Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 1611/BDN ngày 23/11/2023, sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) có ý kiến trả lời như sau:
Câu 1: Cử tri phản ánh, hiện nay số lượng tin nhắn rác vẫn còn nhiều, gây ảnh hưởng đến người sử dụng. Cử tri kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp để ngăn chặn, giải quyết triệt để vấn đề này.
Cử tri phản ảnh, tình trạng “SIM rác”, “tài khoản rác” vẫn chưa được kiểm soát, gây nhiều phiền hà, thậm chí còn là điều kiện để các đối tượng tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, vi phạm Luật An ninh mạng. Cử tri kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục có biện pháp để xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Nhằm tăng cường quản lý SIM điện thoại, giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định (SIM rác) thực hiện các hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác và các hành vi vi phạm pháp luật (giả danh cơ quan chức năng, doanh nghiệp gọi điện, nhắn tin cho người dân để đe dọa, dụ dỗ với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản; quảng cáo không đúng sự thật… vẫn còn diễn ra) gây phiền hà cho người dân. Trong thời gian qua, Bộ TTTT đã triển khai các giải pháp:
- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Mỗi tháng, các doanh nghiệp viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn, 50.000 thuê bao lừa đảo.
- Năm 2023, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và 10 triệu thuê bao thuộc tập sử dụng 01 giấy tờ tùy thân để đứng tên hơn 10 SIM/01 giấy tờ, góp phần ngăn chặn tình trạng phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
- Ngày 24/11/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi), các điều, khoản trong Luật đã quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác; nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký sử dụng.
- Bộ TTTT cũng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó quy định xử phạt đến 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao. Bổ sung hình thức xử phạt là đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 01 tháng đến 12 tháng nếu thực hiện các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao. Đây là hình thức xử phạt rất nặng, nghiêm minh đối với các doanh nghiệp viễn thông.
- Vận hành hệ thống hỗ trợ tiếp nhận, phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số tiếp nhận 5656, 156 và website: https://thongbaorac.ais.gov.vn.
- Tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng dịch vụ viễn thông về các cuộc gọi lừa đảo.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp sau:
- Triển khai các biện pháp bảo đảm SIM chính chủ, xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM, quy định trách nhiệm đối với thuê bao đăng ký sở hữu >3 SIM, quy định nghĩa vụ của doanh nghiệp phải xác thực, quản lý thông tin thuê bao, xử lý các SIM có thông tin không đầy đủ, không chính xác, nghĩa vụ của thuê bao viễn thông không được sử dụng thông tin cá nhân của mình để giao kết hợp đồng cho người khác trừ trường hợp pháp luật cho phép và chịu trách nhiệm về các số thuê bao đã đăng ký sử dụng.
- Phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào cơ sở dữ liệu dân cư theo quy định của Luật Căn cước, góp phần xác định thuê bao chính chủ.
- Chỉ đạo các nhà mạng khóa 02 chiều và thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn đang tồn kênh.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo về các cuộc gọi lừa đảo trên hệ thống thông tin đại chúng.
Câu 2: Cử tri kiến nghị cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp kịp thời các thông tin chính thống liên quan đến hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và cử tri, nhân dân được biết.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền trên báo chí luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm đặc biệt. Đảng lãnh đạo toàn diện công tác báo chí, truyền thông, thường xuyên có định hướng cho hoạt động này. Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng về báo chí, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí, Bộ TTTT đã triển khai nhiều hoạt động cung cấp thông tin cho báo chí như: Cung cấp thông tin chính thống trong Giao ban báo chí hàng tuần; cung cấp thông tin liên quan vấn đề nhân quyền, đối ngoại, tôn giáo, dân tộc cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; rà quét, bóc gỡ các thông tin xấu độc trên môi trường mạng, kịp thời phản bác luận điệu sai trái thù định, công bố tin giả trên trang “tingia.gov.vn”.
Đặc biệt, hệ thống báo Đảng trên toàn quốc thường xuyên cập nhật thông tin chính thống liên quan đến hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã chủ động định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí và người dân; hệ thống thông tin cơ sở và các phương thức truyền thông khác cũng đóng vai trò quan trọng đưa thông tin chính thống về cơ sở.
Kết quả rà quét không gian mạng cho thấy, từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2023, trên báo chí điện tử có khoảng 158.785 tin, bài thông tin, tuyên truyền về hoạt động của các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành, nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương… tăng 36.388 tin, bài so với năm 2022. Trong đó, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các Bộ, ngành, địa phương khoảng 16.427 tin, bài tăng hơn 2.000 tin, bài so với năm 2022; hoạt động của các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước khoảng 142.358 tin, bài tăng hơn khoảng 15.000 tin, bài so với năm 2022.
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít thông tin chính thống còn chậm so với thông tin trên mạng xã hội, nên người dân tiếp cận thông tin từ mạng xã hội trước, dễ bị tác động bởi các thông tin xấu độc, sai lệch.
Bộ TTTT tiếp thu ý kiến của cử tri để chỉ đạo báo chí đổi mới phương thức đưa tin liên quan đến hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thông tin về các sự kiện quan trọng, các vấn đề lớn của đất nước, những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, bảo đảm thông tin kịp thời, đầy đủ, chuẩn xác, lan tỏa nhanh hơn nữa, để báo chí giữ vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội.
Câu 3: Cử tri phản ánh, hiện nay tình trạng buôn bán sách giả, sách lậu xuất hiện nhiều trên thị trường, nhất là việc rao bán trên các trang mạng xã hội. Thực trạng này vừa gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người đọc, vừa gây tổn hại cho các đơn vị phát hành sách, các nhà xuất bản, tác giả… Cử tri kiến nghị cần tăng cường kiểm soát, xử lý tình trạng này.
Tình trạng buôn bán sách giả, sách lậu hiện nay trên thị trường, nhất là việc rao bán trên các trang mạng xã hội đang là vấn nạn của ngành xuất bản. Sách lậu, sách giả được một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử để đưa đến người tiêu dùng. Sách lậu, sách giả gây nhiều thiệt hại cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành kinh doanh chân chính, ảnh hưởng đến người sử dụng, đòi hỏi quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, địa phương, đồng thời cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội trong việc đẩy lùi vấn nạn này.
Bộ TTTT nhất trí với ý kiến của cử tri thành phố Đà Nẵng cần tăng cường kiểm soát, xử lý tình trạng buôn bán sách giả, sách lậu xuất hiện nhiều trên thị trường, đặc biệt trên các trang mạng xã hội.
Trong thời gian vừa qua, Bộ TTTT đã có nhiều giải pháp để tăng cường kiểm soát, xử lý tình trạng trên, như:
- Xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản… bổ sung các chế tài đối với các hành vi in lậu các sản phẩm là xuất bản phẩm và các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm…
- Triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm (Thanh tra Bộ TTTT đã có công văn 1547/TTra-BCXB ngày 09/10/2023 gửi Sở TTTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác giám sát, chấn chỉnh hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm. Các cơ quan chức năng của Bộ như Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Cục An toàn thông tin, Trung tâm Internet Việt Nam đã phối hợp xác minh việc buôn bán sách giả, sách lậu để có biện pháp xử lý và ngăn chặn).
- Ngoài ra, Bộ TTTT chỉ đạo các cơ quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xây dựng đường dây nóng, phát hiện kịp thời những sai phạm để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh sử dụng tem điện tử vào phân biệt sách thật, sách giả.
Trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp sau:
- Hoàn thiện các chế định làm cơ sở cho xây dựng chế tài, xử lý các trường hợp lợi dụng kẽ hở pháp luật để in và phát hành sách lậu, vi phạm bản quyền. Trong đó tập trung đề xuất xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản.
- Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị xuất bản, in, phát hành và toàn xã hội.
- Phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam xây dựng Trung tâm hỗ trợ bảo vệ bản quyền tác giả sách.
- Phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số của Bộ Công Thương là cơ quan có thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc và hoạt động thương mại điện tử trong lĩnh vực này để có biện pháp xử lý và ngăn chặn.
- Xây dựng Cổng thông tin ngành in qua đó cung cấp danh sách cơ sở in thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện và xử lý những cơ sở in vi phạm pháp luật.
- Tăng cường giám sát, quản lý và hình thành phương thức phối hợp xử lý các vụ việc vi phạm, bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ và đúng quy định của pháp luật, tuyên truyền, khuyến khích việc tự bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đến các nhà xuất bản, công ty phát hành sách, đẩy mạnh việc tuyên truyền theo các chủ đề cụ thể để các tác giả nắm bắt, hiểu rõ về quyền lợi chính đáng của mình và tham gia vào việc tự bảo vệ, cũng như chủ động phối hợp phòng, chống các hành vi xâm hại quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả và quyền liên quan trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành nói riêng.
- Xây dựng hệ sinh thái xuất bản kết nối các nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành, cung cấp xuất bản phẩm có chất lượng cho thị trường, bạn đọc mua sách.
- Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri./.