa có sóng nói trên.
Kết quả đến 30/9/2022, các doanh nghiệp viễn thông di động đã phủ sóng được cho 2152 thôn trên toàn quốc. Tại các thôn/bản đã được phủ sóng, người dân đã có thể sử dụng các dịch vụ viễn thông với chất lượng đảm bảo. Còn lại 266 thôn chưa phủ sóng được do:
- Một số thôn chưa có điện hoặc đã có điện nhưng điện lưới không đảm bảo cho hoạt động của trạm thu phát sóng di động: số thôn này là 148 thôn.
- Một số thôn dân cư ít, lại thưa thớt không tập trung, sinh sống rải rác tại các địa điểm khác nhau, chưa có đường giao thông, xe cơ giới không vào được gồm có 88 thôn.
- Một số thôn do điều kiện khách quan, chưa phủ sóng được do gặp thời tiết và địa hình bất lợi gồm 30 thôn. Các thôn này các doanh nghiệp viễn thông cam kết sẽ cố gắng hoàn thành phủ sóng trong quý I/2023.
Việc triển khai phủ sóng viễn thông tại các vùng lõm tại Thái Nguyên:
Riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tính đến thời điểm trước 01/01/2021, còn 120 thôn chưa có sóng băng rộng di động (số liệu được tổng hợp từ báo cáo của Sở TTTT tỉnh Thái Nguyên tại văn bản số 1546/STTTT-BCVT ngày 08/10/2021). Đến 30/9/2022, các doanh nghiệp viễn thông đã phủ sóng được cho 115 thôn, còn lại 05 thôn[1] chưa được phủ sóng. Dự kiến trong Quý I/2023, các doanh nghiệp viễn thông sẽ hoàn thành phủ sóng cho 05 thôn còn lại.
Ngày 14/11/2022, Bộ TTTT tiếp tục có văn bản gửi các địa phương đề nghị tiếp tục rà soát và gửi danh sách bổ sung các thôn chưa có sóng (văn bản số 5563/BTTTT-CVT). Sở TTTT Thái Nguyên đã có văn bản trả lời số 2817/STTTT-BCVT ngày 29/11/2022 báo cáo trên địa bàn còn 33 thôn chưa có sóng băng rộng di động, trong đó có 26 thôn đã có điện sản xuất đảm bảo cho hoạt động của trạm BTS.
Giải pháp trong thời gian tới:
Trên cơ sở báo cáo bổ sung của địa phương, Bộ TTTT sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông di động rà soát, lên kế hoạch triển khai hạ tầng đảm bảo đến năm 2025 tất cả các thôn đã có điện (điện sản xuất đảm bảo cho trạm BTS hoạt động ổn định) đều được phủ sóng băng rộng di động.
Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp viễn thông di động hoàn thành kế hoạch phủ sóng các thôn chưa có sóng băng rộng di động, trong thời gian tới đề nghị đại biểu có ý kiến với UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chỉ đạo điện lực địa phương:
- Triển khai hạ tầng điện lưới (điện dùng cho sản xuất kinh doanh) tại các thôn chưa có điện.
- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông được sử dụng chung hạ tầng điện lực để triển khai hạ tầng viễn thông.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên để trả lời cử tri./.
[1] Thôn Tiền Tiến, xã Bình Sơn, Thành phố Sông Công; Thôn Khau Diều, xã Định Biên, huyện Định Hóa; thôn Suối Găng, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ; xóm 10, xã Phúc Tân, Thị xã Phổ Yên; xóm 11, xã Phúc Tân, Thị xã Phổ Yên