Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Khánh Hòa gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thứ ba, 08/10/2024 14:36

Công văn số 4080/BTTTT-VP ngày 27/9/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Khánh Hòa gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Khánh Hòa do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024, nội dung kiến nghị như sau:

Hiện nay, tình trạng hack tài khoản mạng xã hội để lừa vay tiền diễn ra thường xuyên trên không gian mạng, dễ làm người thân, bạn bè chủ tài khoản bị hack sập bẫy; tình trạng tin nhắn, cuộc gọi để lừa đảo ngày càng nhiều, mất kiểm soát. Mặc dù được Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an có nhiều biện pháp tuyên truyền nhưng tình trạng trên vẫn không giảm và ngày càng tinh vi hơn. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có biện pháp xử lý triệt để, tránh gây mất tài sản cũng như gây bức xúc trong Nhân dân.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:

Lừa đảo trực tuyến hiện nay đang diễn ra trên diện rộng và không chỉ ở Việt Nam chúng ta mà trên phạm vi toàn cầu, như là một hệ lụy của chuyển đổi số. Để xử lý vấn đề này cần sự vào cuộc đồng thời của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành.

- Thứ nhất, tuyên truyền vẫn là một giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính lâu dài. Bộ TTTT đã chỉ đạo các báo, đài lớn tổ chức các chuyên mục để cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Đặc biệt Bộ TTTT đã sử dụng hệ thống thông tin cơ sở là loa phát thanh phường, xã để thông tin thường xuyên tới người dân.

Bộ TTTT đã xây dựng và triển khai phổ biến các nội dung tuyên truyền giúp người dân trên cả nước nhận diện, phòng chống lừa đảo, có sự tham gia của người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội - KOL. Qua đó, lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp về phòng chống lừa đảo đến đông đảo người dân.

- Thứ hai, Bộ TTTT đã phối hợp với Bộ Công an để xử lý và triệt phá một số đường dây lừa đảo trực tuyến thời gian qua.

- Thứ ba, Bộ TTTT đã chỉ đạo các nhà mạng đầu tư công nghệ nếu cơ quan nhà nước dùng điện thoại liên hệ với người dân sẽ hiện tên của cơ quan nhà nước trên máy điện thoại di động hoặc điện thoại cố định có màn hình, trong trường hợp điện thoại cố định không có màn hình thì người dân có thể yêu cầu gọi điện lại qua số di động để xác nhận tên cơ quan nhà nước, nếu không có tên thì người dân không nên tin.

- Thứ tư, Bộ TTTT đã chỉ đạo rất mạnh mẽ các nhà mạng xử lý sim rác, nhiều chục triệu sim rác đã được xử lý. Bộ TTTT đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao, xử lý các trường hợp vi phạm. Từ năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành xác thực hơn 125 triệu thuê bao từ đó xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ cũng đã nêu rõ quan điểm từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ TTTT sẽ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm (có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển thuê bao), đồng thời Bộ TTTT sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở Người đứng đầu các doanh nghiệp. Hiện tại, Bộ TTTT (Cục Viễn thông) đã và đang triển khai các đoàn kiểm tra về quản lý thông tin thuê bao di động tại các doanh nghiệp viễn thông di động, tới thời điểm hiện tại, Bộ TTTT đã đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới trong 2 tháng của 03 doanh nghiệp viễn thông di động: Vietnamobile, VNSKY đình chỉ từ ngày 01/7/2024 đến ngày 31/8/2024; Mobicast đình chỉ từ ngày 06/6/2024 đến ngày 05/8/2024. Đây là một hình thức xử lý rất nặng đối với các nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của Bộ TTTT trong vấn đề xử lý SIM rác, SIM không chính chủ, rất mong nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của cử tri, người dân và xã hội.

- Thứ năm, lừa đảo trực tuyến hay lập các trang web giả mạo của cơ quan nhà nước. Bộ TTTT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn gán nhãn xanh cho các trang web của cơ quan nhà nước và các tổ chức đã được xác thực. Người dân khi vào các trang web không thấy có nhãn xanh phải cẩn trọng hơn.

- Thứ sáu, Bộ đã thiết lập một đầu mối để tiếp nhận phản ánh về các lừa đảo trực tuyến để hỗ trợ người dân.

Ngoài tiếp tục thực hiện những biện pháp nêu trên, Bộ TTTT triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến, được kết nối với nhiều nền tảng khác nhằm giúp phát hiện và ngăn chặn sớm các đường link lừa đảo .

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Khánh Hòa, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa để trả lời cử tri./.

Bộ Thông tin và Truyền thông
banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top