Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 1611/BDN ngày 23/11/2023, nội dung kiến nghị như sau:
Hiện nay các số thuê bao điện thoại di động đã được định danh cá nhân. Tuy nhiên, cử tri phản ánh việc ngày càng có chiều hướng bị các thuê bao khác gọi tới chào mời các dịch vụ hay lừa đảo gia tăng. Cử tri đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng có ý kiến, kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường bảo mật thông tin cá nhân đồng thời kiểm tra, chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại này.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
Trong thời gian qua, nhằm hạn chế tối đa tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, Bộ TTTT đã chỉ đạo các đơn vị, các doanh nghiệp triển khai nhiều biện pháp như:
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trong năm 2023, mỗi tháng các doanh nghiệp viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác, 50.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thuê bao có giấy tờ tùy thân đăng ký, sở hữu ≥ 10 SIM/01 giấy tờ tuỳ thân, góp phần ngăn chặn tình trạng phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
- Ngày 24/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi), các điều, khoản trong Luật đã quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác; nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký sử dụng.
- Tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng dịch vụ viễn thông về các cuộc gọi lừa đảo.
- Để tăng cường bảo mật thông tin cá nhân, người dùng cần phải thực sự ý thức việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, không cung cấp các thông tin, số điện thoại, căn cước công dân, cũng như các thông tin khác cho người lạ để đề phòng rủi ro. Ví dụ: cung cấp số điện thoại cho mạng xã hội, các chương trình chăm sóc khách hàng, chương trình chăm sóc sức khỏe...
- Cảnh báo, hỗ trợ kịp thời các tổ chức ngay khi phát hiện lộ lọt thông tin cá nhân.
Các giải pháp Bộ TTTT sẽ triển khai trong thời gian tới:
- Triển khai các biện pháp bảo đảm SIM chính chủ, xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM; phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào cơ sở dữ liệu dân cư theo quy định của Luật Căn cước để góp phần xác định thuê bao chính chủ.
- Chỉ đạo các nhà mạng khóa 02 chiều và thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn đang tồn kênh.
- Tăng cường thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ dữ liệu cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua mạng xã hội, điện thoại...thông báo cho người dân cách phản ánh cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo qua hệ thống 5656, 156.
- Phối hợp với Bộ Công an tổ chức các đợt thanh kiểm tra về bảo vệ dữ liệu cá nhân, xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ lọt thông tin, mua, bán dữ liệu cá nhân.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng để trả lời cử tri./.