Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 1418/BDN ngày 07/11/2022, nội dung kiến nghị như sau:
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:
Mạng Internet phát triển, số lượng người dùng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, một bộ phận người dùng vẫn có suy nghĩ không gian mạng là ảo, là “vô danh” nên tự do phát ngôn và không nghĩ đến hậu quả tiêu cực cho xã hội, cho cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng. Một trong những giải pháp trọng điểm khắc phục là tuyên truyền, nâng cao ý thức, kiến thức của người sử dụng, đặc biệt là ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật.
Giải pháp tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức:
- Sửa đổi Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet bổ sung trách nhiệm người sử dụng mạng; Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội và làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức căn cứ triển khai thực hiện và phổ biến nội dung của Bộ Quy tắc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và đặc thù của cơ quan, tổ chức của mình. Dựa trên Bộ Quy tắc nói trên, nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành các quy chế, quy tắc ứng xử của cơ quan, đơn vị mình và thực tế đã bước đầu có hiệu quả nhất định (ví dụ Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng quy tắc ứng xử chung của Nghệ sĩ…). Vấn đề là các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cùng xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của tổ chức mình.
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyến bài tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet, mạng xã hội, đặc biệt mỗi khi văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này được ban hành; đẩy mạnh việc lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực trên không gian mạng; khuyến khích, phát triển nội dung thông tin phù hợp với người Việt Nam trên mạng, qua đó góp phần phát triển tri thức, đồng thời hạn chế việc lợi dụng mạng để vi phạm pháp luật, hoặc truy cập vào các nội dung thông tin không lành mạnh, thông tin không có ích.
- Phối hợp với các bộ, ngành chủ động cung cấp thông tin, chủ động kiểm tra, xử lý, phản bác, cung cấp thông tin cho dư luận; thường xuyên tổ chức tập huấn cho các địa phương, bộ, ngành về truyền thông nâng cao ý thức cho người sử dụng và phương thức xác minh thông tin ở địa phương/phạm vi lĩnh vực phụ trách.
- Bộ TT&TT không ngừng nâng cao năng lực hệ thống giám sát thông tin trên không gian mạng nhằm phát hiện sớm các thông tin xấu, độc, thiếu tính xác thực, sử dụng ngôn từ phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục làm ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin, sự phát triển lành mạnh người dân trên không gian mạng, đặc biệt là giới trẻ để có thể tiến hành xác minh, xử lý thông tin.
- Bộ TT&TT đang thực hiện giám sát liên tục nhằm phát hiện sớm các xu hướng thông tin tiêu cực, tin giả ảnh hưởng đến an toàn và lành mạnh của môi trường mạng. Các trường hợp phát hiện sớm đều được các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông, Công an để xác minh và xử lý kịp thời. Đối với các nguồn thông tin chưa xác minh được đối tượng cụ thể, Bộ TT&TT cũng phối hợp với các đơn vị chức năng để tiến hành các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ.
Ngoài việc xử lý ngăn chặn, thời gian vừa qua, Bộ TT&TT cũng áp dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) lan tỏa các thông tin tích cực, thông tin chính sách mới của Đảng và Nhà nước lên các nền tảng mạng xã hội. Cụ thể đã thực hiện chia sẻ hàng chục nghìn lượt các bài viết tích cực lên các nền tảng mạng xã hội thu hút hàng chục triệu lượt tương tác.
- Xây dựng Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng nhằm cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân dùng mạng Internet để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả;
Từ năm 2021 đến tháng 12/2022, các đơn vị chức năng thuộc Bộ (Thanh tra Bộ, Cục PTTH&TTĐT) và các Sở TT&TT đã kiểm tra 141 vụ, thanh tra 10 vụ, ban hành 589 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động thông tin điện tử, mạng xã hội với tổng số tiền phạt 5.999.150.000 đồng.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TT&TT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bạc Liêu, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu để trả lời cử tri./.