Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024 và Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo công văn số 5887/VPCP-QHĐP ngày 19/8/2024, nội dung kiến nghị như sau:
Câu 1: Cử tri kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục có giải pháp triển khai đồng bộ về dữ liệu số để phục vụ việc khai thác, phát huy hiệu quả dữ liệu trong chuyển đổi số; quản lý, quản trị dữ liệu số, cơ sở dữ liệu; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia; đảm bảo khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng bộ giữa bộ, ngành với tỉnh, thành, huyện, quận; triển khai nền tảng số thu thập và quản lý dữ liệu; thúc đẩy, khai thác tiềm năng dữ liệu lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất và chất lượng phục vụ của cơ quan với người dân, doanh nghiệp; hạn chế việc đầu tư chồng chéo các hệ thống, phần mềm; giảm thiểu được việc cát cứ, phân mảnh dữ liệu.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
Hiện nay, Bộ TTTT đang thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng các cơ sở dữ liệu và kết nối, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước. Cụ thể, tới thời điểm hiện tại đã xác lập 10 cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng nhất để làm nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Hầu hết các cơ quan nhà nước đã hoàn thành việc hoạch định các cơ sở dữ liệu dùng chung của mình. Gần 3000 cơ sở dữ liệu trong cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương đã được xác lập và đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện.
Về kết nối cơ sở dữ liệu: Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối được 29 hệ thống và đã kết nối 95 đầu mối kết nối của các cơ quan, đơn vị. Tổng giao dịch trong năm 2024 đến thời điểm tháng 9/2024 là 721 triệu (bằng 85% tổng số giao dịch năm 2023); luỹ kế là 2,4 tỷ giao dịch.
Bộ TTTT đang tiếp tục thực hiện các giải pháp để khai thác, phát huy hiệu quả dữ liệu trong chuyển đổi số, đề nghị các bộ, ngành, địa phương:
1. Ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung trong phạm vi quản lý của mình theo quy định của pháp luật. Có như thế chúng ta mới biết được đầy đủ các bộ, ngành, địa phương đã và có chủ trương xây dựng dữ liệu gì để điều chỉnh. Hiện nay chỉ còn rất ít bộ, ngành, địa phương chưa ban hành. Bộ TTTT sẽ đốc thúc để hoàn tất việc này.
2. Ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về cấu trúc dữ liệu để đảm bảo dữ liệu xây dựng có chất lượng, dùng được cho nhiều mục đích khác nhau, có khả năng chia sẻ. Hiện nay, chỉ mới có khoảng 2% dữ liệu chuyên ngành có tiêu chuẩn, cần phải tiếp tục xây dựng và ban hành để dữ liệu đảm bảo chất lượng và phục vụ đa mục đích.
3. Mở cơ sở dữ liệu của mình và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; công khai các dịch vụ dữ liệu cho các cơ quan khác sử dụng.
4. Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản trị dữ liệu đã được pháp luật quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/04/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng dữ liệu, tăng cường chia sẻ và giải quyết được những vướng mắc hiện nay.
Ngày 09/8/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 3261/BTTTT-CĐSQG ngày 09/8/2024 gửi Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hải Phòng và Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng về nội dung kiến nghị nêu trên.
Câu 2: Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời có cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp để thực hiện chuyên trách nhiệm vụ chuyển đổi số, an toàn an ninh mạng trong các cơ quan nhà nước.
1. Đối với kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước:
- Bộ TTTT đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Từ năm 2023 đến ngày 15/9/204, Bộ TTTT đã tổ chức 10 khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số miễn phí trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCS) cho hơn 101.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Hỗ trợ 15 bộ, ngành và 49 địa phương sử dụng miễn phí Nền tảng MOOCS đến hết năm 2024. Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức bồi dưỡng cho 95.000 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, Bộ TTTT đang tổ chức 02 khóa học mở miễn phí cho người dân Việt Nam về kỹ năng số cơ bản và kỹ năng an toàn thông tin trên môi trường số trên Nền tảng MOOCS và thực hiện tập huấn kỹ năng số cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương.
Đến nay nền tảng đã đạt hơn 28 triệu lượt truy cập các khóa học, trung bình mỗi ngày tăng 2000-3000 lượt truy cập.
Các khóa học đang được Bộ TTTT triển khai cho các bộ, ngành, địa phương trên Nền tảng MOOCs. Dựa trên chương trình bồi dưỡng này, các bộ, ngành, địa phương có thể chủ động biên tập, biên soạn, bổ sung cho phù hợp với đặc thù của địa phương mình.
- Ngoài ra, Bộ TTTT đã có văn bản số 3235/BTTTT-CĐSQG ngày 07/8/2024 gửi các bộ, ngành, địa phương về chương trình, tài liệu sử dụng chung cho công tác tập huấn kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng cho cán bộ cấp xã theo quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BTTTT ngày 30/5/2023 về hướng dẫn thực hiện một số nội dung về thông tin và truyền thông trong Tiểu dự án 1 và Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 10 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025.
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ công chức, viên chức (kể cả công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng) của các bộ, ban, ngành, các địa phương do cơ quan sử dụng công chức, viên chức tổ chức triển khai thực hiện theo quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP và Nghị định số 89/2020/NĐ-CP.
2. Đối với kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, có cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ cán bộ, công chức có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước:
2.1 Về chính sách chung
- Theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu và trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đối với công chức, viên chức trong toàn quốc kể cả chính sách đặc thù.
- Bộ TTTT đã có công văn số 727/BTTTT-TCCB ngày 26/03/2023 gửi Bộ Nội vụ đề nghị chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức chuyên ngành thông tin và truyền thông, Tại công văn này, Bộ TTTT cũng đã đề xuất 02 chính sách ưu đãi sau:
+ Đề xuất phụ cấp ưu đãi nghề cho công chức, viên chức làm công nghệ thông tin.
+ Đề xuất phụ cấp ưu đãi nghề cho người làm công tác phục vụ thông tin cơ mật và đặc thù đảm bảo an ninh, an toàn thông tin của Cục Bưu điện Trung ương trong mọi tình huống theo Quyết định số 03/2015/QĐ-TTg ngày 15/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm một số cơ chế tài chính đặc thù của Cục Bưu điện Trung ương.
- Trong năm 2023, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu, đề nghị xây dựng Nghị định quy định chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng. Tuy nhiên, Chính phủ đã có ý kiến: (1) Đồng ý chưa xem xét trình dự thảo Nghị định nêu trên vào thời điểm cuối năm 2023; (2) Chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng sẽ được xem xét trong tổng thể khi xây dựng chế độ tiền lương mới triển khai từ ngày 01/7/2024 theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền (Văn bản số 9804/VPCP-TCCV ngày 15/12/2023).
Trong thời gian hoàn thiện chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về chuyển đổi số, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ TTTT và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng, trình Chính phủ ban hành.
2.2 Về chính sách riêng của từng địa phương
Trong thời gian chưa có chính sách chung, tại các địa phương, tùy theo điều kiện cụ thể, nhiều địa phương đã ban hành và áp dụng chế độ, chính sách đãi ngộ, hỗ trợ cán bộ, công chức thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi địa phương mình như các tỉnh: Hà Tĩnh, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, .... Đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng nghiên cứu tham khảo, học tập kinh nghiệm của các địa phương đã xây dựng, ban hành chính sách cho nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân ban hành tại địa phương mình[1].
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.