Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Nông do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 580/VPCP-QHĐP ngày 22/01/2022, nội dung kiến nghị như sau:
a) Cử tri đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên nhiều phương diện về các chính sách trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 để người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt và hoàn thiện các thủ tục xin nhận hỗ trợ.
b) Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay khi người dân thực hiện khai báo y tế còn nhiều ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh; ngoài ra ngành giao thông cũng có ứng dụng riêng gây bất tiện, phát sinh thủ tục cho người dân trong việc tham gia giao thông. Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ cần xem xét khắc phục, đảm bảo sử dụng 01 ứng dụng chung thống nhất, tránh gây phiền hà cho người dân khi làm việc với các cơ quan hành chính và lưu thông, vận chuyển.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:
a) Cử tri đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên nhiều phương diện về các chính sách trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 để người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt và hoàn thiện các thủ tục xin nhận hỗ trợ.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã chỉ đạo Bộ TTTT phối hợp với các cơ quan chức năng định hướng, điều tiết thông tin, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên báo chí và trên các nền tảng số, đảm bảo kịp thời, chính xác về tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch hiệu quả; vận động người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid -19; duy trì tỷ lệ tin, bài liên quan đến các giải pháp ổn định kinh tế, sản xuất kinh doanh ở mức cao; hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tin, bài gây hoang mang, bảo đảm phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời thông tin thiếu chuẩn xác, chưa kiểm chứng.
- Ngày 25/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1438/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có thành lập Tiểu ban Truyền thông. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Bộ TTTT, Trưởng Tiểu ban Truyền thông đã ban hành các Quyết định về Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ các thành viên Tiểu ban Truyền thông, thành lập Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hà Nội; Kế hoạch chung[1] và 08 Kế hoạch tuần[2] để chỉ đạo công tác truyền thông, công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với từng giai đoạn.
- Ngày 28/10/2021, Bộ trưởng Bộ TTTT, Trưởng Tiểu ban Truyền thông có văn bản số 27/TBTT đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Tiểu ban Truyền thông của địa phương và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 01 tuần/lần. Tiểu ban Truyền thông, Ban Chỉ đạo Quốc gia tăng cường phối hợp với Tiểu ban Truyền thông các tỉnh, thành phố để thống nhất chỉ đạo công tác truyền thông phòng, chống dịch Covid -19 trên toàn quốc.
- Bộ TTTT, Tiểu ban Truyền thông tiếp tục bám sát quan điểm, chỉ đạo mới, thông điệp quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid -19 và các Kế hoạch của Tiểu ban truyền thông, đặc biệt là Kế hoạch chung (Kế hoạch số 03/KH-TBTT) và Kế hoạch số 23/KH-TBTT giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” để chỉ đạo công tác truyền thông, công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, phối hợp chặt chẽ với Tiểu ban Truyền thông các tỉnh, thành phố để thống nhất chỉ đạo công tác truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, tăng cường thông tin tích cực là dòng chảy chính, dẫn dắt không gian truyền thông.
- Bộ TTTT tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan cung cấp thông tin cho báo chí, đảm bảo khâu cung cấp thông tin từ gốc thống nhất, chính xác, đánh giá về tác động xã hội, tác động truyền thông từ khâu bàn bạc, tham mưu chính sách.
- Triển khai 24/24 giờ việc rà quét, đo đạc, phát hiện và chủ động điều chỉnh để điều tiết mật độ thông tin, đồng thời kiên quyết xử lý các cơ quan báo chí vi phạm các chỉ đạo về thông tin, tuyên truyền trong tình hình dịch bệnh.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở Trung ương và Tiểu ban Truyền thông các tỉnh, thành phố đẩy mạnh rà soát, phát hiện, ngăn chặn thông tin xấu, độc, nhận diện, xử lý tin giả, tin sai sự thật trên môi trường mạng.
- Bộ TTTT tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của công tác truyền thông sau khi “Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid -19 giai đoạn 2021-2023”được ban hành, với mục tiêu nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch Covid-19 là:
+ Thường xuyên chủ động cung cấp thông tin chính thống kịp thời, khoa học, chính xác liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid -19.
+ Truyền thông về phòng, chống dịch Covid -19 phải hướng tới nhận thức và thay đổi hành vi của nhân dân được nâng lên, tạo niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân với các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19.
+ Chủ động huy động các cơ quan truyền thông, báo chí đấu tranh, phản bác mạnh mẽ các quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn các thông tin xấu độc, tin giả, tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội.
+ Nâng cao hơn nữa hiệu quả về truyền thông gắn với việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước; thúc đẩy tính tự giác, tích cực của người dân trong phòng, chống dịch; lan tỏa các kinh nghiệm hay, tấm gương tốt, truyền cảm hứng để cổ vũ toàn xã hội; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đối ngoại, quảng bá hình ảnh Việt Nam phòng, chống dịch hiệu quả và khôi phục sản xuất an toàn.
- Bộ TTTT, Tiểu ban Truyền thông thực hiện báo cáo định kỳ gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia; từ đầu năm 2022 đến nay, đã ban hành 07báo cáo. Các báo cáo của Tiểu ban tổng hợp, nhận định không gian báo chí truyền thông, công nghệ trong tuần và có kiến nghị, đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia, trong đó có các chỉ đạo trọng tâm tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành nhằm hỗ trợ tối đa người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid -19.
- Trước những khó khăn, tổn thất do đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều chính sách an sinh xã hội đã được ban hành kịp thời, góp phần làm giảm thiểu khó khăn, hỗ trợ người lao động và những người yếu thế vượt qua đại dịch. Bộ TTTT đã chỉ đạo cả hệ thống thông tin, truyền thông tập trung đưa tin về các chính sách của Đảng, nhà nước, của các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19, với phương châm “mọi chính sách đều hướng về người dân”, cụ thể:
+ Trong năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là gói hỗ trợ đầu tiên với kinh phí 62.000 tỷ đồng, đã thực hiện được hơn 33.000 tỷ đồng cho gần 14,5 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
+ Năm 2021, trước những tác động nặng nề của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư khởi phát từ ngày 27/4, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, Quyết định số 23/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ này trị giá 26.000 tỷ đồng, gồm 12 chính sách hỗ trợ. Trong đó, có nguồn từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp.
+ Ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Gói hỗ trợ này có ngân sách khoảng 38.000 tỷ đồng, hỗ trợ khoảng hơn 13 triệu lao động và khoảng 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động, với kinh phí lấy từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
+ Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” phấn đấu đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất. Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ là một chiến lược ứng phó với dịch bệnh trong tình hình mới được người dân và doanh nghiệp hoan nghênh, đồng tình ủng hộ; tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch; chính sách chống dịch sẽ quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc; đặc biệt, giúp cho chính quyền địa phương, những người thực thi nhiệm vụ và người dân thay đổi nhận thức trong công tác phòng, chống dịch, từ đó, hình thành nên ý thức, trách nhiệm, thấy rõ vai trò quan trọng của từng thành phần tham gia vào công cuộc thích ứng lâu dài, linh hoạt, phòng ngừa và kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh…
- Việc thông tin, tuyên truyền được thực hiện trên tất cả các phương diện như: Các báo, tạp chí, các trang điện tử chuyên đề phòng, chống dịch; Đài phát thanh, truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở; Các ứng dụng kết nối mạng xã hội: Facebook Messenger, Instagram, Viber, Zalo, Youtube…
* Về giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:
- Bộ TTTT, Tiểu ban Truyền thông tiếp tục bám sát quan điểm, chỉ đạo thông điệp quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid -19 để điều tiết không gian báo chí, đảm bảo thông tin đúng định hướng, truyền thông đi trước để thống nhất nhận thức. Xây dựng và ban hành kế hoạch truyền thông phòng, chống dịch trong gia đoạn mới sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình phòng, chống dịch covid giai đoạn 2022-2023.
- Truyền thông rõ các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch; tuyên truyền về việc tiếp tục kiên định thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân cùng với mở cửa, phục hồi các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch.
- Theo dõi không gian báo chí, không gian mạng về việc học sinh đi học trở lại, việc mở cửa trở lại các hoạt động đi lại giữa Việt Nam và các nước, các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch, các chính sách hỗ trợ người dân ... và chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí tạo sự đồng thuận.
- Ban hành yêu cầu chức năng, tính kỹ thuật, chuẩn dữ liệu, chuẩn kết nối đối với các nền tảng, ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch Covid -19. Tổ chức đánh giá, công bố các nền tảng ứng dụng trước khi đưa vào sử dụng chính thức, ban hành thực hiện quản lý ra vào địa điểm bằng cách quét QR với hệ thống PC – COVID.
b) Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay khi người dân thực hiện khai báo y tế còn nhiều ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh; ngoài ra ngành giao thông cũng có ứng dụng riêng gây bất tiện, phát sinh thủ tục cho người dân trong việc tham gia giao thông. Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ cần xem xét khắc phục, đảm bảo sử dụng 01 ứng dụng chung thống nhất, tránh gây phiền hà cho người dân khi làm việc với các cơ quan hành chính và lưu thông, vận chuyển.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại các Thông báo kết luận số 241/TB-VPCP ngày 12/9/2021 và số 264/TB-VPCP ngày 10/10 tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Thông báo kết luận số 242/TB-BTTTT ngày 13/9/2021 tại cuộc họp về các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Bộ TTTT đã phối hợp với Bộ Công an và Bộ Y tế phát triển ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 để người dân sử dụng thuận tiện có tên là Ứng dụng PC- COVID đây là ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo ngày 25/9/2021.
Đối với ứng dụng VN-eID do Bộ Công an quản lý, là ứng dụng phục vụ định danh người dân, xác thực người dân; VN-eID cũng được tích hợp một số chức năng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; Ứng dụng Sổ Sức khỏe điện tử, trong đó có dữ liệu về tiêm chủng, do Bộ Y tế quản lý, là ứng dụng quản lý thông tin sức khỏe của cá nhân. Người dân sử dụng mã QRCode trên thẻ căn cước công dân gắn chíp, mã QR trên thẻ Bảo hiểm y tế hoặc sử dụng ứng dụng di động đều có thể ghi nhận vào, ra phục vụ kiểm soát dịch bệnh, dữ liệu đã được đồng bộ, liên thông giữa các ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ TTTT khuyến cáo các địa phương không phát triển thêm phần mềm ứng dụng phòng, chống dịch khác, thống nhất sử dụng ứng dụng phòng, chống dịch Covid -19 (PC- COVID) để thuận tiện nhất cho người dân. Một số địa phương tích hợp chức năng phòng, chống dịch vào ứng dụng đô thị thông minh đã có từ trước, Bộ TTTT đề nghị tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ TTTT để liên thông dữ liệu thông suốt trên toàn quốc.
[1] Kế hoạch số 03/KH-TBTT.
[2] Kế hoạch số 02/KH-TBTT với thông điệp “Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài”; Kế hoạch số 04/KH-TBTT với thông điệp “Thích ứng an toàn để trở lại cuộc sống bình thường mới”; Kế hoạch số 08/KH-TBTT với thông điệp “Phòng dịch tốt, giám sát hiệu quả, công nghệ thống nhất”; Kế hoạch số 13/KH-TBTT với thông điệp “Xét nghiệm là then chốt, vắc-xin là căn cơ để thích ứng an toàn có kiểm soát”; Kế hoạch số 18/KH-TBTT với thông điệp “Trên dưới một lòng, kiểm soát dịch thành công, phục hồi kinh tế-xã hội”; Kế hoạch số 33/KH-TBTT với thông điệp “Cảnh giác, chủ động để bảo vệ thành quả phòng, chống dịch”; Kế hoạch 37/KH-TBTT ngày 13/12/2021 với thông điệp “Phát huy trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phòng, chống dịch năm 2021”, Kế hoạch số 41/KH-TBTT ngày 22 tháng 12 năm 2021 với thông điệp “Hoàn thành mục tiêu tiêm chủng năm 2021 và triển khai mũi tiêm tăng cường, cảnh giác trước nguy cơ dịch gia tăng trong dịp lễ, Tết”, Kế hoạch số 03/KH-TBTT ngày 21 tháng 01 năm 2022 với thông điệp “Linh hoạt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng và sinh hoạt bình thường của nhân dân, vì một Tết Nhâm Dần sum họp, an toàn” để chỉ đạo công tác truyền thông, công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới và Kế hoạch giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” (Kế hoạch số 23/KH-TBTT).