Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 580/VPCP-QHĐP ngày 22/01/2022, nội dung kiến nghị như sau:
Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:
1. Về việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến việc tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 vào cuộc sống
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các quy định pháp luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ TTTT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện tổng rà soát và đã phát hiện một số văn bản quy phạm pháp luật có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp với thực tiễn.
Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TTTT với vai trò là Trưởng nhóm rà soát chính sách đã phối hợp với các bộ, ngành đưa ra những kiến nghị góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Kết quả cụ thể:
- Tổng số văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn: 39 văn bản gồm 19 Luật, 16 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 03 Thông tư;
- Văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo: 02 văn bản (trong đó có 01 Luật và 01 Nghị định);
- Nội dung quy định mâu thuẫn, chồng chéo: 04 nội dung;
- Văn bản có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn: 38 văn bản (trong đó có 19 Luật, 15 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng và 03 Thông tư);
- Nội dung quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn: 65 nội dung.
Các nội dung cụ thể liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông gồm:
+ Các quy định mâu thuẫn, chồng chéo:
i) Quy định, hướng dẫn về an toàn thông tin mạng được hướng dẫn đồng thời bởi Luật Công nghệ thông tin và Luật An toàn thông tin mạng;
ii) Quy định về thương mại điện tử và giao dịch điện tử được hướng dẫn đồng thời bởi Luật Công nghệ thông tin và Luật Giao dịch điện tử;
iii) Về ưu đãi đầu tư trong Luật Công nghệ thông tin chưa cụ thể hóa và chưa đồng bộ với các luật có liên quan;
iv) Nghị định số 72/2013/NĐ-CP chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết của Việt Nam, cụ thể là quy định cấp phép, thiết lập mạng xã hội; lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam; tiền kiểm nội dung trên mạng xã hội;
+ Các quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn:
Luật Công nghệ thông tin thiếu hành lang pháp lý đối với loại hình nội dung số xuyên biên giới; Chưa có các định danh mới về công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số; về ưu đãi thuế đối với khu CNTT tập trung.
Luật Viễn thông cần hoàn thiện một số quy định về phát triển hạ tầng viễn thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số (mở rộng hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số); tăng cường bảo vệ quyền lợi người dùng, nâng cao vai trò của cơ quan quản lý viễn thông trong bảo vệ người dùng; tăng cường trách nhiệm quản lý viễn thông, phối hợp liên ngành, liên lĩnh vực; phân nhóm quy định cụ thể theo từng lĩnh vực; hoàn thiện cơ chế pháp lý cho tài nguyên Internet, đặc biệt là tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”.
Luật Tần số vô tuyến điện: Các nội dung liên quan đến quản lý, cấp phép các tần số có giá trị thương mại cao; cho phép phát triển hoạt động nghiên cứu thử nghiệm công nghệ mới, sản xuất thiết bị vô tuyến điện để xuất khẩu và một số trường hợp đặc thù khi sử dụng tần số vô tuyến điện không phù hợp với các quy hoạch tần số vô tuyến điện. Nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ tần số và quỹ đạo vệ tinh... ; Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc xử lý nhiễu có hại được thuận lợi, hiệu quả.
Luật Bưu chính: Luật Bưu chính và các văn bản liên quan nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp bưu chính phát triển trong bối cảnh kinh tế số, bổ sung các chính sách khuyến khích doanh nghiệp bưu chính cung cấp các giải pháp, mô hình kinh doanh, công nghệ mới trong cung ứng dịch vụ bưu chính. Bổ sung các quy định về hạ tầng bưu chính để làm cơ sở cho việc mở rộng hoạt động bưu chính và phát triển các dịch vụ liên quan: Hạ tầng vật lý; hạ tầng số, phát triển nền tảng phục vụ hậu cần thương mại điện tử; kết nối, chia sẻ hạ tầng (hạ tầng dùng chung). Sửa đổi, bổ sung các quy định về đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính để theo kịp các hình thái phát triển mới, đặc biệt là trong môi trường số và phục vụ thương mại điện tử: Hợp đồng điện tử (nội dung, giao diện, lưu trữ, thiết bị truy cập,...); Quy định đặc thù về cạnh tranh trong bưu chính; quản lý giá cước và khuyến mại dịch vụ bưu chính; báo cáo, thống kê, thu thập và lưu trữ dữ liệu khách hàng (big data); cơ chế/nguyên tắc thử nghiệm áp dụng mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới trong cung ứng dịch vụ bưu chính.
- Sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ các bên liên quan trong cung ứng dịch vụ bưu chính (người sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp bưu chính, cơ quan có thẩm quyền): Hoàn thiện, bổ sung các quy định về bảo mật thông tin, dữ liệu, sự phối hợp liên ngành… Cải cách TTHC theo hướng cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa TTHC trong bưu chính: nhân sự; phương án kinh doanh,…
2. Về nội dung “Quản lý số hóa nền hành chính quốc gia để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn”:
Ở giai đoạn mới, quản lý số hóa nền hành chính quốc gia để phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn chính là việc chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong năm 2021, Bộ TTTT đã trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang Thông tin điện tử (TTĐT) hoặc cổng TTĐT của cơ quan nhà nước và Nghị định thay thế Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. 02 Nghị định quy định về chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện môi trường pháp lý, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực tế triển khai chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo nhu cầu cá thể hóa (của người dân, doanh nghiệp), theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu; bảo đảm thực hiện nhóm mục tiêu đầu tiên là “Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội” trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện tại, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP đang được xin ý kiến các thành viên Chính phủ để xem xét ban hành trong năm 2022.