Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Phước do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023, nội dung kiến nghị như sau:
Hiện nay, việc quảng cáo sản phẩm, nhất là các thực phẩm chức năng trên Internet, các kênh truyền hình có nhiều bất cập. Các nghệ sĩ, diễn viên được thuê quảng cáo sai sự thật, phóng đại tác dụng của sản phẩm nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Đề nghị nghiên cứu có biện pháp khắc phục tình trạng quảng cáo sai sự thật về công dụng của sản phẩm, giúp người dân đánh giá đúng tác dụng sản phẩm để tiêu dùng.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến trả lời như sau:
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung rà soát, xử lý nghiêm tình trạng quảng cáo sai sự thật, lừa đảo trên mạng thông qua việc triển khai các biện pháp cụ thể như sau:
- Rà quét, phát hiện và xử lý các quảng cáo vi phạm pháp luật trên mạng, đặc biệt tập trung trên 02 nền tảng mạng xã hội lớn có nhiều vi phạm là Facebook và YouTube.
Đối với trường hợp xác định được nhân thân đối tượng vi phạm, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Đối với trường hợp không xác định được nhân thân, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm; thực hiện chặn tên miền/website quảng cáo vi phạm không hợp tác hoặc không xác định được nguồn.
- Yêu cầu các báo điện tử, mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp và đại lý quảng cáo trong nước rà soát, kiểm soát chặt hoạt động quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới, kiểm duyệt chặt chẽ nội dung quảng cáo, dừng hợp tác với các nền tảng quảng cáo có nhiều vi phạm.
- Tổ chức đoàn kiểm tra các đại lý quảng cáo trong nước có hợp tác với nền tảng quảng cáo xuyên biên giới.
- Đối với các sản phẩm quảng cáo thuộc chuyên ngành quản lý của các Bộ, ngành khác, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành có liên quan đều có trách nhiệm chủ động rà soát, phát hiện và phối hợp để xử lý theo nguyên tắc: các Bộ quản lý chuyên ngành xác định nội dung quảng cáo vi phạm theo quy định chuyên ngành; các Bộ sẽ chủ trì xử lý các quảng cáo khi tự phát hiện; chuyển Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý, ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm; Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý quảng cáo trên các nền tảng báo điện tử, mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.
* Kết quả xử lý:
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành kiểm tra 09 đại lý quảng cáo; tổ chức làm việc với khoảng 60 đại lý quảng cáo và doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo gắn vào các nội dung vi phạm pháp luật; xử phạt hành chính 22 doanh nghiệp với tổng số tiền 317,5 triệu đồng.
Kết quả chặn, gỡ của các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới (từ năm 2018 đến nay):
+ Facebook đã gỡ bỏ 484 fanpages liên quan đến quảng cáo trò chơi cờ bạc, game đổi thưởng; 72 tài khoản, fanpages liên quan đến quảng cáo, buôn bán vũ khí, vật nổ, chất liệu gây nổ, hóa đơn trái phép; 2.459 link quảng cáo có hoạt động buôn bán các dịch vụ bất hợp pháp như hàng giả, hàng nhái, buôn bán động vật hoang dã, vũ khí, tiền giả.
+ Google đã ngăn chặn 632 video quảng cáo mua bán, săn bắn động vật hoang dã, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ; hơn 2.000 quảng cáo và tài khoản quảng cáo trên YouTube về thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe đông y gia truyền, thần y, thần dược, cam kết chữa trị dứt điểm bệnh tật.
* Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai các giải pháp trọng tâm như sau:
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trực tuyến; chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông địa phương phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa phương để rà quét, truy vết, xác định đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm.
- Đặc biệt xử lý nghiêm các nghệ sỹ, người nổi tiếng lợi dụng tầm ảnh hưởng, lòng tin, tình cảm yêu mến của người dân để quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sai công dụng, tính năng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt và quyền lợi của người dân. Bên cạnh việc xử lý vi phạm hành chính, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng Quy trình thí điểm nhằm kiểm soát, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội của nghệ sĩ, người nổi tiếng, người hoạt động nghệ thuật, như: cân nhắc việc cho phép biểu diễn, quảng cáo, kiểm soát chặt chẽ việc đăng tải, phát sóng thông tin, hình ảnh, hoạt động của người vi phạm trên báo đài, không gian mạng.
- Kiên quyết yêu cầu các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ các quảng cáo, tài khoản quảng cáo vi phạm; không đặt quảng cáo của nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam vào nội dung vi phạm pháp luật; phối hợp cung cấp thông tin của chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quảng cáo.
- Xây dựng Quy chế phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành để phối hợp xử lý quảng cáo vi phạm. Với nhận thức thế giới thực ra sao, trên không gian mạng như vậy - ai quản lý lĩnh vực nào ở thế giới thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng, để quản lý hiệu quả không gian mạng cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của các Bộ, ngành, các tổ chức liên quan, khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới quản lý được hiệu quả, giải quyết được căn cơ các vấn đề.
- Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cảnh giác khi tiếp cận với các thông tin quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu thổi phồng công dụng và hiệu quả, hoặc gian dối, lừa đảo.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Phước, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước để trả lời cử tri./.