Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024, nội dung kiến nghị như sau:
Câu 1: Hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ 4.0; tuy nhiên, trên không gian mạng hiện nay vẫn xuất hiện nhiều quảng cáo sai sự thật, thông tin chưa chính xác. Đặc biệt là còn xuất hiện các thông tin sai sự thật liên quan Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gây hoang mang trong dư luận. Cử tri kiến nghị cần có biện pháp cụ thể để ngăn chặn các thông tin xấu độc trên.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
Liên quan đến vấn đề ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, quảng cáo vi phạm trên không gian mạng, Bộ TTTT đã và đang triển khai các biện pháp sau đây:
- Tập trung rà quét, phát hiện và xử lý thông tin xấu độc, quảng cáo vi phạm, đặc biệt trên các mạng xã hội (MXH) như Facebook, YouTube, TikTok. Trường hợp xác định được nhân thân đối tượng vi phạm, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Trường hợp không xác định được nhân thân, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ các đường link quảng cáo vi phạm; yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ Internet thực hiện chặn tên miền/website quảng cáo vi phạm.
- Kiên quyết yêu cầu các MXH ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung thông tin xấu độc, quảng cáo vi phạm và tài khoản đăng tải; tăng cường giải pháp về công nghệ, AI và nhân lực để chủ động phát hiện, xử lý vi phạm.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; chỉ đạo các Sở TTTT phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa phương để rà quét, truy vết, xác định đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm.
- Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
+ Rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng tầm ảnh hưởng, lòng tin, tình cảm yêu mến của người dân để tung tin giả hoặc quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sai công dụng, tính năng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt và quyền lợi của người dân.
+ Xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo, trong đó chú trọng bổ sung các quy định sau: Bổ sung các quy định mới về quảng cáo trên mạng; Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động này của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ TTTT, đồng thời cũng phát huy và tăng cường được vai trò, trách nhiệm của các địa phương; Sửa đổi, bổ sung quy định về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo cho phù hợp với thực tế hiện này và phù hợp với xu thế phát triển. Đặc biệt, tham mưu bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các nền tảng xuyên biên giới để tạo căn cứ pháp lý cho biện pháp quản lý này.
- Phối hợp với Bộ Y tế để thẩm định, rà quét, phát hiện và xử lý các vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc đông y gia truyền và các sản phẩm y tế nói chung.
- Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc để quản lý không gian mạng: Ai quản lý lĩnh vực gì ngoài đời thực thì cũng quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng.
- Đề xuất hình thành mạng lưới xử lý tin giả, thông tin xấu độc quốc gia: Kết nối các bộ, ngành, địa phương với Trung tâm Xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam và hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm Xử lý tin giả, thông tin xấu độc tại các địa phương.
Câu 2: Thời gian qua, trên mạng xã hội có nhiều clip nhà sư rao giảng kinh phật trái phép, có nội dung xuyên tạc lịch sử, gây hoang mang trong dư luận. Cử tri kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng này.
Thời gian qua, trên mạng xã hội có nhiều clip nhà sư rao giảng kinh phật trái phép, có nội dung xuyên tạc lịch sử, gây hoang mang trong dư luận. Để giải quyết tình trạng này, Bộ TTTT đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm xử lý tình trạng này, như sau:
- Chỉ đạo tăng cường kiểm tra và xử lý nội dung vi phạm: Bộ đã chỉ đạo các Sở TTTT các tỉnh, thành phố phối hợp Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục An toàn thông tin tăng cường công tác rà soát xử lý, xử phạt các đối tượng trong nước phát tán thông tin vi phạm pháp luật sau khi xác minh.
- Chỉ đạo Trung tâm Xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam tăng cường xác minh, công bố các tin giả và gỡ bỏ các nội dung xấu độc trên không gian mạng.
- Chỉ đạo các nhà mạng triển khai các giải pháp kỹ thuật để rà soát, xử lý, ngăn chặn kịp thời các trường hợp phát tán thông tin vi phạm.
- Phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương nhằm xác minh thông tin, quản lý các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý các bộ, ngành, địa phương trên môi trường mạng, theo hướng các bộ, ngành quản lý lĩnh vực nào ở không gian thực sẽ phối hợp Bộ TTTT để quản lý lĩnh vực đấy trên không gian mạng (đối với các vấn đề về tôn giáo sẽ tiếp tục phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Nội vụ để xác minh, chỉ đạo xử lý kịp thời các nhà sư rao giảng thông tin bịa đặt, xuyên tạc). Thành lập mạng lưới xử lý tin giả, thông tin xấu độc quốc gia để chủ động kiểm tra, xử lý, phản bác, cung cấp thông tin kịp thời cho dư luận, nhân dân tránh hiện tượng các thông tin giả, thông tin xuyên tạc, xấu độc lan truyền gây hoang mang trong các tầng lớp nhân dân.
- Đấu tranh, yêu cầu các nền tảng như Google, Facebook và TikTok ngăn chặn và gỡ bỏ các nội dung vi phạm, đặc biệt gỡ bỏ kịp thời các clips, thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội.
- Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng mạng Internet, tạo sức "đề kháng" của nhân dân trên môi trường mạng. Tuyên truyền, phổ biến Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng nhằm cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân dùng mạng Internet để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc. Đặc biệt, thông qua báo chí và các phương tiện truyền thông, Bộ đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phản bác thông tin xấu, độc, thông tin sai trái lan truyền trên mạng.
Bộ đã tập trung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để tạo hành lang pháp lý phù hợp cho công tác quản lý thông tin trên mạng, góp phần hạn chế tình trạng tung tin xuyên tạc, tin giả, tin sai sự thât trên không gian mạng. Phối hợp với Bộ Công an để đề xuất sửa đổi Luật An ninh mạng năm 2018, Bộ TTTT đang xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trong đó có bổ sung các quy định về xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại di động để tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ hành vi người dùng khi tham gia mạng xã hội, tránh các hiện tượng tài khoản ẩn danh, vô danh kích động, lừa đảo trên mạng. Đến nay, Bộ TTTT đã hoàn thiện dự thảo của Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP để trình Chính phủ ban hành trong năm 2024.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tích cực triển khai các quy định mới tại các văn bản pháp luật mới được ban hành, tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp quản lý thông tin trên mạng như trên, đặc biệt chú trọng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để nâng cao công tác quản lý thông tin trên mạng, đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sử dụng, tiến tới thúc đẩy người dân sử dụng các kênh thông tin chính thống trên mạng Internet.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận để trả lời cử tri./.
Bộ Thông tin và Truyền thông