Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Đà Nẵng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 907/BDN ngày 01/8/2023, nội dung kiến nghị như sau:
Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:
Qua công tác quản lý, Bộ TTTT nhận thấy khả năng đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin nhanh chóng cho công chúng đang biến mạng xã hội trở thành công cụ tuyên truyền chính trị hiệu quả và có phần ưu việt hơn so với các phương tiện khác. Do đó, Bộ TTTT đã đẩy mạnh tập huấn cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống truyền thông đa phương tiện mà các cơ quan báo chí chính thống đóng vai trò nòng cốt; các trang thông tin điện tử, các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, các kênh video trên các mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube, TikTok, Zalo (kết hợp cả chính danh và ẩn danh) làm công cụ lan tỏa thông tin chính thống, tích cực, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Fanpage chính thức của Chính phủ trên Facebook: “Thông tin Chính phủ” là ví dụ điển hình của việc ứng dụng có hiệu quả mạng xã hội vào tuyên truyền chính trị. Trong 02 năm gần đây, các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình địa phương cũng có xu hướng xây dựng kênh tuyên truyền trên các mạng xã hội để đẩy mạnh sức lan tỏa, tăng khả năng tiếp cận với những nhóm đối tượng trẻ tuổi.
Ngoài ra, Bộ TTTT cũng chủ động nghiên cứu, tìm hiểu để nhanh chóng “làm chủ” các tính năng, công cụ mới của Internet và mạng xã hội phục vụ cho công tác quản lý, tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội, thúc đẩy truyền thông chủ động. Tiêu biểu là chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” do Bộ TTTT và thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội vào tháng 8/2021. Giai đoạn cao điểm giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid -19. Đây là thời điểm xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật, tin giả gây hoang mang cho người dân về các chủ trương, chính sách phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước. Việc sử dụng tính năng livestream trên mạng xã hội để đối thoại, tương tác trực tiếp đã góp phần thu hẹp khoảng cách giữa cơ quan quản lý nhà nước và người dân, làm tiền đề để có thể nhân rộng tại các tỉnh thành khác trên cả nước.
Hiện nay, Bộ TTTT đang thực hiện các nội dung theo Thông báo số 387/TB-VPCP ngày 22/12/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Truyền thông chính sách, trong đó, thực hiện đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới. Tăng cường ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số; đưa các kênh thông tin đa phương tiện phục vụ cho công tác truyền thông chính sách.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Đà Nẵng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri./.