Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022, nội dung kiến nghị như sau:
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thường xuyên thực hiện đồng bộ một số giải pháp để nâng cao công tác tuyên truyền, tránh để các thế lực thù địch, phần tử phản động có cơ hội lợi dụng các tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương như:
- Tại giao ban báo chí hằng tuần, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương thường xuyên tổ chức mời các Bộ, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp thông tin cho lãnh đạo các cơ quan báo chí để tổ chức thông tin, tuyên truyền chính xác, kịp thời những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.
- Bộ TT&TT cũng thường xuyên có văn bản chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin và các sản phẩm thông tin cho các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là những chủ trương, chính sách, văn bản mới được ban hành, những vấn đề mà dư luận quan tâm, đặc biệt là các thông tin liên quan đến an ninh chính trị, chủ quyền quốc gia, trật tự an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng.
- Theo dõi, chỉ đạo định hướng, điều tiết thông tin, tuyên truyền về các chủ đề nóng trên báo chí và trên các nền tảng số;
- Bộ TT&TT liên tục rà soát các tin giả, tin sai sự thật trên môi trường mạng xã hội, phối hợp Facebook, Google, Tiktok để rà soát tin giả, tin sai sự thật. Vận hành website (tên tiếng Việt: Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam; tên tiếng Anh: Viet Nam Anti Fake news Center - VAFC) tại tên miền www.tingia.gov.vn.
Trong bối cảnh thời gian qua, dịch Covid - 19 có những diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo định hướng truyền thông trong từng giai đoạn phòng chống dịch, tránh gây hoang mang, lo lắng, đồng thời không để các đối tượng phản động lợi dụng để gây mất an ninh trật tự, Bộ TT&TT đã chỉ đạo, định hướng công tác truyền thông tới người dân, các cấp các ngành hiệu quả, cụ thể như sau:
- Trong năm 2021, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương mời 15 lượt cơ quan, đơn vị đến trao đổi, định hướng về công tác phòng, chống dịch Covid-19, tập trung: Định hướng về các văn bản chỉ đạo Trung ương, địa phương; dạy và học trong tình điều kiện dịch; cách hiểu, cách làm chưa thống nhất giữa các địa phương quy định về phòng, chống dịch; tuyên truyền Chiến lược vắc-xin; bao phủ tiêm vắc-xin trong cả nước, hướng dẫn thuốc điều trị Covid-19, chế độ bảo hiểm và công tác an sinh xã hội cho người dân...
- Bộ trưởng, Trưởng Tiểu ban Truyền thông đã ký, ban hành 02 Quyết định, 05 Kế hoạch tuần, 01 Kế hoạch chung và 01 Kế hoạch giai đoạn đảm bảo thống nhất, kịp thời, chính xác thông tin về tình hình, các quan điểm, chỉ đạo, giải pháp chống dịch hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia. Có văn bản số 27/TBTT ngày 28/10/2021, đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Tiểu ban Truyền thông của địa phương và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 01 tuần/lần, nhằm tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố để thống nhất chỉ đạo công tác truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc; Văn bản số 2764/BTTTT-CBC ngày 23/7/2021; số 1631/BTTTT-CBC ngày 20/5/2021 gửi các cơ quan liên quan phối hợp điều chỉnh cung cấp thông tin cho báo chí về phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo quy định quyền riêng tư cá nhân, hiệu quả phòng chống dịch, giữ trạng thái chủ động, không chủ quan, lơ là phòng chống dịch của người dân.
- Ngày 29/10/2021, Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tuyên truyền Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, với sự tham dự của 140 đại biểu là lãnh đạo cơ quan báo chí, phóng viên và hơn 30 cơ quan báo chí tham gia đưa tin. Bộ TT&TT cũng đã cung cấp 09 file âm thanh và 03 tài liệu tuyên truyền hướng dẫn các địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã và các phương tiện thông tin cơ sở khác đến các tầng lớp nhân dân.
- Bộ TT&TT đã duy trì tỷ lệ tin, bài liên quan đến các giải pháp ổn định kinh tế, sản xuất kinh doanh ở mức cao, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tin, bài gây hoang mang, bảo đảm phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh và xử lý kịp thời thông tin thiếu chuẩn xác, chưa kiểm chứng. Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến ngày 17/11/2021) các báo, tạp chí điện tử đã đăng tải tổng số 1.232.662 tin, bài liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và từ đầu năm 2022 đến ngày 28/02/2022 báo, tạp chí điện tử đã đăng 373,594 tin bài liên quan đến phòng chống dịch Covid-19.
- Trung bình mỗi tháng Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam tiếp nhận và xử lý hơn 400 phản ánh về tin giả của người dân, qua đó thực hiện xác minh và công bố các thông tin giả, tin sai sự thật và tin xác thực tránh gây hoang mang dư luận trong nhân dân.