Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu gửi tới trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Thứ năm, 05/09/2024 07:44

Công văn số 3622/BTTTT-VP ngày 30/8/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bạc Liêu gửi đến trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri phản ánh hiện nay trên các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin rác tràn lan, gây bức xúc trong xã hội, trong đó có những thông tin làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Đảng, nhà nước, các tổ chức và cá nhân. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần có biện pháp xử lý triệt để vấn đề này.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:

Không gian mạng hiện nay đang tồn tại nhiều thông tin xấu độc, tin giả, nội dung vi phạm pháp luật. Các mạng xã hội xuyên biên giới đang là công cụ được các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, lan truyền nội dung xấu, tin giả, lừa đảo trên mạng... Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Bộ TTTT xác định "không gian mạng đã trở thành trận địa chính", do đó, trong thời gian qua, Bộ đã chủ động nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nhằm quản lý hiệu quả hơn nội dung trên không gian mạng. Hiện nay, Bộ đang tập trung thực hiện các giải pháp như sau:

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật bảo đảm hiệu quả công tác quản lý không gian mạng, hạn chế tối đa các đối tượng lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, lừa đảo….[1]. Hiện nay, Bộ đã trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ trên Internet và thông tin trên mạng, trong đó bổ sung nhiều quy định để bảo đảm hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực này, tăng cường quản lý các mạng xã hội xuyên biên giới.[2]

2. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp đang kinh doanh, cung cấp dịch vụ trực tuyến trên không gian mạng và đặc biệt là của các doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội.[3]

3. Quyết liệt đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới, điển hình là Facebook, Google, TikTok… buộc các nền tảng này phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, phải ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xấu độc, tin giả, nội dung lừa đảo trên nền tảng của các đơn vị này. Nhờ đó, tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm pháp luật trên các nền tảng này đều có tăng theo từng giai đoạn[4] và các nền tảng này đều đáp ứng tốt hơn các yêu cầu ngày càng cao của Chính phủ Việt Nam.

4. Triển khai hệ thống kỹ thuật, chủ động rà soát không gian mạng: Vận hành Trung tâm Giám sát không gian mạng; Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc nhằm phát hiện kịp thời dấu hiệu lừa đảo, các thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật trên không gian mạng để chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn phù hợp, kịp thời; Kết nối các bộ, ngành, địa phương với Trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc Việt Nam để hướng dẫn thành lập Trung tâm xử lý tin giả tại các địa phương, hình thành mạng lưới xử lý tin giả, thông tin xấu độc quốc gia.

5. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để quản lý thông tin trên mạng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các dấu hiệu vi phạm, hành vi vi phạm, với nhận thức thế giới thực ra sao, trên không gian mạng như vậy - ai quản lý lĩnh vực nào ở thế giới thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng.[5]

6. Đẩy mạnh tuyến bài tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet, mạng xã hội, không còn lối suy nghĩ mạng xã hội là "vô danh nên vô trách nhiệm", không lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật…; kết nối, tập hợp các nhà sáng tạo nội dung, kênh nội dung trong nước để tổ chức các chiến dịch truyền thông chính sách, định hướng, khuyến khích sản xuất các nội dung tích cực trên mạng.

7. Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội; Phát hành cuốn "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng" nhằm cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân dùng mạng Internet để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả tin giả, tin sai sự thật.

8. Đặc biệt, do gần đây, vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng đang trở nên phức tạp dưới nhiều hình thức và ngày càng tinh vi, tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TTTT đã chủ trì cuộc họp, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị có liên quan triển khai ngay các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Một số giải pháp Bộ TTTT đã và đang triển khai nhằm ngăn chặn tình trạng lừa đảo qua mạng như: Xử lý nghiêm SIM rác; Xây dựng Black List các số điện thoại có dấu hiệu lừa đảo; Xây dựng cơ sở dữ liệu người bị lừa đảo trên không gian mạng và có cơ chế cập nhật liên tục để đảm bảo dữ liệu đúng, đủ, sạch, sống, phân tích dữ liệu để xác định, phân loại đối tượng chịu ảnh hưởng, làm đầu vào cho việc đề xuất các chính sách tác động hiệu quả, kịp thời…

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu để trả lời cử tri./.


[1] Từ năm 2018 đến nay, Bộ đã xây dựng trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sau: (1) Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; (2) Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ); (3) Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản (thay thế Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ); (4) Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; (5) Nghị đinh số 70/2021/NĐ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo; (6) Nghị định số 71/2022/NĐ-CP ngày 1/10/2022 của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình…

[2] Một số quy định mới trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP như: bổ sung quy định định danh tài khoản người dùng, chủ mạng xã hội có trách nhiệm gỡ bỏ thông tin bị người dùng khiếu nại là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân chậm nhất 48h, chỉ cho phép các tài khoản đã định danh mới được bình luận, viết bài, livestream trên mạng xã hội; yêu cầu các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới phải khóa tạm thời và khóa vĩnh viễn các tài khoản thường xuyên cung cấp thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam...

[3] Vừa qua, Bộ TTTT đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội chủ động triển khai các giải pháp cần thiết để bảo vệ người sử dụng, cảnh báo các dấu hiệu lừa đảo và cách xử trí khi gặp các tình huống này... Đồng thời, đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố chủ động kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội trên địa bàn trong việc triển khai các giải pháp bảo vệ người sử dụng; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật…

[4] Trước năm 2017, không thực hiện gỡ bỏ bất cứ nội dung nào; từ cuối năm 2017 đến năm 2019, tỷ lệ đáp ứng chỉ đạt khoảng 50 - 60%; từ năm 2020 đến giữa năm 2022, tỷ lệ đáp ứng đạt khoảng 90%; từ cuối 2022 đến nay, tỷ lệ đáp ứng trung bình là 92%.

[5] Phối hợp với Bộ Công an xác minh các hành vi vi phạm; Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các biện pháp hạn chế sự xuất hiện hình ảnh, sản phẩm nghệ thuật biểu diễn của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên báo chí, các phương tiện truyền thông (nhất là trên Facebook, YouTube, TikTok) khi có vi phạm về pháp luật hoặc vi phạm Quy tắc ứng xử trên không gian mạng...

Bộ Thông tin và Truyền thông

banner
icon

Cổng dịch vụ công
Quốc Gia

Những thông tin thủ tục hành chính
khai báo online tại đây

Xem chi tiết icon
icon

Chính sách
pháp luật Việt Nam

Cập nhật thông tin, chính sách
pháp luật Việt Nam

Xem chi tiết icon
icon

Giới thiệu
Sản phẩm dịch vụ

Nơi giới thiệu những sản phẩm,
dịch vụ tốt nhất dành cho bạn đọc

Xem chi tiết icon

Cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ

Doanh nghiệp

Top